Cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, những kiểu lừa truyền thống, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự.
“Ma trận” lừa đảo
Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn vẫn xảy ra theo phương thức "truyền thống" như: Giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”...; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, sau đó sử dụng vào mục đích ký kết các hợp đồng để lừa đảo; Làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý, cây cảnh (lan đột biến...) giá trị cao để lừa đảo; Lừa đảo trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản...
Bên cạnh đó, đang “nở rộ” nhiều hình thức lừa đảo tinh vi khác trên không gian mạng như: Giả danh cơ quan tư pháp để gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang giải quyết, từ đó đe dọa chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại để đăng nhập sử dụng và chiếm đoạt; Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... rồi yêu cầu bị hại nộp cước vận chuyển, thuế, phí vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định để chiếm đoạt; Chiếm quyền quản trị (hack) hoặc giải lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt; Lập các hộp thư điện tử tương tự hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện các giao dịch bằng thư điện tử của các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán...
Đặc biệt, lợi dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không mạng ngày càng gia tăng, nổi lên một số thủ đoạn như: Tạo lập các website, trang giao dịch, các ứng dụng có giao diện tương tự sàn đầu tư tài chính quốc tế với mức lợi nhuận cao rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia kinh doanh tiền ảo, ngoại hối, sàn giao dịch nhị phân theo hình thức đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt; Lợi dụng việc mua bán hàng trực tuyến nhất là các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang… trong thời điểm dịch bệnh để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua bán hàng.
Thực tế cho thấy, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn chiếm tỷ lệ cao trên tổng số tội phạm. Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng cấu kết thành ổ nhóm tội phạm, có tổ chức thành đường dây với nhiều đối tượng tham gia tại nhiều địa phương khác nhau và có yếu tố nước ngoài.
Qua nhiều vụ việc cho thấy, người bị hại không còn tập trung vào người cao tuổi, phụ nữ trung niên nhẹ dạ cả tin, một bộ phận người dân thiếu kiến thức về kinh tế, trình độ khoa học ở khu vực nông thôn mà ngày càng đa dạng về độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, khu vực sinh sống...
Thống kê của CATP Hà Nội cho thấy, riêng năm 2021, các đơn vị trực thuộc đã phát hiện, giải quyết gần 1.500 vụ có dấu hiệu lừa đảo, khởi tố vụ án hình sự 243 vụ, với 259 bị can.
Cảnh giác trước các “Lệnh truy nã” giả gửi qua tin nhắn, MXH
Một số nguyên tắc cần lưu ý để tránh sập bẫy lừa đảo
Phòng CSHS-CATP Hà Nội khuyến cáo, đối với các thủ đoạn lừa đảo, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát… để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nơi ở cho đối tượng lạ khi không rõ nhân thân và lai lịch họ.
Mọi người dân cần lưu ý, khi lực lượng chức năng, nhất là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với dân sẽ có quyết định triệu tập, giấy mời gửi đến tận tay người liên quan để đến làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan pháp luật, không làm việc thông qua mạng viễn thông.
Một nguyên tắc khác người dân cần lưu ý là thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và tuyệt đối không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking, khi phát hiện hoạt động tội phạm người dân cần thông báo cơ quan công an để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Cơ quan công an cũng đề nghị người dân cảnh giác khi cài “app” vay tiền, bởi một là phải chịu lãi suất cao cùng việc đòi nợ theo kiểu “tín dụng đen”, hai là dính vào những đường link cài “app” lừa đảo.
Ngoài ra, khi cài app qua kho ứng dụng, các app vay tiền đều đòi hỏi người cài đặt cho truy cập danh bạ điện thoại, từ đó sẽ có cơ sở tìm ra những người liên lạc thường xuyên và không chỉ gửi tin nhắn đe dọa đến người vay, mà có thể những người trong danh bạ cũng bị vạ lây. Tuyệt đối không bấm vào các đường link do đối tượng gửi đến và hướng dẫn đóng thuế thu nhập hoặc nạp tiền để tăng hạn mức rút tiền…