Vụ tranh chấp 10 năm chưa giải quyết xong

Thứ Ba, 06/08/2024 10:46

|

(CATP) Suốt 10 năm qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Tân Việt An (Công ty Tân Việt An) đã bị cuốn vào một vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế kéo dài với Công ty Cổ phần Đức Mạnh (Công ty Đức Mạnh). Vụ việc này đã trải qua 7 phiên tòa và nhận được 7 bản án khác nhau, nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết.

Vụ án kéo dài

Gần đây, Công ty Tân Việt An đã gửi đơn kêu cứu và tố cáo đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC), yêu cầu xem xét lại quyết định giám đốc thẩm số 10/2024/KDTM-GĐT của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC). Trong đơn kêu cứu này, Công ty Tân Việt An đã nêu rõ một số thiếu sót trong quá trình xét xử, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Vụ tranh chấp giữa Công ty Tân Việt An và Đức Mạnh bắt đầu từ tháng 4/2014, liên quan đến hợp đồng (HĐ) kinh tế số 01/HTDT/TVA-ĐM, ký ngày 21/6/2010. Đây là HĐ hợp tác đầu tư để phát triển dự án chung cư cao tầng tại Q2 (cũ), nay là TP.Thủ Đức. Theo đó, HĐ quy định các điều khoản về bồi thường và giải phóng mặt bằng để xây dựng chung cư. Công ty Đức Mạnh thanh toán cho Công ty Tân Việt An tổng cộng 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty Tân Việt An cho rằng, Công ty Đức Mạnh vi phạm nghĩa vụ HĐ bằng việc thế chấp quyền sử dụng đất dự án để đảm bảo khoản vay và những vi phạm thanh toán khác. Trong khi, Công ty Đức Mạnh cho rằng, Tân Việt An vi phạm HĐ liên quan đến việc bàn giao và giải phóng mặt bằng.

Tranh chấp nảy sinh khi Công ty Đức Mạnh yêu cầu chấm dứt HĐ và đòi lại số tiền đã thanh toán, bồi thường thiệt hại và tiền lãi chậm trả. Ngược lại, Công ty Tân Việt An yêu cầu tuyên bố HĐ vô hiệu, trả lại số tiền 115 tỷ đồng. TAND TP.Thủ Đức quyết định (QĐ) chấm dứt HĐ và yêu cầu Công ty Tân Việt An thanh toán tổng cộng 177,675 tỷ đồng cho Công ty Đức Mạnh (bao gồm lãi suất). QĐ này được duy trì bởi TAND TPHCM.

Bản án phúc thẩm của TAND TPHCM cho rằng, sau 3 ngày từ khi Công ty Đức Mạnh gửi thông báo chấm dứt HĐ, Công ty Tân Việt An phải hoàn trả lại số tiền đã thực nhận và bồi thường gấp đôi số tiền này. Tuy nhiên, Điều 311 của Luật Thương mại quy định rằng, HĐ chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Do đó, bản án phúc thẩm xác định thời điểm tính lãi chậm trả sau 3 ngày từ khi gửi thông báo là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Về việc bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận, theo Luật Thương mại, thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Việc các bên thỏa thuận bên vi phạm phải bồi thường gấp đôi số tiền đã thực nhận là chưa phù hợp với quy định. Thực tế, Công ty Đức Mạnh không chứng minh được thiệt hại thực tế mà chỉ dựa vào thỏa thuận chưa phù hợp pháp luật để yêu cầu bồi thường.

Khu đất tại Q2 (cũ) để xây chung cư chưa được thực hiện

Công ty Tân Việt An kháng cáo và được TAND Cấp cao tại TPHCM chấp thuận. QĐ giám đốc thẩm số 18/2020/KDTM-GĐT, ngày 29/5/2020 của TAND Cấp cao đã chấp nhận QĐ kháng nghị giám đốc thẩm số 05/2020/KN-KDTM ngày 26/02/2020 của Chánh án TANDTC, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm (lần 1) để giải quyết lại. QĐ này khẳng định HĐ hợp tác không bị vô hiệu và khi chấm dứt, Công ty Tân Việt An phải hoàn trả số tiền đã nhận và thanh toán khoản tiền lãi do chậm thanh toán.

