TP.HCM sắp có 20.000 căn nhà ở xã hội

Thứ Sáu, 16/03/2018 17:16  | Nam Anh

|

(CAO) TP.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.

Kế hoạch này nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về căn nhà ở xã hội cho người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc diện chính sách, thu nhập thấp.

TP.HCM hiện có gần 13 triệu dân, trong đó phần lớn là người nhập cư, với khoảng 274.600 công nhân, lao động (69% là người ngoại tỉnh). Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 16.190 người (chiếm tỷ lệ 8,54%) có chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Phần lớn công nhân phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập giá rẻ, thiếu tiện ích, thiếu an toàn.

Măc khác, TP.HCM hiện cũng có khoảng 500.000 sinh viên (sinh viên ngoại tỉnh chiếm 80%), nhưng không phải trường đại học nào cũng đáp ứng đủ chỗ cho sinh viên ở ký túc xá.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 134.000 căn; Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng đã thực hiện khảo sát mẫu thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000; đa số trong các nhóm đối tượng đã lựa chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.

Để giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư và số lượng người tăng cơ học hàng năm của thành phố là một bài toán khó, cần sự phối hợp và nỗ lực của chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, nòng cốt là các doanh nghiệp bất động sản, và có sự tham gia của cộng đồng dân cư chia sẻ chỗ ở.

TP.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), một thực tế của thị trường nhà ở giá rẻ cần được quan tâm giải quyết là rất thiếu nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), một thực tế của thị trường nhà ở giá rẻ cần được quan tâm giải quyết là rất thiếu nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê. Ảnh minh họa

Trong khi đó, chương trình di dời, tái định cư các hộ dân sống ven và trên kênh rạch gắn với công tác chỉnh trang đô thị hiện nay có liên quan khoảng 22.000 hộ gia đình; Kế hoạch xây dựng lại 15 chung cư cũ bị hư hỏng nặng đang trong tình trạng nguy hiểm (cấp D) trên địa bàn thành phố cần tái định cư 861 hộ gia đình, cũng phát sinh nhu cầu nhà ở giá rẻ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2017, thành phố có 92 dự án nhà ở thương mại với 42.991 căn hộ được đưa ra thị trường, gồm có 37.502 căn hộ chung cư, 5.489 căn nhà thấp tầng. Trong đó, chỉ có 12.495 căn hộ bình dân, chỉ chiếm tỷ lệ 29,1%, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.

Theo đó, Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu đầu tư, chuyển hướng phát triển nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ và thân thiện môi trường, với các căn hộ vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá bán trên dưới 01 tỷ đồng/căn; và tích cực tham gia Chương trình nhà ở xã hội, Chương trình chỉnh trang nhà ở ven và trên kênh rạch của thành phố, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, trước hết là 15 chung cư loại D (nguy hiểm) kết hợp với chỉnh trang đô thị.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần hết sức coi trọng xây dựng uy tín thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, trước hết là tinh thần thượng tôn pháp luật, coi "chất lượng là danh dự", đảm bảo tiến độ công trình, và chia sẻ hài hòa lợi ích với khách hàng, với cộng đồng xã hội.

Bên cạnh việc kiến nghị UBND TP.HCM kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ để tạo nguồn tái cấp vốn ngân sách cho các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, với lãi suất 5%/năm (áp dụng cho năm 2018) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hiệp hội cũng đề nghị UBND TP có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở cho thuê, nhất là căn hộ nhỏ cho thuê giá rẻ (khoảng 03-05 triệu đồng/tháng) để hình thành thị trường nhà ở cho thuê chuyên nghiệp tương tự các nước phát triển, và đón đầu xu hướng mới cùng chia sẻ không gian (co-living space) căn hộ thuê chung hiện nay.

Xem xét có cơ chế hỗ trợ thêm khoảng 25.000 giường nằm trang bị cho ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM (hiện đã xây xong ký túc xá nhưng chưa có giường) để có thể bố trí được chỗ ở cho thêm 25.000 sinh viên ngoại tỉnh.

Hiệp hội đề nghị UBND chủ trì để Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản được phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố và Ban Quản lý các Khu chế xuất Khu công nghiệp thành phố thực hiện chương trình "Thiết chế nhà ở công nhân" (quy mô 03-05 ha) của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, để từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở của khoảng 90% công nhân, lao động ngoại tỉnh tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố hiện đang ở thuê nhà trọ.

Liên quan đến đề xuất điều kiện nhập hộ khẩu vào TP.HCM thì phải đảm bảo diện tích nhà ở bình quân không thấp hơn 20m2/người, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị Sở Xây dựng xem xét lại.

Theo Hiệp hội, đề xuất này chưa hợp lý hợp tình, bởi vì hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình đang sống trong các căn nhà rất chật hẹp, thậm chí chỉ có diện tích trên dưới 20m2 mà có đến hàng chục người trong hộ khẩu.

Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã quy định diện tích căn hộ nhà ở xã hội tối thiểu 25m2, nếu vợ chồng chủ nhà này đăng ký hộ khẩu thì chẳng lẽ chỉ có 1 người được nhập hộ khẩu, hoặc khi sinh con thì con lại không được nhập hộ khẩu vì không đạt chuẩn 20m2/người; hoặc tại Điều 3 Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng đã quy định tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua thì mỗi phòng trọ có diện tích không nhỏ hơn 10m2, diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2/người.

Hơn nữa, hiện nay việc quản lý hộ khẩu đang được xem xét chuyển đổi phương thức quản lý hiện đại, áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, thông qua Đề án cấp mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị quy định điều kiện để xét nhập hộ khẩu với diện tích ở tối thiểu bình quân 15m2/người (tương tự như thành phố Hà Nội đang áp dụng 15m2/người) và chỉ áp dụng đối với người nhập cư (tăng cơ học) xin nhập hộ khẩu, và không áp dụng điều kiện 15m2/người đối với các trường hợp xin nhập hộ khẩu do quan hệ hôn nhân, huyết thống, người bảo hộ theo pháp luật quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang