Nội dung tin nhắn “Lệnh truy nã” giả mạo đã được nhắn tin đến điện thoại người dân, nêu rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã, đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện.
Trước vấn đề này, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khẳng định, cơ quan Công an không gửi quyết định truy nã (QĐTN) bằng tin nhắn điện thoại. Các tin nhắn với nội dung như vậy là giả mạo, người dân cần cảnh giác, tránh bị lợi dụng lừa đảo.
Đại tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng truy nã, truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, Điều 231 Bộ luật TTHS quy định về truy nã: Khi bị can trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã.
Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, TAND tối cao cũng có Thông tư Liên tịch số 13/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật THAHS về truy nã cũng như theo quy định tại Thông tư 39 quy định về công tác truy nã của CAND thì quyết định truy nã là văn bản tố tụng hình sự do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo mẫu do Bộ Công an quy định (Lệnh truy nã do cơ quan có thẩm quyền ban hành trước đây vẫn còn hiệu lực).
Quyết định truy nã phải có một số các nội dung chính như: Thời gian, địa điểm ra quyết định truy nã; cơ quan, họ tên, chức vụ người ra quyết định truy nã; căn cứ truy nã; thông tin lý do, nhận dạng, ảnh đối tượng bị truy nã; tội danh bị khởi tố, truy tố; địa chỉ, số điện thoại của cơ quan ra QĐTN.
Thông tư 39 cũng quy định đối tượng truy nã gồm: Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu; người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn; người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án, người bị tòa án quyết định buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, người bị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện bỏ trốn; đối tượng do tổ chức hình sự quốc tế truy nã quốc tế.
Thẩm quyền ra QĐTN trong CAND gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT, ANĐT Công an các cấp ra QĐTN đối với bị can, bị cáo trong các vụ án đang điều tra hoặc theo yêu cầu của Viện KSND, TAND; thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; giám thị, phó giám thị trại giam; giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an.
Quyết định truy nã theo quy định được gửi đến: Công an địa phương nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã. Công an cấp tỉnh nơi đối tượng truy nã lẩn trốn hoặc tất cả Công an cấp tỉnh; VKSND cùng cấp với cơ quan ra QĐTN.
Ngoài ra, VKSND, TAND có yêu cầu ra QĐTN. Cơ quan thi hành án; Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ và cấp tỉnh nơi ra QĐTN; cơ quan hồ sơ nghiệp vụ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; cơ quan, tổ chức khác khi xét thấy cần thiết.
QĐTN được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt người bị truy nã.
Tin nhắn giả mạo “Lệnh truy nã” gửi đến người dân nhằm mục đích lừa đảo Theo Đại tá Trần Ngọc Cường, thầm quyền bắt giữ đối tượng truy nã, theo Điều 112, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về bắt người đang bị truy nã: Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt, tước vũ khí, hung khí của đối tượng truy nã và giải ngay đến cơ quan Công an, VKDND, UBND nơi gần nhất, các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặt báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền…
Đối với các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ Công an được giao nhiệm vụ truy bắt đối tượng truy nã phải lập kế hoạch tổ chức xác minh, thu thập các thông tin, tài liệu về đối tượng để đảm bảo bắt đúng đối tượng bị truy nã, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Việc đầu tiên khi tiến hành bắt giữ, tiếp nhập đối tượng truy nã là phải xác minh, ghi lời khai đảm bảo đúng người, đúng tội ghi trong QĐTN, cơ quan ra QĐTN phải so sánh, đối chiếu danh chỉ bản, ảnh đối tượng để xác định đúng là người đang bị truy nã hay không.
Để đảm bảo công khai, minh bạch, cổng thông tin điện tử của Bộ Công an có mục thông tin đối tượng truy nã, đồng thời cơ quan ra QĐTN cũng công khai thông tin truy nã tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Cảnh sát hình sự cho biết, công tác truy nã tội phạm được quy định trong Bộ luật TTHS, liên quan đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người, nên phải rất thận trọng, khách quan, thực hiện đúng quy trình pháp luật quy định. Cục Cảnh sát hình sự khẳng định, không có việc Bộ Công an gửi tin nhắn truy nã tội phạm, mọi người dân cần tỉnh táo, có hiểu biết để không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.
Cũng theo Cục Cảnh sát hình sự, thực tế kết quả công tác đấu tranh đối tượng truy nã trong giai đoạn hiện nay, quần chúng nhân dân đóng vai trò không nhỏ trong việc cung cấp thông tin tố giác tội phạm, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an trong quá trình xác minh, truy bắt đối tượng truy nã.
Khi có tin báo tố giác đối tượng truy nã được quần chúng nhân dân cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua số điện thoại cho cơ quan Công an các cấp từ xã, phường đến cơ quan điều tra cấp Bộ. Bên cạnh đó, cơ quan Công an cũng sẽ có những phương án để đảm bảo an toàn thông tin, không để thương hại đến người cung cấp tin và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho quần chúng nhân dân khi tiến hành truy bắt đối tượng.
Đặc biệt, cơ quan Công an cũng sẽ có chế độ khen thưởng, động viên bằng tinh thần, vật chất theo quy định của Bộ Công an đối với quần chúng nhân dân cung cấp tin chính xác cũng như hỗ trợ lực lượng Công an trong quá trình xác minh, truy bắt đối tượng truy nã.
Cục Cảnh sát hình sự có đơn vị chuyên trách truy nã tội phạm, khi nhân dân có thông tin về đối tượng truy nã có thể điện thoại số: 0692.348.560 sẽ được hướng dẫn.