Tâm lý chủ quan, lơ là
Cho đến hiện tại, phải khẳng định rằng TPHCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang rất thành công khi cơ bản ngăn chặn, kiểm soát tốt được dịch Covid-19. Tuy vậy, trong bối cảnh mà số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng mạnh ở nhiều nước láng giềng với Việt Nam, việc nhiều người dân có biểu hiện lơ là, không đeo khẩu trang, không tuân thủ các khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế đang trở thành mối nguy tiềm tàng, khiến dịch có khả năng cao sẽ bùng phát trở lại.
Tối 24 và 25-4, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công an TPHCM, khu vực phố đi bộ Bùi Viện (P.Phạm Ngũ Lão, Q1) luôn đông nghịt người. Do vào dịp cuối tuần, khu vực này thường xuyên đông đúc khi là nơi tập trung nhiều tụ điểm vui chơi, giải trí, tụ họp bạn bè. Qua quan sát, hầu hết các quán cà phê, quán bar tại đây đều có chung tình trạng là đã lơ là trong phòng chống dịch. Ở nhiều khu vực vỉa hè, hàng trăm khách hàng được xếp ngồi cạnh nhau, khoảng cách hầu như chỉ đủ cho một người chen qua. Hầu hết các khách tới phố đi bộ Bùi Viện và cả nhân viên phục vụ đều vui vẻ cười nói mà không đeo khẩu trang. Các biện pháp phòng dịch khác thuộc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế như khử khuẩn, không tụ tập... cũng hoàn toàn không được thực hiện.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi họp với lãnh đạo TPHCM
Gần đó, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều bạn trẻ cũng tụ tập đi dạo, tham quan các hàng quán trong khu vực với tâm thế như không hề có dịch Covid-19. Hàng nghìn người tụ tập ở các quán cà phê, các cửa hàng thời trang hầu như đều không đeo khẩu trang, hoặc nếu có thì cũng hoàn toàn không đeo đúng cách.
Nguy cơ bùng phát Covid-19 đợt mới, Thủ tướng ra công điện chỉ đạo
Trong công điện đêm 23-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Covid-19 đang bùng phát mạnh ở một số nước láng giềng. Trong nước, nguy cơ dịch bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh.
Việt Nam cần duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường cảnh giác, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình".
Hay như trước đó trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ vừa qua, hàng nghìn người dân đã tập trung đến đền Hùng, các khu vui chơi, trung tâm thương mại... mà gần như không hề quan tâm đến việc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Theo ghi nhận tại nhiều địa điểm, các bình xịt rửa tay, khử khuẩn vẫn được trang bị nhưng trên thực tế, nhiều người dân hầu như không quan tâm và không sử dụng. Ngoài ra, nhiều địa điểm đã không còn sử dụng các máy đo thân nhiệt vào cổng như khi dịch đang bùng phát mạnh.
Tối 25-4, phóng viên tiếp tục đi ghi nhận tại nhiều địa điểm như quán nhậu, quán cà phê ở khắp các quận huyện trên địa bàn TPHCM. Theo quan sát, tại những địa điểm này người dân tụ tập rất đông. Tâm lý dịch bệnh không còn lây nhiễm trong cộng đồng khiến người đeo khẩu trang trở thành thiểu số. Cụ thể, tại hàng loạt quán nhậu trên đường Lữ Gia (Q11), hàng trăm người đang thi nhau cụng ly, chén chú chén anh và không hề thấy xuất hiện của chiếc khẩu trang nào.
Người dân vô tư chơi đùa ở phố đi bộ Bùi Viện mà không đeo khẩu trang
Cũng tại khu vực Q11, một chương trình ca nhạc rất lớn đã được tổ chức vào tối 25-4 với hàng nghìn bạn trẻ tham dự. Dù ban tổ chức đã rất cố gắng để kiểm soát và nhắc nhở, nhưng số lượng người tham gia quá đông khiến nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trở nên lớn hơn bao giờ hết. Trên thực tế, hầu hết các bạn trẻ chỉ đeo khẩu trang để qua cổng soát vé và ngay lập tức bỏ hoàn toàn khẩu trang khi đã vào đến bên trong sân khấu.
Hiện nay, tại các khu vui chơi, các trung tâm giải trí, thương mại và đặc biệt là các nhà hàng, quán nhậu, quán bar đã bắt đầu đông người trở lại. Tâm lý hưởng thụ và thỏa mãn nhu cầu cá nhân giống như chiếc lò xo bị dồn nén suốt một thời gian dài nay lấy đà bung ra. Từ khu vực trung tâm đến các quận huyện trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Con đường Phạm Văn Đồng vốn vắng vẻ một thời gian để thực hiện chống dịch Covid-19 thì nay đã đông đúc và náo nhiệt hẳn. Người người chén tạc chén thù san sát nhau, say sưa đánh chén, nói cười rôm rả mà như quên tai họa của đại dịch vẫn đang treo lủng lẳng, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Quán nhậu đông nghịt người đêm 25-4
Tại Bến xe Miền Đông, trưa 25-4, phóng viên Báo CATP ghi nhận tình trạng người dân cũng hết sức hờ hững với chiếc khẩu trang, mà chẳng thấy ai nhắc nhở gì. Thậm chí khi chúng tôi ghé qua một số trường như Đại học Hutech, Đại học Kinh tế tài chính, Đại học Kinh tế vẫn thấy các em sinh viên vẫn vô tư, trong khi những chai nước rửa tay sát khuẩn treo trước cửa các lớp học nhưng cũng chẳng ai buồn xịt.
Không thể lơ là
Tính đến hiện tại, Việt Nam đã trải qua hơn 1 năm ứng phó và kiểm soát với dịch bệnh Covid-19 với nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, phong tỏa khu vực có ca nhiễm, xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng... Thế nhưng, trải qua khoảng thời gian dài hơn 70 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, việc người dân bắt đầu lơ là trở thành một nguy cơ rất lớn.
Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết ngày 25-4, qua công tác kiểm tra giám sát, Cục HKVN xét thấy trong thời gian qua công tác phòng chống dịch lây lan qua đường hàng không đã xuất hiện những biểu hiện lơ là, thiếu cảnh giác như: tình trạng nhiều hành khách sau khi làm thủ tục chuyến bay (check in) và vào khu vực hạn chế của nhà ga đã không đeo khẩu trang theo quy định; tình trạng người thân đưa đón hành khách tại các nhà ga không đeo khẩu trang theo quy định; tình trạng các nhân viên taxi, xe hợp đồng, xe đưa đón khách tụ tập quanh khu vực nhà ga chờ khách nhưng không đeo khẩu trang theo quy định.
Một sự kiện ca nhạc lớn diễn ra tại sân vận động Phú Thọ (Q11) thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia nhưng không tuân thủ quy định phòng chống dịch
Tại cuộc họp sáng 23-4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiện nay nguy cơ dịch rất cao vì tuần qua, khu vực châu Á đã tăng 34% số người nhiễm. Các nước lân cận với Việt Nam đều nằm trong tình trạng dịch bệnh căng thẳng nên phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh.
"Mặc dù cộng đồng chúng ta giữ tốt nhưng thời gian dài không có dịch trong cộng đồng sẽ tạo tâm lý lơi lỏng trong nhân dân. Chúng ta phải siết lại nếu không sẽ rất nguy hiểm. Kiểm soát biên giới chặt chẽ, vận động nhân dân toàn quốc thấy người nước ngoài nhập cảnh phải khai báo ngay. Người nhập cảnh trái phép cố tình không khai báo phải xử lý nghiêm", ông Đam nói.
Theo Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan, ngày 25-4 nước này đã ghi nhận 2.438 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên 55.460 ca, trong đó có 140 ca tử vong.
Trong khi đó, số người mắc Covid-19 mới ở Ấn Độ tăng 349.691 ca trong 24 giờ của ngày 25-4. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Ấn Độ xác lập kỷ lục mới về số bệnh nhân Covid-19 mới trong ngày. Các bệnh viện ở thủ đô New Delhi và khắp đất nước chật vật đối phó với làn sóng bệnh nhân mới vì thiếu máy thở và giường bệnh.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 25-4 kêu gọi người dân tiêm phòng đầy đủ và nâng cao cảnh giác, trong bối cảnh "cơn bão" Covid-19 làm rung chuyển đất nước Nam Á này.
Ông Đam đề nghị TPHCM phải siết chặt và xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, cũng như ngành y tế trong thời gian tới phải hoàn thiện quy trình tiêm vắc-xin an toàn và kịp thời, tiêm phòng đúng đối tượng.
Cũng tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị tăng cường độ bao phủ vắc-xin cho toàn dân. Chủ tịch UBNDTP cho biết sẽ xin phép Trung ương để TPHCM tự mua vắc-xin thông qua hình thức xã hội hóa. Hiện tại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã huy động được gần 150 tỷ đồng từ các cá nhân, đơn vị để sẵn sàng chung tay mua vắc-xin.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong còn thông tin về việc chỉ trong 1 tháng qua, thành phố đã phát hiện tới 108 người nhập cảnh trái phép, vì thế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh biên giới tăng cường chốt kiểm soát và cần có chế tài mạnh mẽ đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép. "Cần thiết phải truy tố người nhập cảnh trái phép để có tác dụng răn đe. Các nước xử phạt không đeo khẩu trang rất nặng huống chi việc này là không chấp hành pháp luật. Nhập cảnh trái phép gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cao trong cộng đồng nếu không kịp thời phát hiện. Việc này rất đáng tội, cần có biện pháp kiên quyết, không chỉ ở thành phố mà ở tất cả địa phương", ông Phong nói.