Giải đáp pháp luật:

Khi nào được kháng cáo quá hạn?

Thứ Hai, 03/04/2023 10:10

|

Hỏi: Tôi 84 tuổi, là nguyên đơn trong một vụ án dân sự. Sau phiên tòa sơ thẩm, tôi chờ nhận được bản án để kháng cáo, đồng thời tôi bị bệnh phải điều trị ở bệnh viện dài ngày, đến khi ra viện thì đã hết thời hạn kháng cáo. Trường hợp này tôi phải làm gì để tòa án cấp trên xem xét lại vụ án? (Dương Cánh Khương, Đam Rông, Lâm Đồng).

Trả lời: Kháng cáo là quyền của đương sự khi xét thấy bản án sơ thẩm chưa đảm bảo đúng quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Kháng cáo phải được tiến hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.

Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn kháng cáo, như sau:

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.

Vì ông có mặt tại phiên tòa nên thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tòa án tuyên án, sau thời hạn đó đơn kháng cáo không được chấp nhận. Tuy nhiên, do bị bệnh phải điều trị dài ngày, dẫn đến hết thời hạn kháng cáo, ông có thể làm đơn kháng cáo quá hạn theo Điều 275 BLTTDS.

- Kháng cáo quá hạn là trường hợp đặc biệt, nếu đương sự có lý do chính đáng như gặp trở ngại khách quan, bất khả kháng (bị tai nạn đi cấp cứu, mắc bệnh hiểm nghèo...) mà không thể thực hiện được quyền kháng cáo trong thời hạn luật định, thì có thể kháng cáo quá hạn.

Ông cần làm đơn kháng cáo, nộp kèm bản trình bày về nguyên nhân kháng cáo quá hạn và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng. Đơn nộp tại tòa án cấp sơ thẩm.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Người kháng cáo quá hạn và đại diện VKS cùng cấp được tham gia phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn. Trường hợp những người này vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện VKS, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn.

* Trường hợp đơn kháng cáo quá hạn của ông không được chấp nhận, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, ông có thể làm đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Nội dung đơn ghi rõ tên bản án (quyết định) của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị. Kèm theo đơn phải gửi bản án (quyết định) của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án (quyết định) của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang