9 giờ sáng là lên… máy tính!
Từ ngày 17/6, cả 4 ngân hàng (NH) Agribank, BIDV, Vietcombank,VietinBank đồng loạt bán vàng miếng SJC trực tuyến. Theo thông báo phát ra, khách sẽ đăng ký (ĐK) mua vàng trực tuyến trên website vào buổi sáng thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trừ ngày nghỉ, lễ. Thời gian thanh toán và nhận vàng tại điểm bán là từ 13 giờ 30 đến 16 giờ trong ngày ĐK mua. Ngân hàng chỉ giao dịch với khách đặt trước thành công và sẽ hủy thông tin ĐK mua nếu khách đến muộn 30 phút so với lịch hẹn nhận vàng.
Sau đó, ngày 20/6 SJC triển khai bán vàng online. Tuy nhiên, hiện tại việc ĐK mua vàng online và nhận vàng mới chỉ áp dụng tại trụ sở chính Công ty SJC tại 418-420 Nguyễn Thị Minh Khai (P5Q3, TPHCM).Trong khi đó, công ty này còn 2 chi nhánh trên đường Quang Trung và Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp) lúc trước còn bán vàng cho những ai xếp hàng, song đến nay chỉ còn giao dịch vàng trang sức.
Tính đến ngày 16/7/2024, giá vàng miếng SJC được giao dịch 74,98 triệu đồng/lượng (mua vào), 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra), mức giá này ổn định trong suốt tháng qua, trượt xa giá vào chiều 10/5, khi giá vàng đạt đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng. Sau đó, mỗi ngày có hàng trăm người từ 1 - 2 giờ sáng đã đến xếp hàng vòng trong, vòng ngoài tại trụ sở Công ty SJC cho tới các NH lớn, những tiệm vàng bên ngoài để mua bán vàng miếng lẫn vàng nhẫn. Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuộc, lập tức giá vàng SJC còn chênh lệch rất ít so với giá thế giới, thậm chí giá vàng nhẫn đến sáng 17/7 đã vượt 77 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng miếng SJC - vốn là điều chưa từng xảy ra!
Khách mua vàng tại tiệm Mi Hồng (quận Bình Thạnh)
Từ ngày Nhà nước quy định việc mua vàng SJC phải qua nhóm NH Big 4 (Agribank, BIDV, Vietcombank,VietinBank) và chỉ có Công ty SJC kinh doanh (KD), giá vàng đã trở lại giá thực của nó. Khách chỉ có thể mua bằng cách duy nhất là đặt lệnh trên web. Ba NH Agribank, Vietcombank, VietinBank và Công ty SJC công khai mở bán trực tuyến lúc 9 giờ sáng mỗi ngày, riêng BIDV mở bán sau đó nửa tiếng. Dù nhóm 4 NH lớn đã mở thêm một số chi nhánh tại các quận, huyện đủ điều kiện tại TPHCM, nhưng do nhu cầu quá lớn, mỗi người chỉ mua được 1 lượng/NH/tháng, nên số vàng SJC tung ra thị trường chỉ như "muối bỏ bể"!
Chẳng hạn, dù 9 giờ sáng mới mở bán trên mạng, nhưng cả trăm ngàn người dân đã có mặt trước màn hình máy tính từ 8 giờ 45, sử dụng đường truyền mạnh mở một lúc nhiều "cửa sổ" là trang chủ của các NH. Họ để sẵn căn cước công dân (CCCD), có số thứ tự, ngày cấp, nơi cấp... để điền thông tin cho nhanh. "Công cuộc" đặt vàng bắt đầu, chỉ sau đó 1-2 phút, các trang chủ của NH bị "bật" ra, người mua nhanh tay đặt vào NH khác, nhưng đều nhận được thông báo "Giờ giao dịch đã hết, quý khách quay lại vào... hôm sau". Trang chủ của Công ty SJC cũng thông báo tình trạng tương tự. 30 phút sau, còn lại là trang chủ của BIDV, họ đã "nhanh tay, lẹ mắt" nhưng màn hình chính cũng thông báo hết lượt. Tựu trung lại, đường truyền các NH này còn yếu, chậm, thậm chí tê liệt khi có nhiều người cùng truy cập để đặt mua vàng.
Rất nhiều người dân than phiền về việc mua vàng miếng quá khó khăn, mệt mỏi suốt từ đầu tháng 6/2024 đến nay. Rất mong NHNN và các cơ quan chức năng sớm có biện pháp đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng này của người dân. Sáng 18/7 vàng SJC bất ngờ vọt tăng thêm hơn 3 triệu đồng/lượng, đạt 80 triệu đồng/lượng. Mục tiêu bình ổn giá vàng vì thế càng khó khăn hơn!
