(CAO) Nhân những ngày Tết năm Đinh Dậu, hãy cùng suy ngẫm về câu chuyện cạnh tranh và đạo đức kinh doanh trong thời đại bùng nổ thông tin.
Câu chuyện thương hiệu “218 Lý Tự Trọng”
Một lần cùng ngồi trên xe với chị Giám đốc quản lý kinh doanh tiếp thị Sữa Việt, chúng tôi bị kẹt trong một biển người trên đường Cô Bắc- Cô Giang (Tp. Hồ Chí Minh) trước cổng trường Lương Thế Vinh. Thật sự ngạc nhiên vì chúng tôi nhớ đó không phải là ngày thi đại học hay một kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia. Hóa ra lý do kẹt xe vì phụ huynh đưa các con học cấp 2 đi thi xếp lớp học thêm ở Trung Tâm Bồi Dưỡng Văn Hoá 218. Tôi và chị Giám đốc cùng “mắt tròn mắt dẹtồ lên “ 218 Lý Tự Trọng à”?
Hơn 22 năm kể từ ngày tôi biết về “thương hiệu” giáo dục này, gần như họ không quảng cáo, không tiếp thị và không tạo ra những sự kiện quảng bá về chất lượng dịch vụ. Nhưng điều gì đã giúp họ gây dựng được niềm tin từ thế hệ phụ huynh này đến thế hệ phụ huynh khác, từ cha mẹ của tôi đã gửi gắm tôi vào học thêm tại trung tâm đó và giờ đến tôi cũng đang tiếp bước muốn xin một chỗ cho chính con trai của mình. Sự thật đó là họ đã cam kết giữ vững một chất lượng thương hiệu xuyên suốt hơn 22 năm.
Chất lượng của giáo dục đào tạo và chất lượng rèn luyện đạo đức phong cách. Không một học trò nào đến trung tâm học thêm mà được phép tóc tai không gọn gàng, mang dép lê hay không mặc đồng phục. Không một học sinh nào được phép nói chuyện vô lễ với giáo viên (dù là giáo viên dạy thêm), không được đi học trễ thường xuyên (phải có lý do và phải có chữ ký của phụ huynh khi đi trễ)…
Chúng tôi như vỡ oà ký ức về ngày xưa và chợt nghĩ đến về câu chuyện phát triển thương hiệu một cách lành mạnh bằng chính chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Và câu chuyện cạnh tranh ngày nay
Nếu như thực phẩm bẩn là nỗi ám ảnh thường ngày thì với giới làm truyền thông nỗi kinh hoàng chính là những thương hiệu cạnh tranh “không sạch”. Quy luật của kinh tế thị trường là phát triển dựa trên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nhưng nhiều năm qua, thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh thông qua việc gây hoang mang dư luận làm cho người tin dùng mất niềm tin vào thị trường.
Thay vì tập trung nỗ lực vào việc nghiên cứu phát triển chất lượng sản phẩm hay hoàn thiện về dịch vụ thì những thương hiệu không sạch lại bới móc và tìm đủ mọi chiêu trò để đổ vấy, bôi bẩn những sản phẩm sạch, an toàn của các thương hiệu đối thủ cạnh tranh.
Trong năm vừa qua, ngành sản xuất nước giải khát đã phải hứng chịu nhiều tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận ảnh hưởng đến toàn ngành hàng. Từ một vài vấn đề của số ít doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước điều tra và xử lý, tin đồn đã làm ảnh hưởng tới cả những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu mà luôn tuân thủ các quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt của quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam. Dù doanh nghiệp đã được công bố tuân thủ hoàn toàn pháp luật và tất cả các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng những tin đồn không có kiểm chứng vẫn liên tiếp được tung ra một cách cố ý trên mạng xã hội và một số báo mạng, các thông tin “bẩn” vẫn được loan truyền trên mạng xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp.
Thương trường là chiến trường. Nhưng hãy nghĩ đến một cuộc chiến mà mỗi thương hiệu tự chiến đấu với chính bản thân mình để tốt hơn. Hãy tự làm khó chính mình, hãy tuân thủ những nguyên tắc chuẩn trong nước cũng như quốc tế về an toàn sức khoẻ người tiêu dùng, hãy tôn trọng đạo đức kinh doanh . Trên hết cần mỗi công ty cần có ý thức tôn trọng người tiêu dùng thông qua cam kết về chất lượng sản phẩm và tất cả các hoạt động tuân thủ pháp luật . Đó mới thật sự là cạnh tranh đúng nghĩa và là cuộc chiến thương trường giúp cho thương hiệu phát triển bền vững.
Những sản phẩm tốt chắc chắn thu hút người tiêu dùng dù có cố tình bị bôi đen bởi người tiêu dùng ngày nay ngày càng thông thái trong việc chọn lọc và tìm kiếm thông tin liên quan đến quyền lời thiết thực của họ; vì lý do đó việc cố tình “dìm hàng” sản phẩm cạnh tranh dù có thể gây sóng gió cho đối thủ nhưng không bao giờ giúp làm sản phẩm của mình tăng tính cạnh tranh hay được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.
Đã đến lúc tất cả các thương hiệu cần rút ra từ những bài học đắt giá như vụ nước mắm nhiễm Arsen rằng quy luật của thị trường, sư hiểu biết của người tiêu dùng và pháp luật sẽ rất nghiêm khắc với cạnh tranh không lành mạnh. Hãy xem các công ty đa quốc gia đã giữ vững thương hiệu của mình qua hàng trăm năm như thế nào, họ vươn ra thế giới và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng toàn cầu ra sao.
Những ngày đầu năm mới, đi đâu đâu cũng thấy hoa khoe sắc thắm đó cũng là lúc Việt Nam cần một tiếng chuông mạnh mẽ rằng mọi người Việt thật sự đang cần một thị trường cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, bằng chất lượng dịch vụ chứ không phải vì những chiêu trò kém minh bạch.
Hãy là MỘT THƯƠNG HIỆU SẠCH cùng cạnh tranh mở rộng và phát triển!