(CATP) Lấn chiếm đất công để làm lán trại, đối tượng sau đó đã cung cấp thêm nhiều giấy tờ với nội dung không đúng sự thật để hợp thức hóa hồ sơ khi Nhà nước thu hồi đất để làm dự án. Với chiêu thức này, Nguyễn Văn Đông (SN 1956, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền đền bù và nghiễm nhiên "ẵm" thêm suất đất tái định cư...
Chiếm đoạt 3,4 tỷ đồng
Chân ướt chân ráo đến TP.Vũng Tàu mưu sinh vào thời điểm cuối năm 1995, Nguyễn Văn Đông thuê lại khu lán trại tại số 261 Lê Hồng Phong (nay là đường Thi Sách, phường 8, TP.Vũng Tàu) của ông Nguyễn Công Uẩn với ông Lê Ngọc Long với giá 150 ngàn đồng/tháng rồi đưa gia đình về ở. Đến 30-9-1999, Đông được ông Uẩn viết giấy tay bán lại khu lán trại này với giá 1,2 triệu đồng. Quá trình sử dụng, ông Đông lấn chiếm thêm cả diện tích đất chung quanh để trồng cây và xây nhà, trong đó có căn nhà xây dựng trái phép trên diện tích 248m² là đất của Nhà nước.
Năm 2005, Nhà nước thu hồi diện tích đất 248m² ở số 261 Lê Hồng Phong để xây dựng công trình. Đồng thời bồi thường vật kiến trúc, hoa màu trên đất và hỗ trợ di dời cho gia đình ông Đông với số tiền hơn 46 triệu đồng. Sau khi nhận tiền bồi thường, ông Đông không di dời mà viết đơn xin được cấp, mua đất tái định cư và tiếp tục sử dụng trái phép trên phần diện tích đất nêu trên.
Đến năm 2009, Nhà nước tiếp tục thu hồi diện tích hơn 550m² để triển khai xây dựng công trình Khu biệt thự Đồi Ngọc Tước nhưng không đền bù giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) vì xác định đây là đất Nhà nước bị ông Đông lấn chiếm. Không đồng ý với quyết định này, ông Đông khiếu nại yêu cầu bồi thường quyền sử dụng đất của diện tích hơn 550m² và diện tích 248m² (số 261 Lê Hồng Phong), đồng thời đòi cấp đất tái định cư. Để hợp thức hóa hồ sơ, ông Đông đã cung cấp tài liệu, giấy tờ có nội dung sai sự thật về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, thời gian cư trú nhằm chứng minh gia đình mình đã sử dụng diện tích đất tại số 261 Lê Hồng Phong từ trước năm 1993 để được Nhà nước bồi thường quyền sử dụng đất khi thu hồi và cấp đất tái định cư. Qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 3,4 tỷ đồng của ngân sách.
Cán bộ thanh tra bị "qua mặt"
Theo cáo trạng, khi được giao xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Đông, thanh tra viên Đinh Thị Tính và ông Trần Văn Hà (Chánh thanh tra TP.Vũng Tàu) chỉ dựa trên căn cứ là xác nhận của UBND phường 8 về thời điểm cư trú và quá trình sử dụng đất của ông Đông để tham mưu UBND TP.Vũng Tàu ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 768/QĐ-UBND ngày 12-3-2010. Trong đó chấp nhận khiếu nại và công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 248m² của ông Đông để đền bù giá trị QSDĐ và cấp đất tái định cư. Không chấp nhận khiếu nại đối với việc yêu cầu đền bù khi thu hồi diện tích hơn 550m².
Nguyễn Văn Đông tại phiên tòa
Tuy nhiên, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Vũng Tàu sau đó đã có văn bản đề nghị xem xét lại nội dung công nhận QSDĐ đối với diện tích 248m² của ông Đông nên việc thi hành quyết định số 768 tạm ngưng.
Khi được giao xác minh, thẩm tra khiếu nại lần 2 của ông Đông về đề nghị công nhận và bồi thường giá trị QSDĐ khi thu hồi đất đối với cả 2 diện tích 248m² và 550m², ông Nguyễn Đức Hiệu (Trưởng đoàn thanh tra) và Nguyễn Lê Khánh Duy (chuyên viên) đã không thực hiện việc: yêu cầu UBND TP.Vũng Tàu cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại lần đầu; yêu cầu cung cấp thông tin tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại theo quy định. Khi báo cáo kết quả xác minh, đoàn thanh tra chỉ dựa trên các chứng cứ là tài liệu thông tin do ông Đông cung cấp kèm theo đơn khiếu nại lần 2 mà không biết Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu đã có văn bản chỉ đạo tạm ngừng thực hiện quyết định số 768.
Dựa trên tham mưu của ông Hiệu và ông Duy, Chánh Thanh tra tỉnh ký báo cáo kết quả xác minh giải quyết khiếu nại lần 2 và tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết khiếu nại của ông Đông. Từ quyết định của UBND tỉnh, UBND TP.Vũng Tàu đã chi trả tiền đền bù, bố trí đất tái định cư trái pháp luật cho ông Đông.
Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng đã xác định được những giấy tờ người đàn ông này cung cấp trong quá trình khiếu nại là có thủ đoạn gian dối, tạo dựng, cung cấp nội dung sai sự thật. Từ đó đã khởi tố Nguyễn Văn Đông để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đồng thời khởi tố các đối tượng Nguyễn Đức Hiệu (Trưởng đoàn thanh tra) và Nguyễn Lê Khánh Duy (chuyên viên) để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19-1-2022, bị cáo Hiệu đề nghị được giám định sức khỏe tâm thần. Đồng thời phiên tòa phát sinh một số tình tiết mới nên HĐXX đã hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tháng 5-2022, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa kết luận giám định tại thời điểm gây án ông Hiệu "hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi". Sau đó, Viện KSND tỉnh ban hành quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với ông Hiệu. Tháng 6-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh có quyết định tách hành vi "thiếu tinh thần trách nhiệm" của bị can Hiệu thành một vụ án khác để xử lý sau.
Ngày 10-10-2022, sau nhiều ngày xét xử, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Đông 12 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và Nguyễn Lê Khánh Duy 1 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".