(CAO) Nhân kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2022), sáng 08-10-2022, Hội doanh nhân họ Trần Việt Nam tổ chức chương trình “Ngày hội doanh nhân Việt Nam”, nhằm tôn vinh những đóng góp của cộng đồng doanh nhân với sự phát triển của đất nước.
Tại chương trình, phần tọa đàm với chủ đề “Dòng tiền đầu tư bất động sản và giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay” thu hút sự quan tâm của các đại biểu, doanh nhân tham gia, trong bối cảnh thị trường gặp rất nhiều khó khăn.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của bốn diễn giả gồm: Tiến sĩ Trần Vinh Vũ, Viện trưởng Viện Xây dựng và Quản trị kinh doanh; Thạc sĩ Trịnh Văn Thủy, chuyên gia về tái cấu trúc doanh nghiệp; bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng PVcomBank Gia Định; ông Trần Bội Đức, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Kim Long Vạn, người sáng lập sàn giao dịch bất động sản số.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm
Chia sẻ về thị trường bất động sản trong thời gian gần đây, nhất là những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 kéo dài vừa qua, TS Trần Vinh Vũ cho rằng thời gian qua thị trường bất động sản đã trải qua những cung bậc đầy cảm xúc nhưng về tiềm năng vẫn còn rất lớn, với dân số xấp xỉ 100 triệu người, trong đó độ tuổi từ 25 đến 40 chiếm tới 55% dân số nên nhu cầu về sở hữu bất động sản vẫn còn rất lớn, trong khi đó tốc độ tăng trưởng GDP thời gian qua khá ổn định ở mức 6,3 đến 6,8% nên tạo ra tích lũy về kinh tế rất tốt.
Ngoài ra, các công trình hạ tầng giao thông cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ, các tuyến cao tốc được Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành đúng kế hoạch, cũng tạo ra được đòn bẩy để tạo liên kết vùng, vì vậy các dự án về bất động sản cũng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại về thanh khoản đến từ 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do Nhà nước điều tiết lại chính sách tài chính tiền tệ dành cho bất động sản; thứ hai, việc siết chặt thanh tra, kiểm tra các dự án lớn để kiểm soát vấn đề đầu cơ “thổi” giá; thứ ba, đại dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất...
Chia sẻ về những băn khoăn, trăn trở của các doanh nghiệp bất động sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ về xây dựng, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các doanh nghiệp trong nước hạn chế về nguồn vốn không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Thạc sĩ Trịnh Văn Thủy cho rằng tuy việc tái cấu trúc có thể dẫn đến giảm nhân sự, nhưng giá trị cốt lõi là nâng cao giá trị lao động, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh nhiều biến động hiện nay.
Và chỉ bằng đẩy mạnh việc đào tạo quản trị doanh nghiệp sẽ là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại...