Mẹ khởi kiện, con bán đất
Kéo dài chưa thực hiện cam kết, ông Ẩn không may bị tai nạn giao thông, ra đi ngày Mùng 6 Tết Canh Tý. Sau khi chồng qua đời, bà Gái trưng tờ "di chúc" được lập ngày 04/4/2013 tại VPCC Đông Nam Tây Ninh, liên quan đến khu đất 6.741,6m2.
Di chúc có nội dung: "Tôi, Nguyễn Thị Khỏi (SN 1920), khẳng định hiện tôi còn minh mẫn, sáng suốt, đủ sức khỏe để lập di chúc theo GCN sức khỏe số 846 do Hội đồng giám định y khoa Tây Ninh chứng nhận ngày 08/3/2013. Tôi tuyên bố nội dung di chúc của tôi và yêu cầu Công chứng viên (CCV) ghi nhận và đánh máy lại, như sau: Sau khi tôi qua đời, con tôi là Nguyễn Văn Ẩn sẽ được thừa hưởng "di sản thừa kế" do tôi để lại là 6.741,6m2 đất theo GCN số H04472. Ngoài Ẩn, tôi không để lại di sản thừa kế cho ai khác".
Di chúc được CCV Trần Văn Hờ chứng nhận, xác định: "Người lập di chúc có năng lực hành vi dân sự, đã đọc bản di chúc, đồng ý toàn bộ nội dung" (?!).
Với "di chúc" này cùng văn bản "thỏa thuận phân chia di sản thừa kế" (TTPCDSTK) ngày 27/8/2012, ông Ẩn đã "ẵm" trọn 16.166m2!
Sau khi tung ra "di chúc", ngày 03/7/2020, bà Gái làm đơn "cớ mất" GCN số H04472, nội dung: "Ông Ẩn qua đời ngày 31/01/2020, trong lúc tang gia bối rối, chúng tôi làm "thất lạc" bản chính GCN số H04472. Tôi cam kết GCN này không cầm cố thế chấp hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ".
Phần mộ của cụ Sách, ông Ẩn, bà Gái buộc phải "bứng" đi để giao khu đất
tranh chấp cho người mua
Sau đó, bà Gái khởi kiện, được TAND TX.Trảng Bàng thụ lý ngày 07/10/2020. Nguyên đơn trình bày: Sau khi làm đơn "cớ mất", bà Gái mới biết GCN số H04472 do ông Ánh giữ; mẹ con bà nhiều lần yêu cầu nhưng ông Ánh không trả lại. Từ đó, bà Gái yêu cầu tòa công nhận "di chúc"; buộc ông Ánh trả lại GCN số H04472".
Các ACE ông Ẩn rất bất ngờ trước tờ "di chúc", càng bất ngờ hơn với đơn "cớ mất" hoàn toàn sai sự thật! Cả 6 ACE cùng bày tỏ: "Thời điểm 04/4/2013, mẹ chúng tôi đã 93 tuổi, mắt mờ, sức khoẻ rất yếu, mắc nhiều bệnh như hen suyễn, dạ dày, xương khớp, vẩy nến, gây ra những cơn đau nhức, ngứa ngáy, khiến cụ thường xuyên mất ngủ, đầu óc lúc nhớ, lúc quên (hồ sơ bệnh án của cụ còn lưu). Vậy mà khi qua tay ông Ẩn và CCV, cụ bà U93 đã "cãi lão hoàn đồng", rất minh mẫn, tuyên bố rành rọt "di chúc" như người am tường luật pháp, đọc cho CCV đánh máy! Sau đó, cụ còn "đọc lại" cả di chúc, yêu cầu CCV không xác minh, giám định để ông Ẩn không bị "lòi đuôi" gian dối (?!)".
Liên quan đơn "cớ mất", 6 ACE trình bày: Lúc còn sống, ông Ẩn ép cụ Khỏi giao GCN số H04472 thế chấp vay 200 triệu đồng. Do không tiền trả, chủ nợ khởi kiện. Theo bản án của TAND H.Trảng Bảng, ông Ẩn và cụ Khỏi phải trả cho chủ nợ 217,9 triệu đồng; nếu không trả sẽ bị phát mãi phần đất 6.741,6m2. Để giữ gìn tài sản mà cha mẹ gây dựng, ngày 21/01/2020, ông Ánh mang tiền trả nợ thay cho ông Ẩn, nhận bản chính GCN số H04472 về bảo quản. Sự việc rành rành như thế, hoàn toàn không có việc "thất lạc" như bà Gái đã "bịa" ra.
Ông Ánh (bị đơn) có đơn phản tố, yêu cầu tòa hủy các giao dịch dân sự; chia 2 phần đất do cha mẹ để lại cho 8 ACE theo quy định pháp luật. Các ACE đều thống nhất theo yêu cầu của ông Ánh.
Ngay khi ông Ánh phản tố, ngày 20/11/2020, bà Quý cùng chồng Phạm Đăng Khoa (SN 1973) ký HĐ bán cho bà Phạm Thị Hạnh (SN 1970, ngụ H.Gò Dầu, Tây Ninh) toàn bộ thửa đất 1104 (tách từ thửa 35) với 2.355,8m2, giá 4,5 tỷ đồng, được VPCC Trịnh Văn Chẹt công chứng cùng ngày. Trên đất ngoài căn nhà tổ, có 3 ngôi mộ của cụ Sách, ông Ẩn và con gái ông Ẩn (mất lúc nhỏ). Bên mua xác định, đã thanh toán đủ tiền nhưng không được sang tên do đất tranh chấp.
Trước đó, ngày 21/9/2020, bà Quý - ông Khoa ký HĐ bán cho ông Nguyễn Thành Chí (SN 1964, ngụ H.Đức Hòa, tỉnh Long An) thửa đất 66 với 4.722,9m2 và thửa 1103 (tách từ thửa 35) với 307m2, giá 6 tỷ đồng nhưng HĐ ghi 500 triệu. Sau khi mua, ông không sang tên được do đất tranh chấp.
Bà Hạnh và ông Chí đề nghị tòa cho "lưu thông" 2 HĐ chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, bà Quý cho rằng, cả 2 HĐ đều "giả cách" để đảm bảo cho khoản vay của bà với ông Chí và bà Hạnh.
Ngày 12/5/2021, bà Gái qua đời, chôn cạnh ông Ẩn. Tòa xác định ông Sang, bà Quý và ông Trọng là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn.
Một góc khu đất 6.741,6m2
Khi đương sự được tòa gọi bằng… "anh" (?!)
Thụ lý vụ án tháng 10/2020 nhưng kéo dài 3 năm, TAND TX.Trảng Bàng mới mở phiên xét xử với HĐXX do Thẩm phán Hà Như Thủy ngồi ghế Chủ tọa, cùng 2 Hội thẩm Trần Văn Hùng và Cao Hoài Hiêm, tuyên Bản án sơ thẩm số 82/2023/DS-ST ngày 14/9/2023 (Bản án 82) dài 26 trang, hơn 15.000 từ, tuyên:
1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bà Gái: Công nhận "di chúc" ngày 04/4/2013 có hiệu lực pháp luật. Ông Sang, bà Quý, ông Trọng được QSDĐ diện tích 6.741,6m2 theo GCN số H04472. Ông Ánh phải trả lại bản chính GCN số H04472 cho 3 người này.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Sang về việc hủy HĐ chuyển nhượng đất ngày 25/7/2019 đối với thửa đất 67 (2.038,7m2).
2/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ánh về việc hủy các giao dịch dân sự, gồm "di chúc" ngày 04/4/2013; Văn bản TTPCDSTK ngày 27/8/2012; HĐ "tặng cho" 9.424,4m2 ngày 27/8/2012 giữa cụ Khỏi và ông Ẩn; HĐ "tặng cho" 9.424,4m2 đất giữa ông Ẩn và ông Sang; 3 HĐ "tặng cho" 3 thửa đất 4.722,9m2, 307m2 và 2.355,8m2 giữa ông Sang và bà Quý.
Không chấp yêu cầu khởi kiện của ông Ánh về tranh chấp chia tài sản chung và chia di sản thừa kế gồm 16.166m2 và căn nhà diện tích 131,88m2 (nhà tổ).
3/ HĐ chuyển nhượng đất ngày 21/9/2020 có hiệu lực pháp luật; ông Chí được quyền sử dụng 2 phần đất 4.722,9m2 và 307m2
4/ HĐ chuyển nhượng đất ngày 20/11/2020 có hiệu lực pháp luật.Bà Hạnh được quyền sử dụng 2.355,8m2 đất và sở hữu các tài sản trên đất gồm căn nhà tổ cộng thêm 1 am thờ, 1 bàn vọng thiên trước nhà cùng 3 chuồng bò, 1 chuồng heo, hơn 300 cây trồng các loại. Vợ chồng bà Quý phải di dời 3 ngôi mộ ra khỏi thửa đất.
Quyết định của Bản án 82 có 4 lần tuyên "hợp tặng cho QSDĐ"
Sau khi án tuyên, cả nguyên đơn, bị đơn, cùng nhiều người liên quan đều kháng cáo. Các ACE ông Ánh phản ứng gay gắt, cho rằng Chủ tọa Hà Như Thủy cùng HĐXX chỉ "xử" mà không "xét". Bởi nếu "xét" công tâm, khách quan, thì không thể nào tuyên bản án "vừa kỳ, vừa lạ” như thế. Cụ Sách, cụ Khỏi có 8 người con với hàng chục cháu nội, ngoại, nhưng toàn bộ tài sản của 2 cụ để lại là 16.166m2 đất (trừ ra thửa 67 do ông Ánh chuộc lại), HĐXX "tình thương mến thương", tuyên cho 3 con ông Ẩn hưởng trọn. Chưa hết, HĐXX còn buộc "bứng" cả mộ phần, xúc phạm vong linh cụ Sách, người tạo lập khu đất. Như vậy, còn đâu là công lý, đạo đức, tình người?
Bức xúc tột độ, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã cặm cụi làm văn bản trình bày dài đến 16 trang, hơn 12.500 từ, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét.
Nhóm 6 Luật sư trợ giúp pháp lý cho 6 ACE ông Ánh chỉ ra Bản án 82 lộ rõ dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về tố tụng lẫn nội dung, trái với đạo lý. Trong đó, có 4 điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, Bản án 82 thể hiện sự hời hợt, bất cẩn rất khó chấp nhận. Trong phần quyết định của bản án liên quan đến 4 "hợp đồng tặng cho QSDĐ" nhưng HĐXX tuyên "hợp tặng cho QSDĐ" (mất chữ "đồng"), hoàn toàn vô nghĩa! Hay trong phần nhận định liên quan "khoản vay của chị Quý” nhưng bản án 82 viết "khoản của chị Quý”, mất từ "vay" (?!). Chưa hết, Bản án 82 be bét lỗi chính tả, viết tắt, viết hoa tùy hứng! Còn nữa, suốt bản án, HĐXX gọi đương sự bằng "anh Sang, chị Quý” rất thân tình (?!). Ông Tân (SN 1970) cũng gọi là "anh Tân"; trong khi bà Hạnh (SN 1970) thì gọi... "bà Hạnh" (!)
Thứ hai, nguồn cơn vụ việc phát sinh tranh chấp đều xuất phát từ sự gian dối của ông Ẩn, "khai tử" tất cả ACE ruột, hô biến mình thành "con duy nhất" để được hưởng trọn tài sản thừa kế. Sau đó, chính ông Ẩn đã thừa nhận "khai man" là sai trái, đồng thời xác định "đất của cha mẹ để lại" và nhiều lần "đồng ý chia cho tất cả ACE mỗi người 1 phần". Đây là tuyên bố thể hiện ý chí của ông Ẩn khi còn sống, được ghi vào 2 biên bản ngày 01/6/2018 (họp gia đình) và ngày 04/10/2018 (họp hòa giải tại UBND xã). Cả 2 chứng cứ quan trọng này, HĐXX đều "quên" không "xét".
Thứ ba, cũng tại biên bản ngày 04/10/2018, chính ông Sang đã xác định phần đất 9.424,4m2 là "đất hương hỏa do ông bà nội để lại" nên "đồng ý theo ý kiến của cha", chấp thuận "giao trả đất để cha phân chia lại cho các ACE của cha mỗi người 1 phần". Bà Quý thì "thống nhất theo ý kiến ông Sang". Chứng cứ vấn đề mấu chốt này cũng không được HĐXX "xét".
Thứ tư, ông Ẩn khi còn sống đã mang đất đi cầm cố vay tiền, không trả; ông Sang thì bán đất lấy tiền. Ông Ánh phải bỏ tiền chuộc để giữ lại đất. Tệ hại hơn, bà Quý bán cả đất có nhà thờ và mồ mả của ông nội, cha mẹ của mình. Những người như thế này được HĐXX "thương", xác định đủ tư cách để hưởng trọn phần đất do ông bà nội để lại?...
Còn rất nhiều điểm bất thường liên quan đến vụ án lộ dấu hiệu tiêu cực. Chuyên đề CATP sẽ tiếp tục xác minh làm rõ và thông tin đến bạn đọc trong các số báo tiếp theo.