20 danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường ở TP.Thủ Đức

Chủ Nhật, 25/04/2021 22:40  | Lê Ngân

|

(CAO) Ngày 25-4, tại khu dân cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức-TPHCM tổ chức lễ đặt tên đường trên địa bàn TP.Thủ Đức. Đến dự có ông Nguyễn Thiện Nhân-nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ; ông Nguyễn Văn Hiếu-Bí thư Thành ủy Thủ Đức; bà Phan Thị Thắng- Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Tùng- Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết đây là hoạt động bày tỏ lòng kính trọng và ghi nhớ công lao của các danh nhân, nhân vật lịch sử tiêu biểu, đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, của dân tộc. Việc lấy tên các danh nhân, nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước và TP Thủ Đức đặt tên cho 20 tuyến đường huyết mạch và các khu dân cư mới trên địa bàn là niềm vinh dự lớn của TP Thủ Đức.

Đây cũng là tâm nguyện, là tấm lòng của người dân TPHCM nói chung, người dân TP Thủ Đức nói riêng, ghi nhận những đóng góp to lớn của các danh nhân, nhân vật lịch sử tiêu biểu.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ.

Với vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía đông TPHCM, TP Thủ Đức được quy hoạch là Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ hiện đại với không gian mở, đồng thời, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng gắn với quản lý quy hoạch đô thị là một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền TP Thủ Đức, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng đề nghị các ban ngành, đoàn thể, chính quyền thuộc TP Thủ Đức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cùng nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật về trật tự đô thị, an toàn giao thông; xây dựng mỹ quan đường phố, nếp sống văn minh đô thị; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng mỹ quan đô thị của TPHCM và TP Thủ Đức.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM phát biểu tại buổi lễ

Tại lễ đặt tên đường, thay mặt các gia đình, thân nhân các danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường trên địa bàn TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân- nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã quyết định lấy tên 20 danh nhân, nhân vật lịch sử đặt tên đường trên địa bàn TP Thủ Đức, trong đó có ông Nguyễn Thiện Thành là cha mình. Đây là vinh dự lớn đối với các gia đình cũng như sự tri ân đến những người có công trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời việc đặt tên đường trong thời điểm cả nước chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2021) càng có ý nghĩa lớn, giúp người dân TP Thủ Đức và TPHCM thêm tự hào về các danh nhân, nhân vật lịch sử.

Sau lễ khai mạc, lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo TP Thủ Đức cùng gia đình 20 danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường đã cùng thực hiện nghi thức gắn bảng tên đường trên địa bàn TP Thủ Đức.

Các đại biểu thực hiện nghi thức đặt tên đường Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông Sài Gòn (R3) dài gần 2,8 km.

20 danh nhân, nhân vật lịch sử được đặt tên đường trong đợt này tại TP Thủ Đức gồm: Nguyễn Thiện Thành; Bùi Thiện Ngộ; Trần Bạch Đằng; Tố Hữu; Trần Quý Kiên; Trần Văn Sắc; Nguyễn Đình Thái Ly; Hồ Thị Nhung; Trần Đức Thảo; Nguyễn Thị Thích; Nguyễn Thị Diệp; An Tư Công Chúa; Lưu Đình Lễ; Tinh Thiều; Bạch Đông Ôn; Phạm Văn Ngôn; Đặng Bỉnh Thành; Đặng Đình Tướng; Dương Lâm; Dương Thành. Việc đặt tên đường căn cứ Nghị quyết số 86/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND TPHCM về việc bổ sung Quỹ tên đường và đặt tên đường trên địa bàn TPHCM. Trong đó, tại khu vực trung tâm, tên đường mang tên Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông Sài Gòn (R3) dài gần 2,8 km.

Bên cạnh đó, đặt tên Tố Hữu (nhà thơ nổi tiếng đạt nhiều giải thưởng lớn và từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cho đường ven hồ trung tâm (R2) và một phần đường ven sông Sài Gòn (R3) dài hơn 3 km.

Đặt tên Trần Bạch Đằng (nhà báo, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà chính trị lão thành cách mạng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) cho đại lộ vòng cung (R1) dài hơn 3,3 km.

Các đại biểu thực hiện nghi thức đặt tên đường Trần Bạch Đằng.

Đặt tên Bùi Thiện Ngộ cho đường châu thổ (R4) dài hơn 2,5 km; Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ sinh tại Tân Định, Sài Gòn, từng là Bộ trưởng Bộ Công an. Tuyến đường mang tên nhà cách mạng Trần Qúi Kiên (Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ) bắt đầu từ điểm đầu giao với đường Mai Chí Thọ và điểm cuối giao với đường Nguyễn Thanh Sơn có chiều dài 1.745m, lộ giới 25-30m…

Bình luận (0)

Lên đầu trang