Vụ "Luật sư” kiện đòi lấy nhà của thân chủ: Nguyên đơn thắng kiện vẫn… kháng cáo

Thứ Tư, 02/04/2025 09:15  | Thu Hiền

|

(CATP) Mặc dù bản án sơ thẩm tuyên xử bà Dung "thắng" kiện, được ưu tiên hoàn tiền cho ông Công để sở hữu toàn bộ nhà đất tại địa chỉ 317 Trần Bình Trọng (Quận 5, TPHCM - viết tắt là 317 TBT), nhưng không biết vì lẽ gì, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án?

Kháng cáo trước khi tòa xét xử

Đơn kháng cáo của nguyên đơn Trần Thị Dung (bút lục số 251 hồ sơ vụ án) viết: Tôi kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 1019/2024/DS-ST mà Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xét xử, lý do kháng cáo vì bản án trên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của tôi.

Bà Dung đưa ra 3 yêu cầu: Một là, được công nhận quyền sở hữu toàn bộ nhà đất 317 TBT, hoàn lại cho ông Công số tiền tương đương 45% giá trị nhà đất 317 TBT vì bà đã chứng minh được khả năng tài chính thì phải được ưu tiên quyền sở hữu. Hai là, buộc ông Công phải thi hành án nhận nhà đất 317 TBT để giao cho bà Dung trong thời hạn 30 ngày, nếu hết thời hạn đó ông Công không thực hiện thì bà Dung được quyền nhận nhà đất theo bản án phúc thẩm số 465/2024. Ba là, buộc ông Công trả lại 3 tỷ đồng mà bà đã chi cho gia đình ông Công sử dụng trong 8 năm qua.

Vợ chồng ông Công trước căn nhà sắp bị thi hành án

Luật sư Phạm Kim Anh - Trưởng Văn phòng luật sư Kim Anh thuộc Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Hợp đồng hứa thưởng và các bản cam kết kèm theo đều ghi tiền thưởng là 55% giá trị tài sản, không có nghĩa khi đòi được nhà đất 317 TBT thì bà Dung trở thành đồng sở hữu với ông Công vì chiếm tỷ lệ sở hữu nhiều hơn. Bà Dung chứng minh năng lực tài chính bằng số tiền 200 tỷ đồng, nhưng theo dõi bản sao kê thì thấy số tiền này được gửi vào và xác nhận số dư cùng ngày 20/12/2024 (gửi vào và rút ra trong ngày sau khi đã xác nhận số dư ?). Nếu bà Dung có năng lực thực sự thì trong vụ kiện tranh chấp đòi nhà, bà Dung phải đóng tiền thực hiện biện pháp bảo đảm để tài sản không bị sang bán, cầm cố tại ngân hàng gây khó khăn cho việc xét xử và thi hành bản án phúc thẩm số 465/2024. Ngày 18/3/2025 vừa qua, Cục thi hành án dân sự TPHCM tổ chức việc giao nhận nhà 317 TBT, nhưng ông Minh (người đang đứng tên chủ sở hữu) và ngân hàng chưa giao nhà nên ông Công không thể có nhà để giao cho bà Dung.

Điều không bình thường là đơn kháng cáo ghi ngày 06/12/2024, trong khi phiên tòa sơ thẩm xét xử vào ngày 23/12/2024. Chẳng lẽ bà Dung biết trước quyết định của Hội đồng xét xử để làm đơn kháng cáo đòi Tòa án phải chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà?

Tương tự, trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dường như bà Dung biết trước việc tòa án cấp sơ thẩm hủy Quyết định số 156/2024/QĐ-BPKCTT, liền có ngay đơn yêu cầu mới và Quyết định 231/2024/QĐ-BPKCTT được ban hành ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc. HĐXX cho rằng, do áp dụng khoản 1 Điều 136 BLTTDS nên bà Dung không phải đóng tiền đảm bảo. Như vậy, hai Quyết định số 156 và 231 cùng áp dụng biện pháp Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định, "ép" ông Công giao nhà đất cho bà Dung là tước quyền định đoạt của chủ sở hữu khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

Bán nhà khi không phải là chủ sở hữu

Bản án phúc thẩm số 465/2024/DS-PT ngày 27/6/2024 của TAND cấp cao tại TPHCM công nhận căn nhà 317 TBT là tài sản hợp pháp của ông Công; buộc những người đang sở hữu, quản lý trả lại tài sản cho ông Công. Điều này có nghĩa ông Công là chủ sở hữu duy nhất. Tuy nhiên, trước đó vào ngày 24/5/2024, bà Dung tự ý sử dụng hợp đồng ủy quyền của ông Công, đem căn nhà 317 TBT bán cho bà Cao Thị Kim Ai, nhận số tiền đặt cọc 15 tỷ đồng. Vì việc này, ông Công đã chấm dứt ủy quyền, tự mình tham gia giai đoạn thi hành án. Có phải vì lý do này mà bà Dung đòi sở hữu toàn bộ nhà đất 317 TBT và yêu cầu phải giao nhà trong vòng 30 ngày?

Ông Công bức xúc: Căn nhà 317 TBT mới được bản án phúc thẩm công nhận là của tôi, nhưng chưa được thi hành án, nhà vẫn đứng tên ông Trương Công Minh và đang được thế chấp tại ngân hàng. Tôi chưa nhận được tài sản nên chưa phát sinh nghĩa vụ trả thưởng mà bà Dung đã làm đơn khởi kiện là không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết, liên tục áp dụng các biện pháp có tính chất cản trở quyền định đoạt của chủ sở hữu là không thỏa đáng.

Bộ luật TTDS quy định việc áp dụng BPKCTT là nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Từ khi nguyên đơn khởi kiện đến bây giờ, ông Công vẫn đồng ý trả thưởng dù bà Dung chưa hoàn thành công việc hứa thưởng, quyền lợi chưa bị xâm phạm. Vậy mà bản án sơ thẩm lại tước mất quyền định đoạt tài sản của ông Công, giao nhà cho bà Dung như thể cả hai là đồng sở hữu!

Bình luận (0)

Lên đầu trang