Nên hay không nên áp thuế 5% đối với phân bón?

Thứ Ba, 29/10/2024 16:19  | Thanh Hòa

|

(CAO) Nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ngày 29/10 về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi),  nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, nhiều cử tri, nhất là bà con nông dân băn khoăn về đề nghị áp thuế 5% đối với phân bón, bởi vì bà con cho rằng phân bón chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất của nông dân, việc không áp dụng thuế VAT 5% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp họ có điều kiện tái đầu tư vào sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), việc không áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón không chỉ là một biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội. Chính sách này giúp ổn định giá cả nông sản, thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta. Trong bối cảnh nền nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thì việc duy trì ưu đãi thuế cho phân bón là cần thiết và xứng đáng được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Tranh luận về vấn đề tăng hay không tăng thuế suất đối với phân bón, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cũng nhấn mạnh, VAT đánh ở người tiêu dùng trong đại bộ phận, tất cả những người trước hết dùng phân bón và người dùng thực phẩm nông sản, cho nên cần phải nghiên cứu kỹ. “Không thể để cho mấy cô ngồi máy cấy gò lưng, cả đời còng lưng tần tảo bây giờ tiếp tục gánh tiếp vấn đề cạnh tranh cho mấy doanh nghiệp phân bón trong nước, điều đó tôi nghĩ rằng hoàn toàn không hợp lý. Người dân đã rất cực, được mùa một chút lại mất giá. Nếu bây giờ tiếp tục đánh thuế 5% người dân phải chịu, tôi nghĩ rất tội cho người dân. Dân giàu, nước mạnh, chúng ta đang làm tất cả cho dân, nên hãy để người nông dân phát triển lên một chút, đất nước sẽ khác”.

Tranh luận lại ý kiến của đại biểu Thạch Phước Bình và các đại biểu khác, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, đây là nội dung các đại biểu Quốc hội đã trao đổi rất nhiều, từ kỳ họp thứ 7 đến Hội nghị chuyên trách và rất nhiều hội nghị, hiện nay vẫn còn 2 quan điểm.

“Tôi cho rằng khi Chính phủ, Quốc hội bàn những lĩnh vực nhất là lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp thì chắc chắn chúng ta không thể ban hành một chính sách ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, chúng ta hướng tới một chính sách tốt nhất cho nền kinh tế của người dân, doanh nghiệp. Tôi nghĩ việc chúng ta áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi được cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không có tác hại như các đại biểu đã phân tích”.

Phân tích về giá phân bón khi áp thuế và không áp thuế, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, khi làm giá phải theo nguyên tắc của kế toán, của tài chính, không phải đương nhiên chúng ta cứ áp dụng thuế 5% thì giá tăng lên 5%.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhắc lại việc rất nhiều đại biểu ủng hộ việc áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5% cho phân bón và nhiều ý kiến chứng minh điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp trong nước mà còn có lợi cho cả nông dân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh)

“Chúng ta đang bước vào kỉ nguyên vươn mình và tiêu chí là tự lực, tự chủ, tự cường mà hàng loạt lĩnh vực của chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu rất cao, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, dược phẩm cho người, hàng loạt mặt hàng điện tử của chúng ta như thế.

Chúng tôi đọc báo thấy sẽ có một làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập vào chúng ta, ngành phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y của chúng ta không tồn tại được phản ánh hàng chục năm nay. Nếu thị trường thế giới biến động, họ tăng giá thì chúng ta cũng phải tăng làm sao giảm được. Do đó, chúng tôi đề nghị chúng ta phân tích vấn đề rộng ra như thế. Chúng ta xem lại công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, 20 năm lắp ráp ô tô chúng ta nội địa hóa đến bây giờ cũng chỉ có 20%, xem lại chính sách thuế của chúng ta có khuyến khích hay không trong khi Thái Lan, Indonesia đã nội địa hóa 50%, 60% cho công nghiệp ô tô”-đại biểu phân tích.

Cho biết ông hoàn toàn tán thành những ý kiến của các đại biểu ủng hộ nông dân, thông cảm với nông dân nhưng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, doanh nghiệp là nơi hàng triệu lao động, giai cấp công nhân đang làm việc ở đó và nếu như họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân này sẽ như thế nào. “Do đó, tôi cung cấp một cách nhìn để chúng ta có một cách nhìn rộng ra, không phải ngẫu nhiên khi nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc áp dụng thuế giá trị gia tăng cho phân bón là 5% cũng như các lĩnh vực khác. Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ chúng ta có thể chi phối được và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dung”-đại biểu cho biết.

Là thành viên tham gia thẩm tra nội dung này, đại biểu Nguyễn Vân Chi (Đoàn Nghệ An) cung cấp thêm thông tin về đánh giá tác động đối với chính sách này như một số đại biểu đã đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi (Đoàn Nghệ An)

“Trước tiên phải nói rằng từ góc độ đánh giá tác động, có thể nói từ cái nhìn đầu tiên chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng khi phân bón đang không chịu thuế mà chuyển sang áp 5% thì mặt bằng giá sẽ bị tăng lên 5%. Điều này về lý thuyết rất đúng nhưng tuy nhiên phải khẳng định rằng đúng trong trường hợp ví dụ sản phẩm này đang chịu thuế 2% bây giờ tăng thêm 5% ví dụ lên 7% rất nhiều khả năng làm mặt bằng giá sẽ bị tăng lên 5% do đội thêm phần thuế mới tăng thêm này.

Tuy nhiên, đối với phân bón là một lĩnh vực hết sức đặc thù và hết sức khác biệt so với tất cả các sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường hiện nay, tức là phân bón đang ở diện không chịu thuế, cho nên tất cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ đối với đầu vào và toàn bộ giá trị thuế đầu vào bao gồm cả giá trị rất lớn như với đầu tư phải cộng hết tất cả vào chi phí, cho nên giá thành rất cao. Tất cả được cộng vào giá thành và cộng vào giá bán.

Tuy nhiên, đối với phân bón nhập khẩu khi xuất khẩu sang Việt Nam họ vẫn được khấu trừ toàn bộ thuế đầu vào cho nên họ đã lợi hơn hẳn. Chúng ta đã phân biệt đối xử giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu bằng cơ chế không chịu thuế. Đồng thời, phân bón sản xuất trong nước bị phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác trong nước, ví dụ như ngành cơ khí, tất cả các ngành sản xuất khác, tại vì tất cả các ngành khác đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%,10%.

Chính vì vậy, với việc chúng ta chuyển sang áp dụng thuế 5% không có nghĩa mặt bằng giá sẽ tăng lên 5% vì các doanh nghiệp phân bón trong nước có dư địa để giảm giá khi họ được khấu trừ phần thuế đầu vào này hoặc rất nhiều trường hợp họ sẽ được hoàn cho nên mặt bằng sẽ giảm giá. Chính vì vậy, không thể nói rằng người nông dân hay khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng”-đại biểu phân tích.

Giải trình tại Nghị trường Quốc hội về nội dung thuế VAT cho phân bón, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong giai đoạn thực hiện Luật số 71/2024/QH13, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn ĐBQH tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang,... Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Kiến nghị này đã được đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm mà giá phân bón phụ thuộc vào giá thành sản xuất, phụ thuộc vào thị trường, phụ thuộc vào cung cầu. Vì vậy, nếu chúng ta cố định tất cả các loại chi phí lãi thì thuế sẽ đảm bảo giá phân bón tăng hay giảm. Nhưng, thực ra giá thành sản xuất phụ thuộc vào khoa học công nghệ, phụ thuộc năng suất lao động, phụ thuộc giá nhân công, phụ thuộc vào các yếu tố khác, đặc biệt là phụ thuộc vào cung cầu. Khi chúng ta đang thực hiện không thu thuế đối với mặt hàng này giai đoạn 2018-2022 thì giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71% đến 43,6%, thuế VAT vẫn không thu, điều đó có nghĩa phụ thuộc cơ bản về thị trường, tức là về cung cầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, khi chúng ta đưa mặt hàng vào chịu thuế thì đúng là sẽ có tăng giá. Nhưng tăng giá chủ yếu là giá nhập khẩu, mà giá nhập khẩu thì có nghĩa là doanh nghiệp trong nước của chúng ta sẽ có lợi. Bởi vì tăng giá thì thuế áp cả nhập khẩu, áp cả trong nước. Khi giá nhập khẩu tăng lên thì doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện để cạnh tranh. Như vậy, doanh nghiệp của nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ vì hàng hóa nhập vào nhiều, còn doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp tăng thêm 200 tỷ. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích để đảm bảo cho doanh nghiệp trong nước phát triển tốt và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần sản phẩm; tiến tới giảm được giá bán cho người nông dân và chúng ta làm chủ được vấn đề phân bón.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các nội dung cần thiết sẽ xin ý kiến các vị đại biểu bằng phiếu

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là những ý kiến cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, giải trình thuyết phục; các nội dung cần thiết sẽ xin ý kiến các vị đại biểu bằng phiếu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang