Khắc phục theo bản án giám đốc thẩm
Ông Nguyễn Văn Quyện trình bày: Ngày 06-4-2023, tại trụ sở TAND TPHCM, Chánh án Lê Thanh Phong đã tiếp và nghe ông cùng người trợ giúp pháp lý trình bày, được ghi rõ trong biên bản. Theo đó, ông Quyện là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) quyền sử dụng đất với bị đơn Trần Vũ Trường (SN 1975, ngụ H.Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).
Vụ án được TAND Q.Tân Bình thụ lý lần đầu ngày 14-12-2014, đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 04-10-2018, đổi quan hệ tranh chấp thành "tranh chấp HĐ mua bán nhà ở". Ngày 04-9-2019, TAND TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm. Ngày 03-11-2020, TAND Cấp cao tại TPHCM có Quyết định Giám đốc thẩm số 237/2020/DS-GĐT, tuyên hủy cả hai bản án, giao hồ sơ về TAND Q.Tân Bình xét xử sơ thẩm lại và nêu cụ thể: "có sai phạm của sơ thẩm, phúc thẩm, đưa về TAND Q.Tân Bình để làm rõ và xét xử".
TAND Q.Tân Bình thụ lý lại ngày 16-12-2020, nhưng các thủ tục tố tụng mà TAND Cấp cao chỉ ra thì tòa chưa làm. Thẩm phán mở phiên tòa vào ngày 27 tháng Chạp (ngày 18-01-2023), gây khó khăn cho việc đi lại dịp Tết khi phải từ Hà Nội vào TPHCM.
Ông Quyện đề nghị TAND TPHCM thụ lý đơn tố cáo, thông báo cho ông biết kết quả giải quyết, xác định cái nào đúng, cái nào sai.
Tiếp thu các ý kiến, giải thích pháp luật cho ông Quyện, Chánh án Lê Thanh Phong chỉ đạo các phòng xem xét, giải quyết đơn thư và có văn bản chỉ đạo, đôn đốc. Cụ thể:
Ông Nguyễn Văn Quyện (X) tại phiên tòa ngày 18-01-2023
Thứ nhất: Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng kiểm tra, xem xét đơn tố cáo của ông Quyện, đồng thời nghiên cứu hồ sơ xem xét trách nhiệm của Chánh án TAND Q.Tân Bình có đôn đốc thẩm phán giải quyết hồ sơ của 2 giai đoạn thụ lý hay không?
Thứ hai: Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án xem xét và có văn bản yêu cầu Chánh án TAND Q.Tân Bình và thẩm phán giải quyết hồ sơ xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, bản án giám đốc thẩm, làm rõ các tình tiết vụ án, tránh ảnh hưởng quyền lợi của người dân, chỉ đạo thẩm phán đeo bám hồ sơ, xử lý quyết liệt vụ án, thu thập chứng cứ khắc phục các nội dung theo bản án giám đốc thẩm.
Bị đơn muốn... "bồi thường" (?)
Liên quan đến vụ án này, Chuyên đề CATP đã có bài phản ánh đăng ngày 13-5-2021, tựa đề "Kỳ án mua nhà 58 tỷ đồng bán lại... 28 tỷ đồng!". Theo đó, ngày 02-10-2014, vợ chồng ông Quyện ký HĐCN nhà và đất số 335 Bis Lê Văn Sỹ, P1, Q.Tân Bình (nhà đất 335 Bis) cho ông Trần Vũ Trường giá 58 tỷ đồng, đặt cọc 10 tỷ, còn lại thanh toán trong 45 ngày.
Ngày 16-10-2014, ông Trường ký HĐCN nhà đất 335 Bis cho bà Hoàng Ngọc Điệp (SN 1978, ngụ TP.Hà Nội) giá 28 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 tiền mua (?!). Đối với số tiền 48 tỷ đồng chưa thanh toán cho ông Quyện, ông Trường trả được 1 tỷ đồng rồi viết cam kết: Đến cuối tháng 11-2014 sẽ thanh toán hết, nếu không thì phải làm thủ tục sang tên nhà đất lại cho vợ chồng ông Quyện và chịu mất toàn bộ 11 tỷ đồng.
Nhà số 335bis Lê Văn Sỹ, P1, Q.Tân Bình
Ngày 30-11-2014, ông Quyện khởi kiện, yêu cầu tòa hủy HĐCN nhà đất 335 Bis với ông Trường; vô hiệu HĐCN giữa ông Trường và bà Điệp. Phía bà Điệp yêu cầu độc lập, đề nghị tòa công nhận bà là chủ sở hữu nhà đất 335 Bis.
Quá trình TAND Q.Tân Bình giải quyết vụ án, ông Quyện mới biết ông Trường bị xử lý hình sự trong vụ án khác. Từ trại giam Bến Giá (tỉnh Trà Vinh), Trường viết bản cam kết ngày 27-3-2017, xác định: "Tôi ký HĐCN nhà đất 335 Bis cho bà Điệp giá 28 tỷ đồng, thực chất tôi chỉ cầm cố chứ không bán".
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 04-10-2018, TAND Q.Tân Bình với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Đỗ Việt Hùng ngồi ghế chủ tọa, tuyên bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Điệp. Tại phiên phúc thẩm ngày 04-9-2019, TAND TPHCM với 3 thẩm phán Vũ Đức Toàn (chủ tọa), Trịnh Thị Ánh và Trịnh Đắc Phú tiếp tục bác yêu cầu nguyên đơn; chấp nhận yêu cầu của bà Điệp.
Tại bản án giám đốc thẩm ngày 03-11-2020, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND Q.Tân Bình xét xử lại sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
HĐXX giám đốc thẩm nhận định: Cả hai cấp xác định quan hệ tranh chấp HĐ mua bán nhà là chưa phù hợp. Quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp HĐCN quyền sử dụng đất, có tài sản gắn liền trên đất. Do ông Trường vi phạm cam kết nên ngày 01-12-2014, vợ chồng ông Quyện gửi thông báo cho ông Trường hủy bỏ HĐCN. Ngày 27-12-2016, ông Trường đã viết giấy đồng ý hủy bỏ HĐCN. Căn cứ quy định tại Điều 425 Bộ luật Dân sự 2005, việc vợ chồng ông Quyện yêu cầu hủy bỏ HĐCN ngày 02-10-2014 là có cơ sở chấp nhận.
Cũng theo HĐXX giám đốc thẩm, đến nay, bà Điệp vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng bộ sang tên nhà đất 335 Bis theo quy định. Tòa án 2 cấp áp dụng quy định Luật Nhà ở năm 2005 để xác định bà Điệp đã được chuyển giao quyền sở hữu là chưa phù hợp. Ông Trường khẳng định không chuyển nhượng nhà đất 335 Bis cho bà Điệp; thực chất ông chỉ cầm cố tài sản với lãi suất 3%/tháng là có căn cứ, phù hợp với các tình tiết của vụ án như giá chuyển nhượng chênh lệch trong thời gian ngắn (mua 58 tỷ đồng ngày 02-10-2014, bán 28 tỷ 14 ngày sau đó); bà Điệp cho ông Trường chuộc lại nhà trong 3 tháng; các bên không bàn giao tài sản, nhà đất vẫn do vợ chồng ông Quyện quản lý, sử dụng...
Giấy "hủy hợp đồng" do chính tay ông Trường viết ngày 27-12-2016
Như vậy, có cơ sở xác định ông Trường không muốn chuyển nhượng nhà đất cho bà Điệp. Ông Trường ra tù tháng 5-2017, nhưng quá trình giải quyết vụ án, cả hai cấp tòa không tiến hành đối chất giữa các bên để xác minh, làm rõ có hay không việc xác lập giao dịch giả tạo nhằm che giấu cho giao dịch cầm cố tài sản.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 06-3-2023, phía bị đơn có đơn "trình bày ý kiến" gửi TAND Q.Tân Bình, cho rằng ông Trường có đủ khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng ký kết với ông Quyện ngày 02-10-2014. Ông Trường đề nghị trả số tiền gốc 47 tỷ đồng và "bồi thường trả chậm" 8 tỷ; tổng cộng là 55 tỷ, cam kết trả 1 lần. Về hợp đồng với bà Điệp: Ông Trường có trách nhiệm hoàn trả tiền cho bà Điệp theo quy định pháp luật.
Nguyên đơn lên tiếng: "Ông Trường vi phạm cam kết và chính ông đã tự tay viết giấy ngày 27-12-2016, đồng ý "hủy hợp đồng" do 2 bên ký kết ngày 02-10-2014. Việc này đã được TAND Cấp cao tại TPHCM chỉ rõ trong bản án giám đốc thẩm. Vụ án đã kéo dài hơn 8 năm, tôi và gia đình đã chịu đựng nhiều tổn thất nặng nề. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôi mong muốn tại phiên tòa lần này, HĐXX "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, xem xét toàn diện vụ án, có phán quyết khách quan để công lý được thực thi...".