Nỗi lòng cụ bà bị... bỏ rơi (!)
Có mặt tại Tòa soạn, bà Phạm Thị Tuyết Nga (SN 1989) là con gái của ông Phạm Văn To (SN 1966, cùng ngụ xã Lê Trì, bị đơn của vụ án) bày tỏ sự tri ân đối với Chuyên đề (Báo) CATP đã có bài phản ánh (tựa đề: Lạ kỳ bản án "soi đâu, sai đó”) đăng ngày 12/9/2024. Bài báo chỉ rõ hàng loạt sai phạm, vi phạm nghiêm trọng về nội dung lẫn tố tụng của Bản án sơ thẩm số 96/2024/DS-ST (Bản án 96) ngày 18/7/2024 của TAND tỉnh An Giang, với HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Ngọc Tuấn làm Chủ tọa, cùng 2 Hội thẩm Trần Thị Lan và Nguyễn Hồng Hoai.
Hồ sơ thể hiện: Vợ chồng cụ Phạm Văn Nhỏ và cụ Trần Thị Nhung (cùng SN 1934, ngụ xã Lê Trì) có 7 người con. Sau khi cụ Nhỏ quy tiên năm 2007, gia đình xảy ra chuyện liên quan quyền sử dụng đất (QSDĐ), nên cụ Nhung làm đơn gửi UBND xã giải quyết.
Ngày 20/5/2010, tại văn phòng UBND xã Lê Trì, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Quang chủ trì cuộc họp hòa giải, tham dự có đại diện các ban, ngành xã. Sau khi bàn bạc, thống nhất, cụ Nhung và 7 người con cùng điểm chỉ vào "Biên bản hòa giải phân chia tài sản QSDĐ" (BB ngày 20/5/2010), cụ thể:

Ông Nguyễn Văn Diều (áo thun, ngồi giữa) trình bày vụ việc
Bà Phạm Thị Quang (SN 1957) được chia 5.000m2 đất rẫy; bà Phạm Thị No được chia 15 công đất rẫy và 15 công đất trên núi; hai bà Phạm Thị Thắm và Phạm Thị Út Thôi mỗi người 3,5 công đất rẫy; bà Phạm Thị Lại và ông To mỗi người 4 công đất ruộng.
Đối với phần đất ở 1.687,7m2, BB ngày 20/5/2010 nêu rõ: "Chia cho bà Phạm Thị Ấm phía mặt đường nhựa chiều ngang 6 mét, dài tới sát bờ ao (423,7m2); diện tích còn lại 1.264m2, chia cho bà Quang cùng căn nhà trên đất. Đồng thời bà Quang có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng bà Trần Thị Nhung trong thời gian tới. Trong thời gian 7 ngày, bà Quang và bà No có trách nhiệm đem giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ đến UBND xã để làm thủ tục phân chia tài sản".
Ông Nguyễn Văn Diều xác định: "Tôi là người tham gia cuộc họp và ký vào BB ngày 20/5/2010 với tư cách là cán bộ Tư pháp xã Lê Trì. Bà Quang cam kết với gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Nhung nhưng không thực hiện, nên cụ Nhung nhiều lần đến UBND xã Lê Trì trình bày, kêu cứu. Cụ thể: Ngày 20/7/2010, cụ Nhung làm "Tờ tường trình" gửi UBND xã Lê Trì và "Đơn trình bày" gửi Ban Tư pháp xã”.

Biên bản hòa giải phân chia tài sản QSDĐ có chữ ký ông Nguyễn Văn Diều
Trong "Tờ tường trình", cụ Nhung nêu rõ: "Khoảng 2 tháng trước, gia đình tôi có xảy ra việc lộn xộn về phân chia đất đai cho các con. Bản thân tôi đã già, tuổi cao, mắt lại không nhìn thấy. Sự việc trên tôi thấy nghiêm trọng nên làm đơn nhờ UBND xã và Tư pháp xã giải quyết đã xong. Phần của tôi, căn nhà ở và đất, sau khi bàn bạc, giao lại cho con trai tôi nhưng Phạm Văn To nhường lại cho chị gái Phạm Thị Quang, đồng thời Quang cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng tôi. Sau khi nhận nhà và đất, Quang bỏ mặc, không hề chăm sóc và nuôi tôi. Trong khi đau ốm, To đưa tôi đi bệnh viện khám và đưa về nhà nuôi. Quang đã làm cam kết trước gia đình và pháp luật nhưng không thực hiện cam kết, cố tình không nuôi dưỡng và chăm sóc tôi lúc ốm đau, bệnh tật.
