Hy hữu vụ kiện gần 15 năm, 8 bản án ban hành nhưng vẫn chưa kết thúc

Thứ Tư, 14/08/2024 17:21

|

(CAO) Vụ án ‘‘Tranh chấp di sản thừa kế và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất’’ kéo dài gần 15 năm, đã trải qua 3 cấp tòa, 8 lần ban hành bản án, Viện kiểm sát các cấp cũng nhiều lần kháng nghị, Quyết định Giám đốc thẩm cũng tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm trả hồ sơ điều tra xác minh đầy đủ, nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa kết thúc.

Chiều 13/8, thông báo của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau quá trình xét xử phúc thẩm vụ án ‘‘Tranh chấp di sản thừa kế và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất’’ ngày 6/8, nghị án kéo dài một 1 tuần sẽ tuyên án, nhưng vì tính chất phức tạp của vụ án, thay vì tuyên án, HĐXX đã quay lại xét hỏi và tiếp tục nghị án, sẽ tuyên vào ngày 16/8.

Tờ di chúc gây nhiều tranh cãi

Vụ án này đã kéo dài từ năm 2009 đến nay vẫn chưa kết thúc. Các cấp tòa, mỗi bản án xác định một kiểu, nơi thừa nhận tờ di chúc hợp lệ, nơi không công nhận tờ di chúc, Viện kiểm sát các cấp cũng đã nhiều lần kháng nghị, 8 bản án đã ban hành nhưng vụ kiện vẫn 'trong vòng luẩn quẩn'.

Theo hồ sơ vụ việc, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Soát (SN 1922, đã mất năm 2006) và cụ Nguyễn Thị Hòa (SN 1926, mất năm 2005) có 9 người con. Trong thời gian còn sống, hai cụ tạo lập được một thửa đất tại xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích 9.657m2. Mảnh đất này được cấp giấy CNQSDĐ ngày 11/7/2005 do cụ Soát đứng tên (khi cụ đã qua đời 11 ngày).

 Phiên Phúc thẩm lần 4

Sau khi vợ chồng cụ Soát qua đời, ông Nguyễn Văn Xinh (con trai của vợ chồng cụ Soát) mang “Tờ di chúc” được lập ngày 15/02/2005 có nội dung ông Xinh được thừa kế toàn bộ diện tích đất nói trên, để đi làm thủ tục kê khai, hưởng di sản thừa kế và được UBND TP.Bà Rịa cấp giấy CNQSDĐ ngày 9/8/2006.

Năm 2009, các anh chị em của ông Xinh (đều là con của vợ chồng cụ Soát) phát hiện có người lạ đến đổ đất, đóng cọc trên phần đất cha mẹ mình để lại, mới tìm hiểu và biết sự thật. Thửa đất 9.657m2 trên, ông Xinh đã bán cho ông Nguyễn Ngọc Thứ hơn 4.000 m2.

Cho rằng tờ di chúc thừa kế ông Xinh dùng để sang tên GCNQSDĐ chữ ký không phải của cha mẹ mình, vì lúc sinh thời cha mẹ rất kỹ lưỡng, công bằng với các con. Năm 1994, cha mẹ phân chia tài sản cho các con một lần, tổ chức họp gia đình, công khai dặn dò. Vì vậy, 7 anh chị em cùng đứng nguyên đơn gồm: Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thị Thân, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Văn Thắng khởi kiện ông Xinh và vợ là bà Lưu Thị Hường để chia thừa kế, hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất cho ông Thứ.

Thụ lý vụ án, trải qua gần 15 năm, TAND các cấp đã trưng cầu giám định, nhưng 4 lần kết quả giám định khác nhau. Trong đó, lần giám định thứ nhất (ngày 12/7/2011) xác định chữ ký là của cùng một người, nhưng lần thứ 2 (ngày 21/3/2012) kết quả là ghi là không đủ cơ sở để tiến hành giám định có phải do hai cụ Soát - Hòa ký hay không. Kết luận giám định lần 3 (ngày 9/03/2013) có mẫu đối chứng thì xác định không do cùng một người ký ra. Kết luận giám định lần 4 (ngày 24/7/2023) thì xác định không đủ cơ sở kết luận chữ ký của hai cụ với mẫu đối chứng có phải hay không phải do cùng một người ký ra.

Hai người hàng xóm làm chứng trong bản di chúc là bà Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Lụa tại các biên bản ghi lời khai cũng như tại tòa đều xác nhận có việc ông Xinh mời họ sang nhà làm chứng việc cụ Soát, cụ Hòa lập di chúc. Hai bà này nghe ông Xinh nói vậy rồi ký tên vào chỗ người làm chứng trong tờ di chúc đã viết và ký sẵn, hai bà không đọc nội dung và cũng không nhìn thấy cụ Soát, cụ Hòa ký tên vào tờ di chúc.

UBND phường Phước Hưng (TP. Bà Rịa) nơi xác nhận vào bản di chúc cũng có văn bản với nội dung, chỉ xác nhận vào tờ di chúc ngày 15/02/2005 nội dung cụ Soát, cụ Hòa có hộ khẩu thường trú tại địa phương chứ không chứng thực chữ ký và xác nhận tính hợp pháp của nội dung di chúc.

Nhiều lần kháng nghị, kháng cáo

Vụ án được tòa án các cấp nhiều lần đưa ra xét xử và ban hành bản án. Trong đó có 4 bản án sơ thẩm, 3 bản án phúc thẩm và Quyết định Giám đốc thẩm đã ban hành, nhưng cùng một hồ sơ vụ việc, cùng cấp xét xử lại cho ra kết quả khác nhau. Lúc thì HĐXX công nhận tờ di chúc, bác yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn, lúc lại không công nhận tờ di chúc, chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Trước sự phức tạp này, Viện kiểm sát các cấp vẫn bảo lưu quan điểm và nhiều lần ban hành kháng nghị yêu cầu các cấp tòa phải làm rõ các vấn đề pháp lý trong hồ sơ vụ án.

Trong đó, tháng 2/2020, VKS Cấp cao tại TPHCM kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm lần 3 của TAND tỉnh BR-VT. Kháng nghị nêu, về hình thức di chúc ‘‘Ông Xinh, bà Hường và lời khai của người làm chứng là bà Lụa, bà Bình thì di chúc này được lập tại nhà ông Xinh; chữ ký của cụ Soát, cụ Hòa đã được ký sẵn, sau đó mới mời người làm chứng ký tên. Bà Lụa, bà Bình không trực tiếp nhìn thấy việc cụ Soát và cụ Hòa đọc cho bà Hường viết và cũng không thấy cụ Soát, cụ Hòa ký tên vào di chúc.

Tại biên bản xác minh ngày 25/10/2017, UBND P.Phước Hưng cho biết việc ký xác nhận vào bản di chúc chỉ xác nhận cụ Soát và cụ Hòa có hộ khẩu thường trú tại địa phương chứ không phải chứng thực chữ ký và xác nhận tính hợp pháp của nội dung di chúc; cụ Soát và cụ Hòa cũng không ký vào bản di chúc tại UBND phường trước mặt người có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật. Như vậy, tờ di chúc ngày 15/02/2005 không đảm bảo theo quy định về hình thức theo quy định tại điều 659 BLDS và chưa đủ cơ sở để xác định do cụ Soát và cụ Hòa lập nên không được coi là hợp pháp’’.

Quá trình giải quyết vụ án, kháng nghị nêu ông Xinh, bà Hường cho rằng ngày 15/9/2005 đã tổ chức cuộc họp gia đình, ý chí của các thành viên trong gia đình đã thể hiện bằng chữ ký tại giấy ‘‘Cho nhà ở và đất’’. Tuy nhiên, các nguyên đơn cho rằng không có cuộc họp này, trong khi hai cấp xét xử chưa xác minh làm rõ có hay không cuộc họp gia đình công bố di chúc.

Kháng nghị cũng nêu, việc ông Xinh, bà Hường lập thủ tục kê khai, hưởng di sản quyền sử dụng đất nêu trên cho riêng mình và sau đó tách ra các thửa đề nghị UBND TP.Bà Rịa cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là không đúng với quy định của pháp luật.

Đến tháng 5/2020, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên Giám đốc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS, tuyên hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ về cho TAND TP.Bà Rịa làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan.

Năm 2023, TAND TP.Bà Rịa đưa ra xét xử sơ thẩm lại lần 4 và tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, các giấy tờ trong hồ sơ kê khai di sản thừa kế là hợp pháp nên ông Xinh được hưởng toàn bộ hơn 9,6 ngàn m2.

Các nguyên đơn sau đó đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm này.

"Tờ di chúc có phải của cha mẹ hay không lương tâm của các vị rõ nhất"

Tháng 6/2024, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên phúc thẩm theo kháng cáo nhưng phải tạm dừng nhiều lần. Trong đó, tòa tạm dừng để xác minh thông tin có hay không khi còn sống cụ Soát, cụ Hòa đã chia cho ông Bình, ông Thắng, bà Phương phần đất ruộng kế bên phần đất ông Xinh khai nhận được thừa kế theo trình bày của ông Xinh tại tòa.

Tại phiên phúc thẩm các nguyên đơn giữ nguyên kháng cáo và vẫn cho rằng tờ di chúc không phải chữ ký của cha mẹ mình. Phía nguyên đơn cũng tự nguyện nhường phần đất cho cháu là Phạm Ngọc Thuận (con ruột của bà Nguyễn Thị Hội - con gái của cụ Soát và bà Hòa) với diện tích 971m2 vì cháu có hoàn cảnh khó khăn và ở với ông bà từ nhỏ. Hiện người cháu này đã cất nhà, tách sổ diện tích 971m2 ở ổn định. Số còn lại hơn 8.000m2 là di sản chung nên cần được chia cho các đồng thừa kế.

Đối với vấn đề họp gia đình để công bố nội dung di chúc vào ngày 15/9/2005, tại tòa, 7 người đứng nguyên đơn đều khai không có cuộc họp gia đình này. 

Về chữ ký trên “Giấy cho nhà ở và đất”, các nguyên đơn đều thừa nhận đó là chữ ký của họ, nhưng không phải ký tại cuộc họp gia đình vì thực tế không hề có cuộc họp này. Theo lời khai của các nguyên đơn, ông Xinh đưa tờ giấy tới gặp từng người để nhờ ký với mục đích để làm thủ tục sửa nhà, chứ không nghe ông nói ký để cha mẹ cho đất. Do tin tưởng anh em ruột thịt nên họ ký mà không xem nội dung mặt bên kia tờ giấy ghi gì.

Tòa cũng xác minh, khi còn sống cụ Soát và cụ Hòa có chia đều các tài sản cho các con vào năm 1994, ngoài ra không có chia cho ông Bình, ông Thắng, bà Phương phần đất ruộng kế bên phần đất ông Xinh khai nhận thừa kế.

Xuyên suốt vụ kiện, ông Xinh cho rằng tờ di chúc do cha mẹ ông đọc cho vợ ông là bà Hường viết, có hàng xóm làm chứng, được phường xác nhận chứ ông không làm giả và có tổ chức cuộc họp gia đình để công bố việc cho đất nên ông đương nhiên được thừa kế phần đất này.

Trước sự tranh luận tại tòa của nguyên đơn, bị đơn, vị nữ thẩm phán nhẹ nhàng: ‘‘Tờ di chúc có phải của cha mẹ hay không lương tâm của các vị rõ nhất. Các vị may mắn khi cha mẹ tạo lập được tài sản lớn và để lại. Các vị là máu mủ ruột thịt, anh em còn đi lại, con cháu còn nhìn vào, hương linh cha mẹ các vị còn siêu thoát vì các vị ở đây người lớn nhất cũng trên 80 tuổi, người nhỏ nhất cũng đã ngoài 60 tuổi, các vị cứ thế này không mệt mỏi sao?’’.

Ông Phúc gần 80 tuổi trình bày: Đến tuổi này vẫn rất khó khăn, bệnh tật nên ông mong phần đất cha mẹ để lại được chia để lo liệu cuộc sống. Ông Xinh thì cho rằng đất cha mẹ đã cho mình nên không thương lượng. Phía nguyên đơn cho biết, vụ việc đã đến nước này, thì buộc lòng họ phải trông chờ vào pháp luật và sẵn sàng theo đuổi đến cùng để tìm cho ra sự thật.

Đại diện VKS tại phiên phúc thẩm nhận định, quá trình xét xử công khai tại tòa cũng như các chứng cứ có trong vụ án, việc kháng cáo của các nguyên đơn là có căn cứ, tờ di chúc được lập về hình thức không đúng quy định của pháp luật, việc phường Phước Hưng xác nhận trên tờ di chúc chỉ xác nhận Soát và cụ Hòa có hộ khẩu thường trú chứ không phải xác thực chữ ký và xác nhận tính hợp pháp của nội dung di chúc. Từ lập luận trên, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

HĐXX cấp phúc thẩm nghị án kéo dài nhằm cân nhắc kỹ lưỡng mọi vấn đề pháp lý. Những người theo dõi vụ kiện mong chờ bản án khách quan, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý, tránh việc kiện tụng một lần nữa phải quay lại từ đầu!

Bình luận (0)

Lên đầu trang