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (45 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) chia sẻ: "Trước đây, các điểm bán vàng miếng "bình ổn" thường xuyên ghi nhận tình trạng xếp hàng dài chờ lấy số thứ tự mua vàng. Không ít khách hàng đã phải túc trực từ 2 - 3 giờ sáng để chờ lấy số song còn có chút hy vọng (dù thường xuyên xảy ra cãi vã, chen lấn, thậm chí có người ngất xỉu dưới nắng nóng), nhưng cách đặt mua vàng trên mạng hiện nay quá nhiêu khê và vô vọng"...
Đi theo "thần may mắn"
Suốt tháng qua, những ai đặt mua vàng trực tuyến buổi sáng, thấy NH báo qua email lịch hẹn lấy vàng vào buổi chiều thì được xem là "thần tài gõ cửa" khi đã nhanh tay hơn hàng chục ngàn người.
Sở dĩ xảy ra việc đặt trực tuyến mua vàng qua mạng liên tục quá tải như thời gian qua là do hiện tượng vàng "hai giá” trên thị trường. Khi xếp hàng trước đây, giới đầu tư sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để trả công cho người có CCCD. Hiện nay, muốn mua vàng trực tuyến, họ cũng thuê người lấy vàng "bình ổn"; thời điểm giá chỉ khoảng 77 triệu đồng/lượng khi sang tay ra thị trường, 1 lượng vàng SJC sẽ được thâu vào tầm 79,5 - 80 triệu đồng và họ bán lại trên thị trường tự do từ 81 - 82 triệu đồng/lượng. Dù biết pháp luật nghiêm cấm mua bán vàng tự do nhưng chạy theo lợi nhuận, trên mạng xã hội vẫn có người rao bán.
Chờ mua vàng tại NH Agribank trên đường Mạc Thị Bưởi, Q1 (ảnh chụp tháng 6/2024)
Hiện các tiệm vàng nhỏ chủ yếu bán vàng trang sức, không được cấp phép giao dịch vàng miếng hay vàng nhẫn trơn. Tại tiệm vàng được cấp phép Mi Hồng (quận Bình Thạnh), nguồn vàng miếng SJC cũng khan hiếm hơn tháng qua; vàng nhẫn chỉ được mua 2 chỉ/người/ngày thông qua CCCD, nhưng lúc có lúc không do tùy thuộc vào nguồn hàng. Giá mua vàng của tiệm này cũng theo quy định. Tuy nhiên, theo giới đầu cơ, với giá mua 75-76 triệu đồng/lượng thì người dân khó mà bán ra, ngoại trừ họ cần tiền gấp, vì giá này quá rẻ suốt cả năm qua. Với dân đầu cơ, bán ra giá này thì chỉ còn biết cắt lỗ.
Trong khi đó, nhiều NH thương mại cổ phần trước đây được cấp phép kinh doanh vàng như: HDbank, Eximbank... hầu như đều không có nguồn hàng bán ra và chẳng biết khi nào mới có. Ngay cả Công ty SJC trong 2 ngày 16 - 17/7 cũng không có vàng bán cho khách, dù mỗi người chỉ được mua 1 chỉ!
Rủi ro khi mua bán tại nơi không phép
Tại Hà Nội vừa có 2 tiệm vàng bị phạt hành chính vì mua bán không phép, cho dù chỉ 1 lượng vàng SJC. Riêng lượng vàng SJC bị phát hiện khi giao dịch, cơ quan chức năng đã tịch thu.
Căn cứ Điều 10 Nghị định (NĐ) 24/2012/NĐ-CP về hoạt động mua bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp (DN) được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng (GPKDMBVM). Do đó, người dân không được mua bán vàng miếng tại các tổ chức, DN không có GPKDMBVM do NHNN cấp. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 3 và Điều 24 NĐ 88/2019/NĐ-CP. Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo. Tổ chức mua bán vàng miếng với TCTD hoặc DN không có GPKDMBVM trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu - 40 triệu đồng. Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng.
Căn cứ quy định tại Điều 3 và Điều 24 NĐ24/2012/NĐ-CP và Điểm a Khoản 14 Điều 1 NĐ143/2021/NĐ-CP thì việc kinh doanh mua bán vàng miếng (KDMBVM) không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu - 100 triệu đồng vì không niêm yết công khai giá mua, bán vàng miếng tại địa điểm giao dịch theo quy định pháp luật. Phạt tiền từ 160 triệu - 200 triệu đồng đối với hành vi KDMBVM không đúng quy định pháp luật, trừ trường hợp KDMBVM nhưng có GPKDMBVM. Phạt tiền từ 280 triệu - 360 triệu đồng đối với hành vi thực hiện KDMBVM thông qua các đại lý ủy nhiệm. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng GPKDMBVM trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng...
Điều 11 NĐ 24/2012/NĐ-CP quy định điều kiện DN được NHNN cấp GPKDMBVM khi DN thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật, có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực KD mua bán vàng từ 2 năm trở lên, có số thuế đã nộp của hoạt động KD vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế), có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán vàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.