TPHCM: Nguồn cung thực phẩm dồi dào, người dân không lo lắng

Thứ Năm, 08/07/2021 09:49

|

(CATP) Hiện nay, cả 3 chợ đầu mối của TPHCM là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đã phải ngừng hoạt động vì xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19. Ngoài ra còn có nhiều chợ truyền thống cũng đã tạm đóng cửa khiến người dân lo lắng. Từ nỗi lo này dẫn đến hiện tượng người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng, khu chợ còn hoạt động để mua hàng, tích trữ hàng hóa. Điều này là không cần thiết vì người dân có thể yên tâm hàng hóa tại TPHCM sẽ không bao giờ thiếu trong suốt thời gian giãn cách.

Không thiếu hụt hàng hóa

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 7-7, người dân ồ ạt đến các siêu thị, chợ truyền thống để mua lượng lớn thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, bò khiến cho các siêu thị phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến này. Do vậy, tình trạng quá tải người mua, người dân la liệt mua hàng rồi ngồi chờ thanh toán xuất hiện ở nhiều siêu thị, chợ. Chị Lê Thanh Hằng (35 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) mua hàng tại siêu thị Emart Gò Vấp cho biết, dù rất lo lắng vì lượng người tụ tập đông đúc nhưng vẫn phải chen chúc để mua hàng vì sợ siêu thị sẽ không còn thực phẩm.

Trước tình trạng người dân mua hàng dồn dập, tụ tập đông người tại các điểm bán hàng, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, những ngày gần đây, người dân lo lắng việc điều chỉnh phương thức hoạt động của chợ nên đổ xô đi mua sắm tạo sự thiếu hụt nhất định. "Chúng tôi đã làm việc về chuỗi cung ứng hàng hóa và mở rộng thời gian hoạt động kéo dài. Bên cạnh hệ thống cung ứng thì bổ trợ những kênh bán hàng online. Đi chợ thay người lớn tuổi bằng tình nguyện viên, phụ nữ, thanh niên. Chúng ta có nguồn cung dồi dào và kênh phân phối đa dạng do đó người dân không nên lo lắng" - ông Vũ cho biết.

Xếp hàng chờ thanh toán tiền

Còn ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) khẳng định, hàng không thiếu và siêu thị hoạt động xuyên suốt dù bất cứ xảy ra hoàn cảnh nào. Tổng kho dự trữ của Saigon Co.op hiện có 40.000 tấn hàng hoá liên quan đến 12 nhóm hàng thiết yếu thực hiện công tác bình ổn (không bao gồm rau, củ, quả). Có những mặt hàng một tháng mới hết, thậm chí có loại tận 3 - 4 tháng. "Đối với 12 mặt hàng thiết yếu luôn luôn đầy đủ. Các mặt hàng này thực hiện công tác bình ổn xuyên suốt cả năm, không thay đổi giá và có sự hỗ trợ của kênh phân phối nên giá luôn ở mức thấp nhất. Tôi có đi kiểm tra tại một số siêu thị trong hệ thống có thấy thiếu rau, do bà con mua đầu ngày, sau 1 - 2 tiếng có xảy ra tình trạng hết cục bộ và sau 14 giờ lại đầy đủ trở lại. Do đó, chúng tôi khuyên người dân không nên tập trung vào những mặt hàng đang gặp khó khăn" - ông Đức cho hay.

Được biết, hiện Sở Công thương đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn bị phong tỏa. Ngoài ra, Sở Công thương cũng đang phối hợp các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa thông qua triển khai các chương trình Siêu thị mini 0 đồng, Chợ nghĩa tình...

Đối với nỗi lo lắng của người dân trước thông tin 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và chợ nông sản Thủ Đức tạm đóng cửa sẽ gây ra thiếu hụt hàng hóa lương thực, theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hiện nay thành phố đã tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối và một số chợ truyền thống để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố vẫn được duy trì ổn định. Thành phố giao Sở Công Thương tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh...), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng.

Các quầy chưa kịp chất hàng do lượng mua tăng đột biến

Còn ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, qua đánh giá nhu cầu tiêu dùng đối với khả năng cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối và nguồn cung ứng từ các tỉnh, sẽ không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa diễn ra tại TPHCM. Cũng theo ông Phương, sau khi 3 chợ đầu mối này tạm đóng cửa, TPHCM đã thông tin đến Sở Công thương của 22 tỉnh, thành khu vực Đông và Tây Nam Bộ về việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối, đồng thời đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại 3 chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ mà tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống trên địa bàn để nguồn hàng không đứt gãy.

TPHCM sẽ áp dụng chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0 giờ ngày 9-7, thời gian áp dụng 15 ngày. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại TP và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch đặt ra nhiều thách thức. Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, TP xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác.

Vì vậy nỗi lo thiếu hụt thực phẩm của người dân là không cần thiết. Điều chúng ta thật sự cần quan tâm ngay lúc này chính là bảo vệ thật tốt sức khỏe của bản thân và gia đình trước sự hoành hành của dịch bệnh, bằng cách tuân thủ nghiêm chỉ thị giãn cách của thành phố, nếu bắt buộc phải ra ngoài đường cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy tắc 5K của Bộ Y tế.

Linh hoạt trong phương thức mua hàng

Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, người dân nên chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến, nhằm giảm tình trạng tụ tập đông người tại các điểm bán hàng. Đơn cử với hệ thống Co.op người dân có thể mua hàng qua các ứng dụng như Zalo, Momo, Grab, vì các ứng dụng này liên kết trực tiếp với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Bên cạnh đó, Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân, đặc biệt là khu vực TPHCM. Người dân nên ưu tiên sử dụng những kênh online này, đặt hàng nhu yếu phẩm có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khung giờ cao điểm sẽ dễ gây tắc nghẽn.

Đặc biệt, người dân TP.Thủ Đức có thể sử dụng ứng dụng bản đồ trực tuyến "Mua sắm an toàn" để tìm những địa điểm mua sắm lương thực, hàng hóa. Bằng cách truy cập trang https://thuduc-muasam.hcmgis.vn hoặc quét mã QR sẽ truy cập được trang mua sắm trực tuyến trên địa bàn TP.Thủ Đức. Sau đó cho phép ứng dụng cập nhật vị trí của thiết bị, ứng dụng sẽ hiện lên vị trí 20 điểm mua sắm gần nhất gồm các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhấp vào từng vị trí sẽ có những thông tin về địa chỉ, số điện thoại, tên cửa hàng... và tình trạng có hỗ trợ mua sắm trực tuyến hay không.

Dựa vào thông tin ứng dụng cung cấp gồm số điện thoại hotline, trang web, ứng dụng mua hàng để người dân đặt hàng trực tuyến tại các điểm bán hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu khi có nhu cầu.

Saigon Co.op không thiếu hàng hóa phục vụ người dân TPHCM

Ngày 7-7, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) khẳng định đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn. Tất cả mặt hàng đã tăng từ 3 đến 5 lần. Do đó, người dân có thể yên tâm. Hàng hóa rất nhiều, không bao giờ thiếu và siêu thị hoạt động xuyên suốt nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm.

Đồng thời, Saigon Co.op cho biết, dù cũng có lượng lớn nhân viên phải thực hiện cách ly và rất nhiều khó khăn khác nhưng hiện nay Saigon Co.op cũng đang gồng mình nỗ lực hết sức để vừa có thể phục vụ hàng hóa ngay tại siêu thị, vừa đáp ứng nhu cầu tăng đột biến cục bộ trên các kênh online mới vừa phát triển thần tốc, chưa kể phải phục vụ hàng chục ngàn suất ăn, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly mỗi ngày.

Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng là lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do tâm lý đám đông dồn dập đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn. Nên Saigon Co.op mong người dân không tụ tập đông người tại các điểm bán hàng và tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K để tránh đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, đây là nguyên nhân khiến các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang