(CAO) Cầu xây chỉ cao hơn mặt nước khoảng 1,2m nên ghe xuồng không thể lưu thông, vận chuyển lúa thu hoạch, hàng hóa, máy móc, chở vật liệu xây dựng. Người dân khóc ròng vì đành phải trả lại tiền cọc cho thương lái, chịu thiệt thòi.
Nhiều ngày nay, hàng chục hộ dân ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang vô cùng bức xúc trước việc chính quyền địa phương xây cầu qua kênh rộng 39m nhưng chỉ cao 1,2m.
Mới đây, nhiều hộ dân sinh sống và kinh doanh dọc kênh Tân Hiệp kéo đến UBND thị trấn Một Ngàn để yêu cầu UBND huyện, thị trấn và các đơn vị liên quan dừng ngay việc thi công cầu. Trước ngày đối thoại, họ còn cử người "trực chiến" nhiều đêm liền vì sợ đơn vị thi công cho người gác nhịp giữa cầu.
Người dân bức xúc trình bày với phóng viên về việc cầu Tân Hiệp xây quá thấp
Anh Lê Đăng Khoa (ngụ ấp Tân Lợi, TT.Một Ngàn), kinh doanh cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết: “Trước khi tổ chức khởi công, địa phương chỉ mời những người được hưởng lợi bên chợ họp chứ những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp không được họp; trong khi đó, ở 4 ấp này hàng trăm hộ chứ đâu ít”.
Mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền vì biết cầu xây quá thấp, bà Trần Thị Lựa (ngụ ấp Xáng Mới C, TT.Rạch Gòi) nói: “Gia đình có 3 cái máy gặt đập liên hợp nên việc xây cầu trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Sắp tới cầu xong mà thấp như vậy sao nghe thuyền chui qua được. Từ Tết đến giờ trẹt (một loại phương tiện như ghe -PV) chẳng vô kênh thu hoạch lúa được dẫn đến không có tiền trả lãi ngân hàng”.
Dù cầu Tân Hiệp chưa hoàn thành nhưng những người dân sống dọc theo kênh đã rơi vào cảnh “dở khóc dở mếu”. Ông Võ Văn Đàng (ngụ ấp Xáng Mới) có 15 công ruộng cho biết: “Trước đó ruộng lúa đã được thương lái đặt cọc mua và mới đây họ đem máy, ghe vô thu hoạch. Tuy nhiên, sau khi vô gặp cầu đang làm và sà lan thi công chắn ngang khiến máy móc không vô được gia đình đành phải trả lại cọc. Sắp tới ruộng lúa của tôi và nhiều hộ dân khác không biết phải làm sao?”.
Sông rộng 39m, là tuyến
giao thông thủy quan trọng ở địa phương, nhưng xây cầu chỉ cao hơn mặt nước khoảng 1,2m
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Quốc Sử, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết: “Đối với cầu Tân Hiệp, địa phương chỉ là đơn vị thụ hưởng, còn chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông của tỉnh. Cầu bắc qua kênh để nối liền khu hành chính huyện với trung tâm thương mại Một Ngàn. Khi công trình hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn và mỹ quan cho thị trấn. Việc xây cầu là cấp thiết bởi đường đã làm xong cách nay hơn 10 năm”.
Theo lời ông Sử, việc dân phản ứng là mới phát sinh mấy ngày nay. Giải pháp trước mắt là tiến hành nạo vét kênh Ba Bọng - Thầy Ký (theo kế hoạch phục vụ thủy lợi của UBND huyện) để tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông. Kinh phí nạo vét khoảng 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Chung và nhiều hộ dân cho rằng, giải pháp trên là không khả thi bởi con kênh Ba Bọng cao chỉ khoảng 1,4m, rộng 6m. Do vậy dù có nạo vét cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu cho việc sản xuất chứ để các phương tiện vào thu mua lúa, vận chuyển máy móc, chở vật liệu xây dựng… là điều không thể.
Con kênh Ba Bọng nhỏ, thấp nhưng được địa phương bỏ ra 400 triệu nạo vét để phục vụ lưu thông và thủy lợi.
Để làm rõ những bức xúc của người dân, phóng viên có buổi trao đổi với ông Nguyễn Trung Hậu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang. Ông Hậu cho biết, cầu Tân Hiệp nằm trong dự án trục đường trung tâm thị trấn Một Ngàn (giai đoạn 2) được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2016. Mục đích dự án để hoàn thành tuyến đường trục trung tâm thị trấn Một Ngàn. Cầu có kết cấu 3 nhịp, dài 39m, cao 1,2m với tổng mức đầu tư là 28 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Đến thời điểm này công trình đã hoàn thành 50% theo kế hoạch.
“Vị trí cầu nằm trên trục đường 37, giao cắt với đường nội ô Tầm Vu và 3-2. Việc thi công cầu dựa trên thỏa thuận, quy mô, thiết kế cũ của địa phương. Việc giao cắt bằng nhau nên tĩnh không phải thấp. Do vậy địa phương phải có hướng phân luồng đường thủy thông qua nội ô để đi đường khác. Sau khi dân phản ánh thì đơn vị cho dừng thi công 10 ngày…”, ông Hậu cho hay.