(CATP) Khi nông dân rục rịch thu hoạch nông sản đúng lúc dịch cúm Covid-19 bùng phát trở lại. Ngoài hành tím, khoai lang thì hiện nay nhiều nông sản đang rớt giá không phanh. Do đó, việc vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu hết sức khó khăn, sản phẩm của người nông dân một nắng hai sương đang đổ đống...
Trái cây rớt giá thê thảm
Vào thời điểm này đến vương quốc xoài ở An Giang, Đồng Tháp, chúng tôi ghi nhận lời than vắn thở dài của nông dân. Theo nhận định của nhà vườn, năm nay giá xoài rớt kỷ lục trong 3 năm qua. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang cho thấy, giá xoài hiện đang giảm mạnh chỉ còn 3.000 - 12.000 đồng một ký (tùy loại). Tìm đến vườn xoài của chị Lê Thị Thúy (ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang) gặp lúc đang thu hoạch. Vườn nhà chị trồng xoài Cát Chu và Đài Loan nhưng cả 2 đều giảm giá. Trong đó, xoài Đài Loan giá bán tại vườn chỉ từ 2.500 - 5.000 đồng một ký, Cát Chu từ 5.500 - 8.000 đồng, giảm một nửa so với năm ngoái. Còn giá nhân công, phân bón thì lại tăng vùn vụt. Tiền công lao động hái xoài từ sáng đến trưa là 300 ngàn đồng. Tiền vận chuyển xoài từ vườn ra xe tải hay ghe lại tốn chi phí từ 700 ngàn đồng. Ngoài ra, chi phí vật tư, phân bón tăng cao 10%.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: "Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp lần này, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Phụ nữ Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình, chuẩn hóa việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các phương tiện vận chuyển nông sản từ vùng dịch Covid-19 lưu thông qua các địa bàn đưa ra thị trường tiêu thụ không còn bị dồn ứ, ách tắc" (Trích phát biểu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang chiều 31-5, để bàn các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp).
Tương tự tại Đồng Tháp, giá xoài giảm không phanh. Cụ thể, xoài Đài Loan loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, loại 2 còn 2.500 đồng/kg và xoài dạt 1.000 đồng/kg. Riêng đặc sản xoài cát Hòa Lộc được bán xô với giá từ 15.000 đồng/kg. Một doanh nghiệp bao tiêu xoài cho biết, năm nay giá xoài xuống quá thấp nên chủ yếu xuất sang Campuchia loại xoài keo. Tại các chợ đầu mối, giá xoài cát Hòa Lộc trước đây là 50.000 - 60.000 đồng/kg nay giảm còn 15.000 - 30.000 đồng/kg tùy nơi bán. Với các giống xoài keo, xoài xanh, được bán đầy các xe hàng lưu động cũng như khu vực chợ với giá rẻ bèo.
Khoảng 5 năm trước, mít Thái được xem là cây đổi đời của nhà nông với giá từ 50 - 70 ngàn đồng/kg. Không ít địa phương đua theo trồng mít nên diện tích tăng vùn vụt. Tỉnh An Giang, Long An, mỗi tỉnh có gần 1.000 ha đất trồng mít. Tỉnh Tiền Giang có diện tích mít Thái là 6.031ha, Hậu Giang lên đến 6.600ha. Chỉ tính riêng TP.Ngã Bảy, Hậu Giang diện tích trồng mít gần 1.000ha. Thống kê chưa đầy đủ, diện tích người dân trồng mít trên địa bàn các tỉnh phía Nam gần 40.000ha. Vượt qua diện tích của nhiều loại cây ăn trái đã phát triển từ trước đó nhiều năm như: thanh long (hơn 25.300ha), chôm chôm (hơn 19.500ha), nhãn (30.200ha); thậm chí vượt cả diện tích của cây sầu riêng (hơn 36.100ha)... Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mít đạt hơn 25,8 triệu đôla Mỹ, tăng 36,3% so với năm trước đó, thì riêng trong quí đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đã đạt đến gần 52 triệu đô la Mỹ, tăng đến 66,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Nông dân Hậu Giang thu hoạch mít
Theo một số vựa mít ở đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân giá mít giảm nhiều ngày qua là do đang bị "dồn hàng", việc vận chuyển mít xuất khẩu còn chậm. Mít Thái ngoài thị trường còn rất nhiều nên các vựa mít cho hay, thị trường sẽ còn tiếp tục biến động, dự báo giá mít có thể tiếp tục giảm. Ngoài việc giảm giá, hiện nay việc tiêu thụ mít Thái rất chậm, một số vựa chỉ cung ứng cho xuất khẩu mỗi ngày 1 container, trong khi các mùa trước mỗi ngày xuất gần cả chục container.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đánh giá việc tiêu thụ nông sản ở thị trường quốc tế hiện nay vẫn còn một số khó khăn. "Dù có tiềm năng nhưng nông sản chưa kiểm soát được hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các thị trường, thí dụ như Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang gặp hạn chế về kỹ thuật ngoại thương, đàm phán, do đó cần các bộ ngành cùng chung tay để giải quyết. Ngoài ra, trong tổ chức xuất khẩu, đang gặp phải vấn đề về chi phí khi logicstic chiếm đến 15-20% tổng chi phí kinh doanh. Muốn thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh Covid hiện nay, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này". (Trích phát biểu tại "Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 14-5).
Khóm, ớt "mặn đắng"
Hiện nay, nhiều hộ trồng khóm ở Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang... cũng gặp khó khi giá rớt xuống mức có 5.000 đồng/trái (1 trái từ 1kg trở lên), trong khi khoảng 2 tuần trước giá khóm từ 10.000 - 12.000 đồng/trái. Giá ớt cũng giảm theo. Mỗi kg ớt bán tại vườn hiện còn 5.000 - 10.000 đồng, giảm khá mạnh so với mức 180.000 đồng hồi tháng 2 nhưng vẫn không có người mua.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ Đồng Tháp) cho biết: "Gia đình trồng khoảng 300 cây ớt. Trước đó, mỗi ngày hái được 6kg ớt bán cho thương lái thu được hơn triệu đồng. Giờ dịch ập đến, giá giảm xuống 9.000 đồng, tôi không bán nữa mà để hàng xóm hái ăn hoặc mang phơi. Theo thống kê, diện tích trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp, hiện có gần 2.000ha/năm, năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha. Trồng nhiều nhất là ở huyện Thanh Bình, Cao Lãnh và Hồng Ngự. Các loại ớt được trồng nhiều nhất là ớt Chỉ Thiên, Tên Lửa 106, ớt Chánh Phong, Hai Mũi Tên...
Giá ớt rớt không phanh, dân đem ra phơi
Theo chị Phạm Thị Cúc - một thương lái thu mua ở ở huyện Thanh Bình, thường ớt ở Thanh Bình chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc... Nhưng nay do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn đặt hàng bị tạm ngừng, nếu không có đơn hàng xuất khẩu thì giá ớt "lao dốc" bất cứ lúc nào. Huyện Thanh Bình được coi là "vựa ớt lớn nhất miền Tây". Các xã vùng cù lao và các xã vùng ven sông Tiền là những khu vực tập trung nhiều diện tích trồng ớt và đạt hiệu quả của huyện Thanh Bình, sản lượng ớt tươi hơn 22.500 tấn/năm.