Cảnh giác với những cạm bẫy không ngờ trên mạng xã hội

Thứ Năm, 24/03/2022 10:07  | Văn Tình

|

(CATP) Nhận cuộc gọi từ những số điện thoại lạ, rồi bị hù dọa rằng có liên quan đến pháp luật hoặc mời dự tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng là những thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng nhiều người dân vẫn tiếp tục sập bẫy. Từ đầu năm 2022 đến nay, tại tỉnh Nghệ An, nhiều nạn nhân đã bị các đối tượng lừa chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Tiền tỷ "bốc hơi"

Ngày 23-3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị tiếp nhận rất nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Mặc dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới, nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy.

Đầu tháng 1-2022, ông Trần Đức Thành (ngụ TP.Vinh, Nghệ An) nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Ông Thành bắt máy thì người gọi thông báo rằng ông có gửi một bưu kiện đi nước ngoài, do bưu kiện này liên quan đến vấn đề rửa tiền nên ông Thanh phải hợp tác để điều tra. Tiếp đó, đối tượng giả vờ nối máy cho ông Thành gặp "đại úy công an", "cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân" để ông cung cấp thông tin.

Sau đó, các đối tượng gửi qua tài khoản Zalo cho ông Thành một hình chụp quyết định bắt ông để tạm giam. Khi ông Thành cố gắng giải thích mình không liên quan đến sự việc, đối tượng tự xưng là "cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân" yêu cầu ông phải khai báo số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP vào một ứng dụng do chúng gửi qua Zalo. Trong lúc hoảng loạn, ông Thành làm theo hướng dẫn của chúng. Sau đó, nạn nhân trấn tỉnh lại, kiểm tra tài khoản ngân hàng thì số tiền 500 triệu đồng trong đó đã bị rút hết.

"Đến giờ, tôi cũng không hiểu sao mình lại mê muội như vậy. Tôi đã làm theo lời chỉ dẫn của những kẻ lừa đảo giống như bị thôi miên, khiến số tiền dành dụm, tiết kiệm nhiều năm qua bị mất sạch" - ông Thành kể. Ngay sau đó, ông Thành đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC Công an tỉnh Nghệ An để trình báo sự việc.

Tương tự, bà B. (ngụ H.Diễn Châu, Nghệ An) cũng bị những kẻ lừa đảo gọi điện thông báo liên quan đến một gói bưu kiện "có vấn đề”. Chúng tiếp tục "diễn kịch" cho bà B. gặp cán bộ công an, viện kiểm sát qua điện thoại, rồi yêu cầu khai báo tài khoản ngân hàng của bà qua ứng dụng do chúng gửi đến. Trong lúc hoảng sợ, bà B. làm theo hướng dẫn của bọn tội phạm và bị chúng rút hết số tiền 1,5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Mất tiền vì muốn kiếm thêm thu thập

Ngoài thủ đoạn trên, nhiều người dân ở tỉnh Nghệ An còn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách dụ dỗ tham gia dự tuyển cộng tác viên bán hàng online. Đây là một hình thức lừa đảo rất phổ biến xảy ra trong thời gian qua.

Các nạn nhân đến cơ quan công an để tố giác tội phạm lừa đảo

Theo đó, các đối tượng lợi dụng hình thức thuê người đặt hàng ảo để tăng lượng đơn hàng, đánh giá sản phẩm chất lượng tốt trên các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... Sau đó, chúng dùng thủ đoạn vờ mua hàng trực tiếp, nhưng không nhận hàng, mà việc mua hàng sẽ được chi trả qua tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp. Mỗi lượt mua hàng thành công, cộng tác viên sẽ được hưởng hoa hồng từ 10-20% số tiền gốc/đơn hàng. Tiền gốc và hoa hồng được hứa hẹn chuyển khoản vào tài khoản người đặt hàng ít phút sau khi đặt hàng thành công.

Ban đầu, để tạo lòng tin cho nạn nhân, các đối tượng cung cấp đường "link" trên hệ thống các ứng dụng bán hàng của Shopee, Lazada, Tiki... từ một sản phẩm giá vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, cùng tài khoản ngân hàng cá nhân do kẻ lừa đảo cung cấp, để nạn nhân chuyển khoản số tiền tương ứng với giá trên hệ thống. Khi nạn nhân đã tin tưởng, chuyển tiền với số lượng lớn thì chúng không chuyển khoản ngược lại. Biết sập bẫy lừa, các nạn nhân yêu cầu lấy lại số tiền gốc thì các đối tượng chặn số, ngắt kết nối.

Hình chụp các quyết định giả mạo mà bọn tội phạm dùng để hù dọa nạn nhân

Anh N.V.L (SN 1992, ngụ H.Nam Đàn, Nghệ An) kể: Một lần mua hàng qua mạng xong, anh để lại bình luận thì sau đó có một đối tượng gọi điện, mời dự tuyển cộng tác viên bán hàng online. Đối tượng cho biết, trong 2 đơn hàng đầu tiên, anh L. chỉ cần bỏ ra từ 400 - 500 ngàn đồng, chờ 15 phút sau khi chuyển tiền mua hàng cho chúng thì anh sẽ nhận đủ tiền hoa hồng và tiền gốc. Thấy công việc này đơn giản, dễ kiếm tiền, anh L. đồng ý. Về sau, khi anh L. bỏ ra hơn 30 triệu đồng thanh toán đơn hàng xong và liên hệ đòi tiền thì các đối tượng liền chặn Zalo, khóa sim thoại nên không thể liên lạc được.

Trung tá Trần Thiện Giang - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An:

Chỉ trong quý I-2022, Công an tỉnh Nghệ An đã khám phá 11 vụ, bắt 17 đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thu giữ số tiền hàng chục tỷ đồng. Trong đó, đơn vị phát hiện, bắt giữ 6 vụ, với 12 đối tượng.

Ngày 15-3-2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An ban hành công văn cảnh báo về một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, để tuyên truyền rộng rãi đến mọi người. Công an khuyến cáo, người dân không được bấm vào các đường "link" lạ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua cuộc gọi điện thoại hoặc đường "link" gửi bằng email, tin nhắn.

Nếu nhận được thông tin về người thân, bạn bè nhắn tin vay mượn tiền qua mạng xã hội, người dân cần gọi điện trực tiếp cho người đó để xác minh thông tin chính xác trước khi chuyển tiền. Khi phát hiện dấu hiệu về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hoặc qua điện thoại, mọi người cần báo cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang