Bà Rịa – Vũng Tàu:

Vì sao thẩm phán khước từ đề nghị sao chụp tài liệu của bị đơn?

Thứ Bảy, 15/01/2022 11:48

|

(CAO) Căn cứ theo quy định pháp luật thì tài liệu, chứng cứ mà bị đơn đề nghị sao chụp không nằm trong trường hợp cấm, song thẩm phán không đồng ý với lý do hết sức… khó hiểu!

Cam kết một đằng, làm một nẻo?

Trong đơn phản ánh gửi Báo Công an TPHCM, chị Phạm Thị Thái, đại diện Công ty TNHH LTP Global Vina (gọi tắt là Cty GolbalVina, ở Khu công nghiệp (KCN) Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu), trình bày: Ngày 9-10-2018, Cty Global Vina và Cty TNHH TM-XD nhà thép Khang Thịnh ký hợp đồng (HĐ) thiết kế, thi công công trình xây dựng nhà máy sản xuất bao bì trên khu đất diện tích hơn 20 ngàn m2, do Global Vina làm chủ đầu tư với số tiền 69 tỷ đồng. Thời hạn hoàn thành vào giữa năm 2019.

Do nhiều nguyên nhân nên công trình không hoàn thành đúng tiến độ, hai bên không thể tiếp tục hợp tác. Đến nay, giữa Cty Khang Thịnh với chủ đầu tư vẫn chưa thống nhất được khối lượng đã thi công. Tuy nhiên, Cty Khang Thịnh cho rằng họ đã thực hiện được 70% giá trị HĐ nên yêu cầu phía Global Vina phải tất toán số tiền còn lại là 17 tỷ đồng (lấy số tròn). Chủ đầu tư đồng ý thanh toán với điều kiện Khang Thịnh phải cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng nhưng chưa được đáp ứng. Do đó khoản tiền này Khang Thịnh chỉ ước tính chứ chưa có xác nhận công nợ.

Công trình của Công ty Global Vina vẫn còn dang dở

Trước đó, vào cuối tháng 7-2019, Cty Khang Thịnh cho biết đang gặp khó khăn về vốn nên đề nghị đại diện Cty Global Vina xác nhận các hạng mục công trình họ đã hoàn thành giai đoạn 2, nhằm mục đích bổ sung hồ sơ vay ngân hàng. Tại bảng “Tổng hợp hạng mục hoàn thành giai đoạn 2”, Khang Thịnh liệt kê đã thực hiện 70,2% khối lượng, tương đương với số tiền hơn 43 tỷ đồng. Trao đổi qua mail vào ngày 18-1-2020, Cty Khang Thịnh cam kết “Khang Thịnh xác nhận việc đối chiếu này nhằm mục đích bổ sung hồ sơ vay ngân hàng, không sử dụng cho việc khác. Về công nợ, hai bên sẽ làm việc lại”.

Tưởng thật, Cty Global Vina không ngần ngại hỗ trợ. Sau đó (tháng 4-2020), Cty Khang Thịnh dùng xác nhận này làm tài liệu khởi kiện đòi số tiền trên (trừ 26 tỷ đồng đã nhận trước đó, còn 17 tỷ đồng). Vụ việc được TAND huyện Châu Đức phân công cho thẩm phán Lê Thị Thanh Nga thụ lý.

Chị Phạm Thị Thái, đại diện bị đơn trình bày sự việc

Nghi vấn cần giải tỏa

Cũng như phía bị đơn, chúng tôi không khẳng định chuyện nợ nần giữa đôi bên ai đúng, ai sai. Vấn đề cần đề cập là Thẩm phán Lê Thị Thanh Nga ban hành 2 quyết định (QĐ) “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” (BPKCTT, hay còn gọi là QĐ phong tỏa tài sản) đối Cty Global Vina vào các ngày 7-10-2020 và 30-11-2021 có đúng luật hay không?

Lần đầu, tòa phong tỏa quyền sử dụng hơn 20 ngàn m2 đất (trên đất có nhà máy đang xây dựng) của Cty tại xã Suối Nghệ, H.Châu Đức; sau đó là cấm Cty xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình. Sau hơn nửa năm, tòa mới hủy bỏ QĐ phong tỏa lần đầu.

Theo quy định, trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT thì thẩm phán buộc người yêu cầu phải gửi một khoản tiền, kim khí hoặc giấy tờ có giá trị do thẩm phán ấn định, nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. Đây có thể hiểu là “biện pháp đảm bảo” nhằm dùng vào việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp áp dụng BPKCTT trái pháp luật.

Vì tài sản bị phong tỏa có giá trị khoảng 60 tỷ đồng (trong đó, tiền thuê đất đã đóng 34 tỷ đồng và 26 tỷ đồng tiền xây dựng công trình đã tạm ứng cho nhà thầu), chưa kể những khoản thiệt hại phát sinh trong lúc bị “trói tay”, gấp nhiều lần so với số nợ 17 tỷ đồng (nếu có). Mặt khác, nghi ngờ nguyên đơn không thực hiện “biện pháp đảm bảo” hoặc có thực hiện nhưng không tương ứng theo quy định nên chị Thái đã nhiều lần đề nghị sao chụp các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, thẩm phán Nga chỉ cho sao chụp các tài liệu khác. Riêng các chứng từ liên quan “biện pháp đảm bảo” thì không đồng ý.

Tại khoản 8, Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, như sau: “Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2, Điều 109 của Bộ luật này”.

Khoản 2, Điều 109, quy định “Tòa án không công khai nội dung tài liệu, chứng cứ liên quan đến bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai”.

Căn cứ những điều, khoản trên thì tài liệu chị Thái đề nghị sao chụp không nằm trong trường hợp cấm. Song thẩm phán khước từ vì cho rằng “Quyết định buộc thực hiện biện pháp đảm bảo của tòa án không phải tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình và cũng không phải tài liệu, chứng cứ do tòa án thu thập”. Lập luận của vị thẩm phán hết sức khó hiểu (?!).

Bức xúc trước cách trả lời của thẩm phán Nga, bị đơn khiếu nại lên Chánh án TAND huyện Châu Đức, yêu cầu thay đổi “người cầm cân nảy mực” để đảm bảo việc xét xử được khách quan. Song lãnh đạo tòa cho rằng yêu cầu của bị đơn không có cơ sở để giải quyết. Nếu không đồng ý, Cty Global Vina có quyền khiếu nại QĐ giải quyết khiếu nại này lên Chánh án TAND tỉnh.

Không đồng tình với cách trả lời của tòa huyện, chị Thái buộc phải tiếp tục đội đơn đi… “gõ cửa quan” cấp cao hơn.

Được biết, Cty Global Vina là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Vì vậy, để chứng minh cho sự vô tư của cấp dưới và cũng để phía bị đơn 'tâm phục khẩu phục", chúng tôi đề nghị lãnh đạo TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm làm rõ để có câu trả lời thỏa đáng, để giữ gìn sự rõ ràng, minh bạch của pháp luật, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.​

Bình luận (0)

Lên đầu trang