(CAO) Sau khi tái chế rác thải để “ó keo” lấy hạt nhựa xong, cả ngàn tấn rác không còn khả năng tái chế được đổ xuống hai bãi đất trống gần khu nhà xưởng tạo thành những bãi rác lộ thiên khổng lồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Phản ánh đến Báo Công an TPHCM, người dân tại ấp 6A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh bức xúc trước việc cơ sở tái chế rác thải nằm ở khu vực gần cầu Bà Tri gây ô nhiễm nghiêm trọng suốt gần 7 năm qua.
Theo chân chị Hương, một người dân ở xã Vĩnh Lộc B, chúng tôi đến cầu Bà Tri rồi men theo đường Trần Hải Phụng chạy bên con kênh Liên Vùng để đi vào khu vực đặt xưởng tái chế rác thải.
Hàng ngàn tấn rác thải được cơ sở tái chế đổ thẳng ra môi trường gây ô nhiễm
Dù chưa đến nơi nhưng chỉ tay về cột khói đen đang bốc lên nghi ngút từ xa, chị Hương cho biết đó chính khói bốc lên từ cơ sở tái chế rác do các công nhân đang đốt gây nên. Từ con kênh Liên Vùng rẽ vào một con đường đất khoảng hơn 500m, cơ sở tái chế rác hiện ra với quy mô rất lớn.
Chị Hương cho biết cơ sở tái chế rác thải này hoạt động từ khoảng năm 2015. Cũng bắt đầu từ đó cuộc sống của người dân xung quanh đây bị đảo lộn vì bị tra tấn bởi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đó, mỗi ngày có hàng chục tấn rác thải dân sinh được thu gom từ các nơi chở đến đây chất cao như núi để tái chế thu hạt nhựa.
Clip cơ sở tái chế rác thải gây ô nhiễm môi trường:
Rác thải sinh hoạt trộn lẫn nhiều bao bịch ni lông sau đó được các công nhân cho vào dây chuyền phân loại, rửa sạch rồi cho vào máy “ó keo” để thu hồi hạt nhựa. Phần rác thải còn lại không thể tái chế được cơ sở này đổ thẳng xuống khu đất phía sau xưởng. Lâu ngày, lượng rác thải không còn khả năng tái chế ngày tạo thành một “bãi rác” lộ thiên khổng lồ rộng cả nghìn mét vuông.
Đáng chú ý, trước đó cơ sở này tập kết rác thải đổ vào một bãi khác phía trong xưởng này cũng rộng lên đến cả ngàn mét vuông. Sau khi bãi phía trong chứa đầy rác thải không thể đổ thêm thì cơ sở này mới chuyển sang đổ ở bãi phía ngoài.
Rác thải sinh hoạt được công nhân đưa vào phân loại để tái chế hạt nhựa
Theo nhiều hộ dân sống gần cơ sở tái chế rác này cho biết đã nhiều lần phản ánh nhưng suốt nhiều năm qua cơ sở tái chế rác này vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức dư luận. Còn người dân phải sống chung với mùi hôi thối và khét lẹt bốc lên nồng nặc mỗi khi có gió thổi qua.
Lo sợ hơn, cơ sở này bơm một lượng lớn nước mặt để dùng tẩy rửa rác nhưng không có hệ thống xử lý nước thải. Dòng nước đen ngòm, hôi thối từ khu xử lý tái chế rác được xả ra môi trường phía sau khu nhà xưởng để tự thấm xuống đất gây ô nhiễm trầm trọng.
Rác thải chưa kịp tái chế chất cao gây ô nhiễm môi trường
“Chúng tôi lo lắng những chất thải độc hại sẽ thẩm thấu qua đất xuống mạch nước ngầm. Lúc đó, những tác hại không chỉ ảnh hưởng đến đời mình mà đến tận đời con, đời cháu cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả lâu dài”- một người dân lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xã Bình Lộc B, huyện Bình Chánh cho biết, cơ sở tái chế rác thải trên là của bà Đào Thị Liên (SN 1977, quê TP. Hà Nội). Bà Liên thuê đất của một người dân để lập cơ sở tái chế hạt nhựa và được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động từ năm 2015.
Nước thải đen ngòm được xả thẳng ra môi trường để tự thấm xuống đất
Thời gian qua chính quyền địa phương đã nhiều lần tiến hành kiểm tra phát hiện hàng loạt sai phạm tại cơ sở trên như hoạt động sản xuất tái chế phế liệu có phát sinh nước thải và khí thải, cơ sở thải trực tiếp ra môi trường và không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải… gây ô nhiễm môi trường.
UBND xã Vĩnh Lộc B và huyện Bình Chánh đã lập biên bản và ra nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, yêu cầu cơ sở tái chế trên có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nhưng nơi này vẫn không thực hiện.
Gần đây nhất vào đầu năm 2022, xã Vĩnh Lộc B phối hợp cùng Phòng TN&MT huyện Bình Chánh đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với cơ sở trên.
Người dân đang mong chờ cơ quan chức năng xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm trên để trả lại môi trường trong sạch
Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này đã đổ gần 1.812 tấn rác thải ra hai khu đất xung quanh nhà xưởng. Có nơi, rác thải đổ sâu đến 2 mét, rộng lên tới cả ngàn mét vuông. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng khác về môi trường.
Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để kiên quyết xử lý dứt điểm các sai phạm của cơ sở gây ô nhiễm môi trường này.