Mất hàng tỷ đồng vì thủ đoạn cũ
Dù không phải là phương thức mới nhưng một lần nữa, Công an quận (CAQ) 3 nhắc nhở người dân trước thủ đoạn đối tượng giả danh cơ quan điều tra (hoặc viện kiểm sát...) gọi điện đến thông báo đã vi phạm Luật Giao thông, nợ tiền điện thoại, nợ ngân hàng (NH), liên quan đến tội phạm rửa tiền, mua bán ma túy..., hiện đang bị khởi tố hoặc có lệnh bắt tạm giam khiến họ hoang mang, sau đó yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản (TK) để xác minh và cuối cùng là sập bẫy lừa của chúng. Dù hình thức lừa đảo này liên tục được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn có một số nạn nhân kêu cứu.
Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Mỹ Ng. (SN 1976, ngụ P.Võ Thị Sáu, Q3) nhận cuộc gọi từ người tự xưng "nhân viên bưu điện" thông báo chị có thư của Ngân hàng ACB về việc kiện chị không trả nợ 45 triệu đồng. Chưa kịp đợi chị Ng. phản ứng, người này đã nối máy cho chị gặp đối tượng xưng "là người của Công an TP.Hà Nội", cho biết nếu không muốn rơi vào cảnh tù tội, chị phải chuyển tiền vào số TK họ đưa để kiểm tra. Tin lời, chị Ng. đã chuyển 4,5 tỷ đồng và cuối cùng đành lủi thủi đến cơ quan CA trình báo.
Phải luôn cảnh giác trước các cuộc gọi lừa đảo
Chiêu thức lừa đảo thứ 2 mà CAQ3 muốn người dân nâng cao cảnh giác đó là đối tượng gọi ĐT cho bị hại thông báo có gói hàng chuyển từ bên ngoài về và chiêu dụ chuyển khoản. Đây cũng là thủ đoạn đã xảy ra nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn có nạn nhân "sập bẫy".
Điển hình là trường hợp của chị Hà Mỹ C. (SN 1996), thông qua mạng xã hội Facebook, chị C. kết bạn với người đàn ông tự xưng là Omar (quốc tịch Malaysia, làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ). Quá trình trò chuyện, chị C. đồng ý mua mỹ phẩm của Omar về kinh doanh. Đến 7 giờ ngày 21-6-2021, chị C. nhận cuộc gọi của 1 phụ nữ tự xưng "nhân viên sân bay Nội Bài" thông báo đến nhận hàng.
Do bận việc, chị không đến ngay được thì nhận được yêu cầu chuyển khoản 12 triệu đồng để giữ hàng. Hai ngày sau, chị C. tiếp tục nhận được yêu cầu chuyển khoản thêm 29 triệu nữa mới có thể nhận hàng. Tiền đã chuyển nhưng vẫn không thấy đối tác liên lạc lại, đến khi phát hiện bất thường, chị mới biết đã trở thành nạn nhân của nhóm lừa đảo.
Thêm chiêu trò lừa đảo cần cảnh giác là đối tượng tìm cách làm quen, hướng dẫn bị hại kinh doanh điện tử, đầu tư kiếm lời thông qua các đường link nhận tiền hoặc nạp tiền vào các TK để đầu tư ảo. Ngay khi "con mồi" sập bẫy, nạp nhiều tiền thì ngay lập tức đối tượng sẽ tố cáo thao tác lệnh ăn gian, vi phạm ứng dụng, tiếp tục yêu cầu phải nộp thêm thì mới rút được tiền, khi bị hại nộp thêm thì TK tự động khóa, không thể liên hệ giao dịch.
Chị Trương Lệ Q. (SN 1981, ngụ P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú) đã rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười này. Giữa năm 2021, Q. kết bạn với người đàn ông trên mạng xã hội Facebook và được anh này hướng dẫn đầu tư để kiếm lời. Đối tượng gởi cho chị Q. đường link và yêu cầu làm theo hướng dẫn nạp tiền đầu tư. Trong vòng 3 tuần, chị Q. đã dùng TK ngân hàng của mình nạp tiền 11 lần với tổng cộng hơn 414 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó do không thể rút được tiền, chị Q. chỉ còn cách đến CA trình báo.
Đối tượng sử dụng điện thoại lừa đảo người dân (Ảnh: CTV)
Nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng bị CA bắt giữ
Lừa đảo bằng đánh cắp thông tin
thủ đoạn tiếp theo cần cẩn trọng khi gặp phải đó là đối tượng sử dụng quyền quản trị TK (hack) MXH (Zalo, Facebook...), sau đó sử dụng TK vừa chiếm đoạt được nhắn tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chủ TK để mượn tiền. Thông qua việc giả danh này đã có rất nhiều nạn nhân sập bẫy trong thời gian dài, trong đó có bà Lê Thị Trúc Quỳnh (SN 1960, ngụ Q3).
Đang ở nhà, bà Quỳnh nhận được ĐT qua Messenger Facebook của em gái (định cư ở Canada). Lấy lý do mạng yếu, không thể nói chuyện được, bà Quỳnh nhận được tin nhắn mượn 50 triệu đồng để giải quyết công việc kèm theo số TK. Chẳng chút nghi ngờ, bà Quỳnh liền ra NH thực hiện giao dịch trên. Sau đó, "em gái ảo" lại tiếp tục nhắn tin hỏi vay tiếp 100 triệu đồng và bà Quỳnh cũng không hề do dự. Đến khi nhận được tin đề nghị chuyển thêm 200 triệu đồng nữa, bà Quỳnh đành phải thông báo hết tiền và cuối cùng mới tá hỏa khi biết đã bị lừa.
Thêm một phương thức đã và đang diễn ra khá phổ biến vì nhắm vào xu hướng mua bán online, nghĩa là sau khi thỏa thuận phương thức thanh toán chuyển đổi, đối tượng gửi liên kết cho bị hại yêu cầu đăng nhập vào đường link, nhập mã OTP để nhận tiền và thế là mắc bẫy.
Chị Phạm Thị Kim Anh (SN 1995, trú P6Q4) kể, bản thân kinh doanh quần áo trên mạng. Một ngày nọ, chị nhận tin nhắn qua Facebook có tên "Kiều Oanh" đặt mua quần áo số lượng lớn. Sau đó, đối tượng gởi cho chị đường link xacnhangiaodichs.vn và hướng dẫn nhận tiền đặt cọc. Chị Anh liền thực hiện theo thì bất ngờ nhận được thông báo của NH là TK đã bị trừ 127 triệu đồng được gởi cho TK tên Nguyễn Đình Ban - NH Quân đội.
Tang vật được các cơ quan điều tra thu giữ liên quan đến việc lừa đảo qua mạng (Ảnh: CTV)
Thủ đoạn cuối cùng mà CAQ3 khuyến cáo người dân trên địa bàn đó là đối tượng nhắn tin giả thông báo của NH là thẻ NH bị khóa, yêu cầu đăng nhập vào đường dẫn do đối tượng cung cấp để xác thực, bị hại đăng nhập vào đường dẫn và nhập tên đăng nhập, mật khẩu của TK, số tiền trong TK bị hại sẽ được chuyển toàn bộ vào TK của đối tượng.
Chị Trần Thị Ân (SN 1991, ngụ Q.Gò Vấp) từng là nạn nhân của nhóm lừa đảo này. Ngay khi nhận được tin nhắn thông báo thẻ NH bị khóa và yêu cầu chị đăng nhập đường dẫn http://www.vietcombanks.cc để xác thực, chị Ân đã nhập thông tin TK của mình vào đường dẫn trên. Không lâu sau đó, chị phát hiện hơn 30 triệu đồng trong TK đã được chuyển đến TK tên Lê Xuan Tung - Ngân hàng BIDV.
Theo đại diện Ban chỉ huy CAQ3, bên cạnh việc yêu cầu các đội nghiệp vụ và CA 12 phường tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ cũng như đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua ĐT, qua không gian mạng, đơn vị rất mong người dân trên địa bàn nói riêng và toàn thành phố nói chung nâng cao cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên nhằm bảo vệ tài sản cho chính mình và góp phần giữ vững an ninh trật tự trong khu vực.