Vậy tôi làm giấy này giao lại nhà đất cho con trai tôi Phạm Văn To bảo quản, sử dụng, đồng thời nuôi dưỡng tôi cho đến khi tôi chết. Rất mong UBND xã xác nhận cho tôi".
Tại "Đơn trình bày", cụ Nhung nêu thêm: "... Phạm Thị Quang không nuôi dưỡng và chăm sóc tôi, đã làm sai lương tâm, đạo đức của con đối với người mẹ. Sau khi sự việc xảy ra, con trai tôi Phạm Văn To can thiệp nhưng không được. Vậy tôi làm đơn này giao lại toàn bộ nhà cửa, đất đai còn lại cho To để nuôi dưỡng tôi lúc già yếu, đau ốm cho đến ngày tôi chết".
Ông Diều giải thích thêm: Bà Quang đã nhận thừa kế theo pháp luật phần đất 5.000m2. Cụ Nhung đồng ý cho bà Quang nhận phần nhà và đất thừa kế của cụ, với điều kiện bà Quang phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cụ nhưng không thực hiện. Căn cứ từ thực tế và đơn tường trình của cụ Nhung, ngày 14/12/2010, UBND huyện Tri Tôn đã cấp QSDĐ cho cụ Nhung phần diện tích 1.264m2, gồm 2 GCN số BB 023740 (diện tích 773,9m2, trên đất có căn nhà tạm) và số BB 023741 (với 490,1m2, đất ao).
Vị cựu cán bộ tư pháp khẳng định: "Việc phân chia thừa kế theo pháp luật của gia đình cụ Nhỏ, cụ Nhung, UBND xã Lê Trì và UBND huyện Tri Tôn đã giải quyết đúng theo quy định pháp luật từ năm 2010".
Không thể "bẻ cong" sự thật
Đại diện ông To trình bày: Do bà Quang bỏ mặc nên cụ Nhung về sống chung với gia đình ông To. Ngày 04/4/2011, cụ Nhung lập Tờ di chúc để lại 1.264m2 đất và nhà cho cháu nội Phạm Văn Chí Tâm (SN 1993, con ông To) để Tâm cùng cha mẹ anh phụng dưỡng cụ và thờ cúng cụ Nhỏ, ông bà tổ tiên. Được anh Tâm đồng ý, ngày 18/8/2017, cụ Nhung lập 2 "Hợp đồng (HĐ) tặng cho" 1.264m2 đất cho ông To. Ngày 19/9/2017, ông To được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cấp đổi 2 GCN QSDĐ số CS 03136 (773,9m2) và số CS 03135 (490,1m2).
Thấy căn nhà tạm bỏ hoang, xuống cấp, ông To tháo dỡ để trồng cây, kiếm thêm huê lợi thì bà Quang ngăn cản.
Bà Quang khởi kiện tranh chấp 1.264m2 đất, yêu cầu ông To bồi thường 50 triệu đồng, sau hạ xuống còn 7,5 triệu. Thụ lý ngày 01/11/2021, TAND tỉnh An Giang ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 01/12/2022. Sau hơn 18 tháng với điệp khúc "mở, hoãn, tạm ngừng", phiên tòa sơ thẩm được mở lại ngày 18/7/2024, nhưng chỉ có HĐXX và nguyên đơn! Bị đơn và toàn bộ hơn chục người liên quan trong vụ án đều vắng mặt, rất bất thường.
Ngay sau đó, Thẩm phán Chủ tọa Nguyễn Ngọc Tuấn tuyên đọc Bản án 96 dài 24 trang: giao 1.264m2 đất cho bà Quang; buộc ông To bồi thường cho bà Quang 7,5 triệu đồng. Để giao đất cho nguyên đơn, HĐXX tuyên vô hiệu Tờ di chúc ngày 04/4/2011; hủy các HĐ tặng cho tài sản của cụ Nhung lập ngày 18/8/2017; hủy 2 GCN do UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 14/12/2010 cho cụ Nhung; hai GCN số CS 03136 và CS 03135 không còn giá trị pháp luật.
Đại diện ông To bày tỏ bức xúc: Bản án 96 được tuyên theo kiểu "xét nhanh, xử gọn" dẫn đến nhiều sai sót; vi phạm nghiêm trọng cả về thủ tục tố tụng lẫn nội dung. Bản án 96 không chỉ gây oan sai mà còn xúc phạm đến cụ Nhung, người đã mất nhiều năm.
Thứ nhất, HĐXX giải quyết lại vụ việc đã được UBND xã Lê Trì, UBND huyện Tri Trôn giải quyết xong từ hơn 14 năm trước theo đúng quy định pháp luật, có lý có tình. Chứng cứ quan trọng nhất của vụ án chính là BB ngày 20/5/2010 lập tại xã Lê Trì cùng "Tờ tường trình" và "Đơn trình bày" ngày 20/7/2010 của cụ Nhung, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của cụ, muốn tặng nhà đất cho con trai.
Chứng kiến từ đầu đến cuối vụ việc, nguyên cán bộ Tư pháp xã Lê Trì Nguyễn Văn Diều như là "nhân chứng sống" đã có "Tờ tường trình và xác nhận sự việc", khẳng định việc phân chia thừa kế của gia đình cụ Nhung, UBND xã Lê Trì và UBND huyện Tri Tôn đã giải quyết đúng theo quy định pháp luật từ năm 2010. Tờ tường trình của ông Diều là tình tiết mới rất cần được HĐXX phúc thẩm xem xét, để có phán quyết công tâm, không gây oan sai cho cụ Nhung đã quy tiên.

Tờ tường trình và đơn trình bày ngày 20/7/2010 của cụ Trần Thị Nhung
Thứ hai, Tờ di chúc lập ngày 04/4/2011 được Văn phòng công chứng (VPCC) Tri Tôn chứng nhận hoàn toàn hợp pháp, tiếp tục thể hiện ý chí, nguyện vọng của cụ Nhung lúc con sống. Tại thời điểm lập di chúc, cụ Nhung có "Giấy chứng nhận sức khỏe" ngày 23/02/2011 của Bệnh viện đa khoa huyện Tri Tôn, kết luận: "Đủ sức khỏe, tinh thần minh mẫn".
Thứ ba, cả 2 "HĐ tặng cho tài sản" ngày 18/8/2017 được VPCC Tri Tôn chứng nhận, nhưng HĐXX không triệu tập cơ quan này và cũng "quên" mời đại diện UBND xã Lê Trì để làm rõ nhiều vấn đề, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Thứ tư, Bản án 96 sai be bét, lỗi chính tả không đếm xuể! Nhiều câu được viết "tùy hứng" lúc thừa, lúc thiếu từ, không có nghĩa! Tệ hại hơn, có câu dài đến 768 từ (hơn 1 trang giấy)! Riêng đại diện ủy quyền của nguyên đơn, Chủ tọa "gán" cho người này có "3 họ”: Nguyễn Lưu Quang, Trần Lưu Quang, Lưu Quang (?!).
Ngoài kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ Bản án 96, bà Nga đã gửi nhiều đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ hàng loạt những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án, có dấu hiệu của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Nhiều cơ quan đã tiếp nhận và có văn bản phản hồi như: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang; TAND tỉnh An Giang, VKSND tỉnh An Giang, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang. Mới nhất là văn bản số 223/TANDTC-VP ngày 20/01/2025 của TAND Tối cao gửi TAND Cấp cao TPHCM xem xét, giải quyết đơn của bà Nga...
Theo dõi vụ án, Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) nêu quan điểm: Bản án 96 của TAND tỉnh An Giang vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không khách quan, có nhiều mâu thuẫn, nội dung tình tiết không phù hợp thực tế, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông Phạm Văn To. Do đó, có đầy đủ căn cứ để TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy Bản án 96, giao hồ sơ cho TAND tỉnh An Giang giải quyết lại từ đầu, xem xét toàn diện vụ án, từ đó có phán quyết công tâm, khách quan, thể hiện sự thượng tôn pháp luật, tính ưu việc của nền pháp chế XHCN.