Sau đó, tòa cấp sơ thẩm (TP.Thủ Đức) và tòa cấp phúc thẩm (TPHCM) tiếp tục xét xử lại. Nhận thấy hai bản án xét xử lại (lần 2) có những vấn đề khuất tất nên ngày 23/5/2023, TAND Cấp cao tại TPHCM ban hành QĐ kháng nghị giám đốc thẩm (số 05/2023/KN- KDTM) và ngày 12/6/2023, Ủy ban Thẩm phán - TAND Cấp cao có QĐ giám đốc thẩm số 14/2023/KDTM-GĐT.

QĐ giám đốc thẩm số 14/2023/KDTM-GĐT nêu rõ: "Các bên thừa nhận Công ty Đức Mạnh đã giao cho Tân Việt An 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Tân Việt An chưa hoàn trả số tiền này sau khi HĐ bị chấm dứt. Bản án phúc thẩm số 628/2022/KDTM-PT, ngày 29/9/2022 của TAND TPHCM đã QĐ chấm dứt HĐ và buộc Công ty Tân Việt An hoàn trả số tiền đã nhận cùng khoản tiền lãi do chậm thanh toán, đúng với QĐ giám đốc thẩm và quy định pháp luật. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm buộc Công ty Tân Việt An bồi thường cho Công ty Đức Mạnh 115 tỷ đồng, tức gấp đôi số tiền thực nhận theo thỏa thuận là không phù hợp. QĐ giám đốc thẩm đã sửa một phần bản án phúc thẩm về phần bồi thường và tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án cũng không xem xét tiền lãi do chậm thanh toán do không có khiếu nại của đương sự. Vì các lý do trên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận QĐ kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM, sửa một phần bản án phúc thẩm về phần bồi thường thiệt hại".

Bất ngờ với QĐ giám đốc thẩm

Mới đây, trong QĐ giám đốc thẩm số 10/2024/KDTM-GĐT (ngày 11/6/2024), Hội đồng thẩm phán TANDTC lại nhận định, Công ty Đức Mạnh sẽ thanh toán sau khi Công ty Tân Việt An hoàn thành việc bồi thường. Nhận định này đã làm thay đổi bản chất vụ việc, khiến Công ty Tân Việt An từ bên không có lỗi trở thành... bên có lỗi, và ngược lại.

Một trong những bằng chứng quan trọng mà Công ty Tân Việt An đưa ra là biên bản thỏa thuận ngày 05/7/2011, trong đó Công ty Đức Mạnh chỉ tạm ứng 15 tỷ đồng trong tổng số 35 tỷ đồng cần thanh toán. Hội đồng thẩm phán đã bỏ qua nội dung biên bản này và chỉ dựa vào ủy nhiệm chi của Công ty Đức Mạnh, kết luận rằng Công ty Đức Mạnh đã thanh toán đủ 35 tỷ đồng. Nhận định này không chỉ thiếu căn cứ mà còn gây thiệt hại lớn cho Công ty Tân Việt An. Bởi lẽ, nếu nhận định của Hội đồng thẩm phán là thanh toán đủ đợt 3 thì tổng hợp đồng phải là 135 tỷ đồng. Vậy, sao Công ty Đức Mạnh chỉ kiện đòi 115 tỷ đồng, cũng như các cấp tòa chỉ ghi tổng là 115 tỷ đồng (?).

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Tân Việt An kiến nghị Viện trưởng VKSNDTC và Cơ quan điều tra - VKSNDTC xem xét lại QĐ giám đốc thẩm số 10/2024/KDTM-GĐT. Đồng thời, Công ty này yêu cầu điều tra làm rõ các sai phạm nếu có, đảm bảo công lý và sự công bằng trong xét xử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang