TP.Hồ Chí Minh: Hàng Tết dồi dào, không lo tăng giá

Thứ Sáu, 15/12/2023 14:50  | Nam Anh

|

(CATP) Nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị phương án dự trữ, cung ứng hàng Tết; đồng thời kết nối với các nhà cung cấp ở nhiều tỉnh, thành để đưa nông sản, đặc sản vùng miền ra thị trường. Trong những ngày trung tuần tháng 12/2023, cũng là những ngày đầu tháng 11 âm lịch, thị trường hàng hóa Tết Giáp Thìn 2024 đang khởi động một cách chậm chạp. Sự dè sẻn của đa số người tiêu dùng và xu hướng đón Tết tiết kiệm không nằm ngoài dự đoán cũng như sự chuẩn bị của các DN sản xuất - kinh doanh, phân phối hàng hóa.

Sẵn hàng, không lo về giá

Ông Nguyễn Cảnh Kiên, Phó giám đốc Công ty An Thiên Lý cho rằng, đối với những cá nhân và tổ chức đang hoạt động trong thị trường ngành hàng tiêu dùng, công tác chuẩn bị hàng hoá trước Tết Nguyên đán là kế hoạch rất quan trọng trước mùa lễ hội truyền thống lớn nhất ở Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh lớn trong năm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm ổn định nguồn cung thị trường và đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng trong dịp cuối năm. Các sản phẩm phổ biến như thực phẩm, đồ dùng cá nhân, may mặc và quà tặng lưu niệm thường được mua sắm nhiều hơn trong thời điểm này, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trước để tránh tình trạng khan hiếm và giá tăng cao.

Đón đầu cơ hội vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà Nguyễn Thị Kim Liên - hộ kinh tế trang trại trên địa bàn xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã có những phương án chi tiết từ giữa năm để dự trữ hàng trước dịp Tết Nguyên đán 2024 nhằm chung tay vào mục tiêu bình ổn thị trường. Quy mô trang trại hơn 25 hecta, trong đó hệ thống 18 hecta mặt nước nuôi cá tra, ước tính khối lượng dự kiến được đưa khoảng 200 tấn cá các loại ra thị trường vào tháng 12/2023 - 01/2024. Đối mặt với sự biến động mạnh mẽ của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, việc chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sự linh hoạt, đồng thời bảo đảm nguồn cung ổn định trong tâm trạng Tết ngày càng sôi động của người tiêu dùng.

Nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM đã trưng bày hàng Tết ra bán cho người tiêu dùng

Để chuẩn bị hàng cho nhân dân TP đón Tết, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng, hiểu được khó khăn của người dân và DN, Sở Công thương TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá cả hàng hóa, hỗ trợ DN đưa hàng ra thị trường, giúp người dân có Tết đoàn viên. Sở sẽ tiếp tục kích hoạt hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường với 45 DN lớn tham gia và hơn 10.000 điểm bán hàng. Tính tới thời điểm hiện nay, Sở Công thương TPHCM cùng các DN đang ráo riết chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm đa dạng hàng hóa cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong tháng 12/2023, Sở sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hội nghị kết nối cung cầu phục vụ Tết; tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung để DN bán được số lượng hàng lớn và người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa với giá cả hợp lý.

Tổng cộng, các DN tại TPHCM đã chuẩn bị và dự trữ hơn 22.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ 2 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% - 43%. Các DN bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và sau Tết; sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết; tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ nếu có. Sở Công thương TPHCM nhận định, với hơn 22.000 tỷ đồng trữ hàng và bảo đảm đủ hàng tiêu dùng, tránh sự thiếu hụt và tăng giá đột biến dịp Tết nên người dân cứ yên tâm về giá.

Hàng hóa dịp Tết rất dồi dào, không lo tăng giá

Hàng nhiều, giá bình ổn

Tại các ngôi chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như: Bà Chiểu, Bình Tây, An Đông, Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Tri Phương... dù tràn ngập bánh kẹo, mứt, tôm khô, bia, quần áo, giày dép... với mẫu mả mới để bán cho mùa Tết nhưng người mua vẫn thưa thớt. Tại các siêu thị, tình hình khả quan hơn do nhà bán lẻ và nhà cung cấp bắt tay nhau tung khuyến mãi liên tục để kích cầu.

Các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee... cũng đang chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho mùa kinh doanh Tết. Hệ thống các chuỗi siêu thị, cửa hàng đã chuẩn bị các phương thức bán hàng thông qua website, mạng xã hội Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử; liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày... để thu hút khách.

Trong khi đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op (gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Finelife...) còn tổ chức livestream bán hàng, sản xuất các video ngắn trên các nền tảng số và dành nhiều ưu tiên cho khách hàng gen Y, gen Z trên những nền tảng này. Theo các hộ kinh doanh, sức mua hàng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái và khó có thể xảy ra biến động mạnh về giá.

Đến thời điểm hiện tại, một số địa phương như TPHCM, Khánh Hòa, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, địa phương đã giao nhiệm vụ cho các DN sản xuất - kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định.

Bước qua năm 2024, các dự báo về kinh tế vĩ mô được nhận định sẽ còn nhiều thách thức nhưng dự báo sẽ là năm phục hồi của ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ khi sức mua của người dân dự kiến tăng. Nhiều tín hiệu cho thấy trong năm 2024 hoạt động bán lẻ sẽ sôi động trở lại, không chỉ với DN trong nước mà còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô khoảng 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp đến 59% tổng ngân sách quốc nội. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 của cả nước ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang