Quyết liệt với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng

Thứ Ba, 16/11/2021 13:42

|

(CATP) Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an từ ngày 25-5-2020 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra 5.408 vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với tài sản bị chiếm lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) qua không gian mạng ngày càng phổ biến, cần kịp thời ngăn chặn.

Xuất hiện thủ đoạn mới

Cục CSHS cho biết, thời gian gần đây, do tác động của việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động lừa đảo CĐTS theo phương thức truyền thống giảm, song tội phạm lừa đảo CĐTS lợi dụng không gian mạng để hoạt động có diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi xảy ra tại nhiều địa phương. Trong đó nổi lên: Lừa đảo thông qua giao dịch, chuyển nhượng sinh vật cảnh (chim cảnh, cây cảnh, lan đột biến... với giao dịch lên đến hàng trăm tỉ đồng); kim khí, đá quý, xương động vật quý.

Đặc biệt, xuất hiện các website, các sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch tài chính, chứng khoán quốc tế (như Bigbuy24h, Binomo, coolcat, forex, bitcoin...), ứng dụng kiếm tiền, sử dụng "mồi nhử" là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option)... theo mô hình đa cấp...

Cơ quan Công an khám xét nhà của Trần Văn Lâm

Điển hình, ngày 25-11-2020, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đấu tranh, triệt phá chuyên án bắt 3 đối tượng Vũ Đức Đạt (SN 1985, trú quận Đống Đa, Hà Nội); Trần Văn Thành (SN 1989, trú quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Nguyễn Vĩnh Khiêm (SN 1985, trú tỉnh Đồng Nai). Bằng thủ đoạn lập ra sàn giao dịch tiền ảo Tradenew.io, nhóm đối tượng này huy động hàng nghìn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trong cả nước, với 3.626 tài khoản, tổng số lượng tiền ảo USDT đã giao dịch luân chuyển trên sàn Tradenew.io là 46.381.747 tương đương 1.089 tỷ đồng.

Các đối tượng thuê máy chủ dữ liệu tại Mỹ để hợp lý hóa nguồn gốc từ sàn nước ngoài và che giấu cơ quan chức năng. Quá trình hoạt động, các đối tượng lập trình chức năng can thiệp vào kết quả giao dịch trên sàn để hưởng lợi theo tỉ lệ các đối tượng mong muốn. Đến cuối tháng 12-2020, đã xác định trên 50 bị hại với số tiền chiếm đoạt trên 5 tỷ đồng.

Hay như thủ đoạn đăng thông tin giả mạo lên internet về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền của các nhà hảo tâm. Đơn cử, ngày 18-4-2021, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng Công an nghệ cao (Bộ Công an) và Phòng CSHS Công an tỉnh Hà Nam đã triệt phá chuyên án, bắt đối tượng Trần Văn Lâm (SN 1998, trú tại huyện Kim Bảng, Hà Nam) thu giữ 11 điện thoại, 2 bộ máy tính, 3 thẻ ngân hàng, 9 sim điện thoại.

Với thủ đoạn lên internet tìm kiếm và sao chép các bài viết liên quan đến các trường hợp trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thương tâm, sau đó Lâm chỉnh sửa thông tin tài khoản người nhận thành tài khoản ngân hàng của mình rồi sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau chia sẻ nội dung bài viết để kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ và chiếm đoạt số tiền do các nhà hảo tâm chuyển đến. Từ đầu năm 2019 đến tháng 4-2021, Lâm đã chiếm đoạt khoảng 6 tỷ đồng của hơn 1.000 bị hại.

Ngoài ra, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra, còn xuất hiện hình thức giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch, mua thiết bị y tế hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin, cung ứng vật tư phòng, chống dịch bệnh Covid-19 rồi yêu cầu người dân đóng tiền và chiếm đoạt.

Trần Văn Lâm và tang vật thu giữ

Lừa đảo giả danh tiếp tục nóng

Cũng theo Cục CSHS, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền như: giả danh cơ quan điều tra, viện kiểm sát đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, sau đó CĐTS; giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước xin việc làm... vẫn tiếp diễn nhưng không nhiều như trước.

Mặc dù cơ quan Công an đã cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, các bị hại vẫn bị đối tượng lừa đảo. Tháng 12-2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Lê Văn Trình (SN 1975), Nguyễn Đình Quang (SN 1994), cùng trú tỉnh Thái Bình về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, 2 đối tượng này là mắt xích trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng xuyên quốc gia với thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện cho bị hại đe dọa có liên quan đến vụ án ma túy đang bị điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định, sau đó chiếm đoạt số tiền của các bị hại chuyển đến.

Hoạt động của các đối tượng có sự phân công vai trò của từng đối tượng trong việc gọi điện đe dọa, yêu cầu chuyển tiền, vai trò thông báo cho các đồng phạm rút tiền và đi nhận tiền chia nhau, có cả đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc). Trong đó, vai trò của Trình và Quang là mua chứng minh nhân dân, mở tài khoản ngân hàng, đến cây ATM để rút tiền lừa đảo được. Với các thủ đoạn trên, các đối tượng đã chiếm đoạt của bị hại P.T.H (SN 1945, trú tỉnh Hải Dương) số tiền gần 600 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan công an địa phương cũng đã triệt phá nhiều vụ án đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo CĐTS như: Lập dự án "ma"; làm giả giấy tờ tài liệu cơ quan tổ chức, lập chứng từ giả ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất đai để CĐTS; trong môi giới xin việc làm; làm quen qua mạng xã hội rồi vờ tán tỉnh yêu đương, tặng quà, sau đó lừa đảo yêu cầu đóng tiền phí dịch vụ hải quan, thuế...

Cần làm gì để tránh trở thành nạn nhân?

Thượng tá Lê Văn Dĩnh, Phó trưởng Phòng 8, Cục CSHS cho biết, đối với các vụ án lừa đảo CĐTS qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua internet banking, Mobile banking, tùy theo từng vụ án cụ thể, nếu đối tượng đã rút, chuyển tiền ra nước ngoài sẽ rất khó khăn cho việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt; nếu người dân, bị hại kịp thời trình báo, tố cáo đến cơ quan công an, các đối tượng chưa kịp chuyển tiền thì có thể phong tỏa kịp thời, xem xét trả lại cho bị hại theo quy định của pháp luật.

Theo thượng tá Lê Văn Dĩnh, để phòng tránh tội phạm lừa đảo CĐTS nói chung, người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng; cần nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực các giao dịch về tài chính, để phòng trước những khoản đầu tư mang lại "lợi nhuận cao".

Đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặt biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định... Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo CĐTS thì kịp thời thông báo cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. Cơ quan Công an khám xét nhà của Trần Văn Lâm

Bình luận (0)

Lên đầu trang