Cảnh báo: Gia tăng tội phạm lừa đảo

Thứ Tư, 16/03/2022 10:15

|

(CATP) Các chiêu lừa đảo mới liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây, từ lừa thật ngoài đời đến lợi dụng không gian mạng giăng lưới. Điều đáng nói, tội phạm trốn nã bị bắt trong thời gian đầu năm 2022, cũng gia tăng đáng kể.

Liên tiếp bắt trốn nã

Trong cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nhâm Dần 2022, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an TPHCM đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Bộ Công an và Công an TPHCM nên đảm bảo được an ninh trật tự, kéo giảm phạm pháp hình sự và đạt được hiệu quả trong nhiều mặt công tác.

Cụ thể, Phòng CSHS đã phối hợp linh hoạt với các đơn vị và Cục CSHS triệt phá được nhiều băng nhóm hoạt động tội phạm nguy hiểm, ứng trực và triển khai kịp thời việc truy xét, khám phá nhanh nhiều vụ án nghiêm trọng, bắt nhiều đối tượng gây án manh động. Trong đó, Phòng CSHS đã khám phá 437 vụ, bắt xử lý 751 đối tượng; triệt phá 135/70 băng nhóm (đạt 192% chỉ tiêu); bắt, vận động đầu thú 153/50 đối tượng có quyết định truy nã, thông báo truy tìm (đạt 306% chỉ tiêu).

Trong khi án "lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản" được Phòng CSHS khám phá đạt hơn 90%, riêng án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" con số khám phá án chỉ dừng ở mức hơn 51%. Điều này cho thấy, tội phạm lừa đảo hiện nay có phương thức, thủ đoạn lừa đảo và trốn tránh pháp luật rất tinh vi, khó phòng ngừa và không dễ đối phó.

Theo đó, trong cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, Phòng CSHS đã làm rất tốt mảng công tác bắt, vận động đối tượng có quyết định truy nã và thông báo truy tìm. Qua con số thống kê của đội nghiệp vụ cho thấy, số đối tượng trốn nã về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bị bắt trong 2 tháng đầu năm 2022, cũng đột biến gia tăng với 18 đối tượng có quyết định truy nã của Phòng CSHS và các đơn vị khác, chưa kể số ngoại tỉnh.

Cảnh báo phương thức lừa đảo mới

Trong số 18 đối tượng trốn nã về hành vi "lừa đảo", có kẻ đã bỏ trốn được 10-20 năm, phần nhiều nằm trong khoảng 1-4 năm. Đỉnh cao của trốn nã đợt này thuộc về Hà Đức Minh (SN 1964, ngụ TP.Hà Nội) với 24 năm bỏ trốn. Đối tượng bị Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội ra quyết định truy nã về hành vi lừa đảo vào năm 1998.

Hơn 20 năm qua, Minh phiêu dạt từ Bắc vào Nam, lẩn trốn khắp nơi từ nông thôn đến thành thị để che giấu thân phận. Gần đây, Minh dừng chân tại TPHCM và lấy việc chạy xe ôm công nghệ để sống qua ngày. Do kiên nhẫn truy lần manh mối từng tội phạm dù nhiều năm đã trôi qua, nên trinh sát Phòng CSHS Công an TPHCM vẫn lần ra Minh sau 24 năm "vật đổi sao dời" và thực hiện lệnh bắt vào ngày 25-2-2022, tại đường Trần Hưng Đạo (P.Cầu Kho, Q1), khi đối tượng còn đang di chuyển trên đường trong bộ trang phục xe ôm công nghệ.

Với vai trò đóng giả vợ chủ nhà để bán nhà đất trị giá hơn 5 tỷ đồng, Lê Thị Hồng Hạnh (SN 1969, ngụ H.Củ Chi) bị Cơ quan công an truy nã vào năm 2014. Hạnh trốn đi khắp các tỉnh thành, xin làm việc chân tay với đủ loại nghề để kiếm sống ngoài pháp luật và bị Phòng CSHS lần tìm ra, thực hiện lệnh bắt vào tháng 2-2022, tại xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi.

Tại sao tội phạm lừa đảo lại gia tăng trong giai đoạn gần đây? Phân tích số liệu và diễn biến thực tế cho thấy, những năm gần đây, khi công nghệ phát triển vượt bậc cũng kéo theo sự gia tăng tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, cũng như tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo.

Thêm vào đó, hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-2019 bùng phát trên diện rộng khiến các nước trên thế giới, trong đó có nước ta phải trải qua nhiều giai đoạn "ở yên trong nhà” để phòng chống dịch. Lợi dụng tâm lý người dân không được ra khỏi nhà, nhưng lại muốn có việc làm thêm, muốn tìm kênh đầu tư để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, nhiều kẻ bất hảo đã lợi dụng không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao tung ra nhiều chiêu lừa đảo để moi tiền trong ví của các nhà đầu tư, những khách hàng nhẹ dạ, cả tin.

Đối tượng trốn nã bị bắt về hành vi lừa đảo 24 năm

Các "chiêu thức" mới

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TPHCM vừa khuyến cáo người dân nên cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới vừa xuất hiện, đó là phương thức giả mạo cơ quan công an nhắn tin "Lệnh truy nã" để lừa đảo chiếm đoạn tài sản.

Gần đây, nhiều người dân phản ánh việc nhận được các tin nhắn với nội dung "Lệnh truy nã". Nội dung tin nhắn thường nêu tên tuổi, rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã. Đồng thời, gửi tin yêu cầu người nhận được tin nhắn phải tự giác trình diện. Khi nhận những tin nhắn nội dung tương tự nêu trên, không ít người hoang mang liền nhắn tin, hay điện thoại lại để xác nhận cho kỹ. Thấy "con mồi" lo lắng, bất an, các đối tượng sẽ lợi dụng dẫn dắt câu chuyện, khiến nạn nhân mắc mưu, làm lộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng rồi thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đề phòng ngừa với chiêu thức lừa đảo này, người dân tuyệt đối không thực hiện theo các nội dung lừa đảo tại các cuộc gọi, tin nhắn có nội dung giả mạo thường bắt đầu bằng đầu số có dấu + phía trước các dãy số ví như +843739...; + 181900... Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh ngày một thêm đông.

Theo đó, các nhóm tội phạm tổ chức đánh cắp tài khoản Zalo của nhiều người dùng và giả danh họ nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho người thân, quen nhờ nạp card điện thoại hoặc chuyển tiền mua giúp hàng hóa với lý do "do bị F0 nên đang cách ly tại nhà không ra ngoài được". Không ít người nhận được tin nhắn chưa kịp kiểm chứng đã vội tin và làm ngay, hậu quả là bị rơi vào bẫy lừa, mất luôn số tiền đã chuyển. Tinh vi hơn, có người dân gọi điện thoại lại kiểm chứng và nghi vấn không phải giọng người quen, vẫn bị các đối tượng nghi binh theo kiểu: "do mình bị F0, ho nhiều, rát cổ, khàn tiếng, lạc giọng thôi mà”.

Để tránh bị lợi dụng lừa đảo, người dùng Zalo nên hạn chế đăng tải các thông tin và hoạt động của cá nhân. Không truy cập vào các đường dẫn lạ. Không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password tài khoản cá nhân cho bất kỳ ai. Cần xác nhận lại thông tin trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức tội phạm để phòng ngừa tội phạm lừa đảo. Nếu phát hiện nghi vấn tội phạm lừa đảo nên gọi ngay 113 hoặc báo cho cơ quan công an gần nhất để có phương án ngăn chặn, bóp gỡ tội phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang