Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hôm nay (24-3), 100% thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đồng ý thông qua Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh
Pháp lệnh gồm 5 chương, 48 điều, quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo Pháp lệnh này, có 9 nguyên tắc xem xét, quyết định đưa người nghiện từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó có nguyên tắc chỉ xem xét, quyết định khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy.
Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo Pháp lệnh, phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị…
Thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Pháp lệnh quy định Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này; thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có yêu cầu của Tòa án. Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quyết định của Tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.
Phát biểu với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo Pháp lệnh, Chánh án Toà án Nhân dân tối cáo Nguyễn Hòa Bình cho biết, dù một số ý kiến cũng đang còn có khác biệt, nhưng sau khi chỉnh lý thì Pháp lệnh đã đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, thông qua.
Chánh án TAANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu
Ông Bình nhận định, việc Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng chu đáo cũng là một phần rất quan trọng để xây dựng Luật Tư pháp cho trẻ chưa thành niên trong tương lai.
Theo chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa, UBTVQH đã đưa vào chương trình, Quốc hội cũng đã thông qua và giao cho Tòa án xây dựng Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên. Luật này, theo ông Bình, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có, còn ở Việt Nam, cũng đã có nhiều chính sách nhưng quy định rải rác ở khắp nơi.
Cho biết các tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần có một đạo luật riêng đối với người chưa thành niên, ông Bình báo cáo, nếu Thường vụ Quốc hội ủng hộ thì trong tương lai, những nội dung của Pháp lệnh kể trên sẽ được đưa vào đạo luật này.