Cẩn trọng với tình trạng ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Thứ Hai, 26/04/2021 11:51

|

(CATP) Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, trong quý I-2021 toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong. Đây là con số đáng báo động, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, thời tiết nắng nóng sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây ngộ độc đường ruột phát triển mạnh. Nếu lựa chọn, sử dụng, bảo quản không đúng cách sẽ khiến thực phẩm (TP) dễ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.

Nhiều vụ NĐTP tập thể

Theo các chuyên gia ATTP, các tỉnh thành phía Nam đã trải qua nhiều đợt nắng nóng, nhiệt độ có khi lên tới gần 40 ngoài trời, yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng TP, vì vậy đã có nhiều ca NĐTP xảy ra. Mới đây nhất, ngày 20-4 hơn 100 người (có cả trẻ em) ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Giong, Đắk Nông có biểu hiện nôn ói, đau bụng tiêu chảy sau khi dự tiệc cưới. Các ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, vào các ngày 15 và 16-4 tại Hà Nội cũng xảy ra 2 vụ nghi NĐTP tại Trường phổ thông quốc tế Isaac Newton và Trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở Pascal tại Q.Bắc Từ Liêm khiến 6 học sinh (HS) nhập viện. Theo tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ngày 15-4 Trường phổ thông quốc tế Isaac Newton có hơn 1.500 HS ăn bữa trưa, bữa phụ chiều; 700 HS ăn bữa sáng với thực đơn, gồm: thịt lợn rim, nem, bánh pizza... do Công ty Mặt trời lớn nấu ăn cung cấp. Sáng 16-4, nhà trường nhận được thông tin từ phụ huynh có 15 HS nghỉ học do đau bụng, nôn, đi ngoài, trong đó có 3 em nhập viện. Tại Trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở Pascal cũng xảy ra hiện tượng tương tự, ngày 16-4 có 106 HS nghỉ học. Trước đó vào trưa 15-4, HS của trường ăn cá ba sa chiên bơ, trứng chưng, bắp cải xào, canh cải nấu thịt và tráng miệng bằng ổi; buổi chiều, các em ăn chè đậu xanh và bánh do Công ty Vietinmex Việt Nam cung cấp. Chi cục An toàn vệ sinh TP.Hà Nội cho biết, nguyên nhân xảy ra sự việc trên nghi ngờ do nhiễm vi sinh.

Trước đó, vào trung tuần tháng 3-2021 có 6 trường hợp ngộ độc Clostridium Botulinum có trong pate chay ở Bình Dương, trong đó có 1 ca tử vong... tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cần bảo quản, sử dụng TP đúng cách để tránh nguy cơ xảy ra các vụ NĐTP.

Bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc

Nguyên nhân gây NĐTP mùa nắng nóng thường là do sử dụng các TP chế biến sẵn, không được bảo quản đúng cách, khiến TP nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc biến chất, vì khi thời tiết nắng nóng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn. Ngoài ra, việc lựa chọn các TP không tươi, có mầm bệnh, sau đó trữ đông để sử dụng cũng rất nguy hiểm.

Các em nhỏ nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn đám cưới ở Đắk Nông

Theo thông tin từ Cục ATTP, trong quý I-2021 toàn quốc ghi nhận 20 vụ NĐTP, làm 531 người mắc, 3 trường hợp tử vong. Số vụ lẫn số người mắc đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số vụ NĐTP độc hại ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ và tại gia đình gia tăng. Trong năm 2020, toàn ngành y tế phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt 48,6 tỷ đồng. Chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến "Chung tay hành động vì ATTP" diễn ra sáng 20-4-2021, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - cho hay, đây là những con số "rất đáng suy ngẫm".

Với điều kiện sản xuất, chế biến TP, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như ở Việt Nam, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, các vụ ngộ độc xảy ra là điều không mong muốn, nhưng khó tránh. Thực tiễn khảo sát và kiểm tra của Cục ATTP ở một số vùng cao, người dân biết các sản phẩm đã hết hạn, ôi thiu nhưng vẫn sử dụng bởi giá thấp; hay một số khu vực miền Trung bị cô lập bởi bão lụt, nước sạch, TP đều thiếu thốn, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc rất cao.

Phân tích về các vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại khu công nghiệp, ông Phong cho rằng, với điều kiện giá cả như hiện nay, có những nhà máy vẫn để suất ăn công nhân là 12 - 13 nghìn đồng/bữa; nếu trừ đi lợi nhuận của người cung cấp thức ăn, giá thật của suất ăn như vậy là rất ít. Những con số trên cho thấy tình trạng NĐTP đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, tiếp tục là vấn đề bức xúc, gây lo lắng trong xã hội; là nguy cơ nghiêm trọng hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Miền Bắc đang mùa nóng ẩm, miền Nam đang vào mùa nắng nóng, Cục ATTP khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các TP ôi thiu, nấm mốc. Với sản phẩm đóng gói sẵn đã hết hạn sử dụng, không nên dùng dù bằng mắt thường chưa xuất hiện yếu tố khác lạ. Bên cạnh đó, không trữ TP quá lâu, kể cả để trong tủ lạnh, mà nên mua tới đâu sử dụng tới đó. Khi chế biến cần bảo đảm vệ sinh, dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản TP bảo đảm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện "ăn chín, uống sôi".

Khi có dấu hiệu ngộ độc, cần dừng ngay việc sử dụng TP nghi ngờ và tới khám tại cơ quan y tế gần nhất để được xử trí kịp thời; tuyệt đối không tự mua và sử dụng thuốc, tránh nguy cơ bệnh tăng nặng và nguy cơ kháng kháng sinh. Ngoài việc khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân, Cục trưởng Cục ATTP cũng nhấn mạnh, để bảo đảm ATTP, hạn chế các vụ NĐTP có thể xảy ra, cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo quản TP và ngành hàng ăn uống...

Bình luận (0)

Lên đầu trang