Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 mức hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động

Thứ Tư, 23/03/2022 17:00

|

(CAO) Mức 1 triệu đồng/tháng áp dụng cho người lao động quay trở lại thị trường lao động và mức 500.000 đồng/tháng dành cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Hỗ trợ tối đa 3 tháng

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh vừa ký văn bản trình Thủ tướng ban hành Quyết định quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ).

2 đối tượng NLĐ sẽ được hỗ trợ tiền thuê trọ trong 3 tháng
Việc ban hành Quyết định này, theo ông Lê Văn Thanh, nhằm khẩn trương triển khai thực hiện những biện pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP để kịp thời phục hồi thị trường lao động, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của NLĐ, nhất là NLĐ đang phải ở thuê, ở trọ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Trên cơ sở đó, dự thảo đưa ra 2 đối tượng được hưởng trợ cấp, gồm: NLĐ đang làm việc trong các DN và NLĐ quay trở lại thị trường lao động.

Mức hỗ trợ giữa 2 đối tượng này có sự chênh lệch khá nhiều, cụ thể, mức hỗ trợ đối với NLĐ đang làm việc là 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).

Để phân tách, xác định cụ thể 2 đối tượng hỗ trợ, dự thảo Quyết định căn cứ vào mốc thời gian giao kết và thực hiện hợp đồng lao động là ngày 01/03/2022. Theo đó, lao động đang làm việc hưởng mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng bao gồm những người đang ở thuê, ở trọ, có giao kết và thực hiện hợp đồng lao động trước ngày 01/3/2022.

Lao động quay trở lại thị trường lao động được hưởng mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng bao gồm những người đang ở thuê, ở trọ, có thời gian giao kết và thực hiện hợp đồng trong khoảng từ ngày 01/3/2022 đến ngày 30/6/2022.

Phạm vi hỗ trợ, được quy định trong dự thảo, là NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, hoạt động theo quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ- CP; Khu vực kinh tế trọng điểm (KTTĐ), gồm Khu kinh tế được thành lập, hoạt động theo quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc 4 vùng KTTĐ: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, vùng ĐBSCL.

Chính sách hỗ trợ áp dụng với NLĐ được tuyển dụng, có hợp đồng lao động trong các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.

3 điều kiện để nhận hỗ trợ

Đề cập đến điều kiện hỗ trợ, dự thảo nêu rõ, NLĐ được hỗ trợ tiền thuê nhà mức 500.000 đồng/người/tháng phải đủ 3 điều kiện: Đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/3/2022 đến ngày 30/6/2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trước ngày 01/3/2022; Đang làm việc trong các DN (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH, trường hợp không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp).

NLĐ được hỗ trợ ở 2 mức: 1 triệu đồng và 500.000 đồng/tháng/người

Điều kiện với NLĐ được hỗ trợ tiền thuê nhà mức 1.000.000 đồng/người/tháng, gồm: Đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/3/2022 đến ngày 30/6/2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01/3/2022 đến ngày 30/6/2022, trừ trường hợp giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động; Đang làm việc trong các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH, trường hợp không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người mới tuyển dụng lao động thì phải có tên trong danh sách trả lương của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh).

Thầm quyền phê duyệt danh sách hỗ trợ thuộc UBND cấp tỉnh. Việc chi trả hỗ trợ được thực hiện hằng tháng, trên cơ sở đề nghị của NLĐ và danh sách lao động đề nghị hỗ trợ do DN lập. Tuy nhiên, để thuận tiện, giảm áp lực cho DN, dự thảo quy định DN có thể đề nghị hỗ trợ gộp 02 tháng hoặc 03 tháng.

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện chính sách này vào khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng, được lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Liên quan đến thủ tục xác nhận của cơ quan BHXH, dự thảo đề xuất cơ quan BHXH sẽ tham gia xác nhận NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc để làm cơ sở chứng minh NLĐ đang thực tế làm việc DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, làm “lưới lọc” giúp các cơ quan thẩm định, phê duyệt hồ sơ. Song một số ý kiến cho rằng việc này sẽ kéo dài thêm thời gian và việc xác nhận cũng không hết được đối tượng (trong đối tượng hỗ trợ còn có người không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người mới được tuyển dụng).

Làm rõ yêu cầu này, ông Thanh cho biết, mục đích là để hạn chế việc trục lợi chính sách. Việc cơ quan BHXH xác nhận, ông Thanh thông tin, đã được triển khai thực hiện ở nhiều chính sách gần đây, đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác thực nên thời gian thực hiện sẽ nhanh (dự thảo quy định tối đa 2 ngày làm việc). Mặt khác, việc thông qua xác nhận của cơ quan BHXH, cũng là một trong những giải pháp để dần thu hút, phát triển NLĐ tham gia BHXH bắt buộc.
 

 

Ông Lê Văn Thanh cho biết, quá trình xây dựng Quyết định còn một số ý kiến khác như sau liên quan đến mốc thời gian để làm cơ sở phân tách đối tượng, mức hưởng hỗ trợ.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc lựa chọn mốc thời gian gắn với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (ngày 11/01/2022), Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ (ngày 30/01/2022).

Giải trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với mốc thời gian đầu năm 2022 sẽ có nhiều đối tượng được hưởng chính sách quay trở lại thị trường lao động (mức 1.000.000 đồng/người/tháng) nhưng sẽ khó khăn hơn trong tổ chức thực hiện với các trường hợp có thời gian hồi tố lại (tháng 1, tháng 2/2022).

Do vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị lựa chọn mốc thời gian là ngày 01/03/2022 vì sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đây là thời gian cần nhất để hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động do tác động của đại dịch COVID-19; hỗ trợ để khắc phục được sự thiếu hụt lao động sau Tết, thiếu hụt do lao động nhiễm COVID-19 gia tăng.

Mốc thời gian được đề xuất, theo ông Thanh, sẽ tương thích với các mục tiêu, thời gian của Nghị quyết số 43/2022/QH15; Nghị quyết số 11/NQ-CP; đồng bộ về thời gian với các nội dung khác của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã dự kiến đối tượng, kinh phí hỗ trợ theo các phương án và thấy rằng thực hiện với mốc thời gian ngày 01/3/2022 sẽ có tính khả thi cao hơn, phù hợp với nguồn lực đã dự kiến bố trí.

Bình luận (0)

Lên đầu trang