Diễn biến vụ Chánh án khiếu nại “giùm” ở TX.Phước Long, tỉnh Bình Phước:

Bản án phúc thẩm khiến ông chánh án phải “tâm phục khẩu phục”?

Thứ Hai, 25/04/2022 15:48

|

(CATP) Bản án phúc thẩm số 15/2022/DS-PT ngày 24-3-2022 của TAND tỉnh Bình Phước công nhận con đường (ngang 6m, dài 200m) là lối đi chung; buộc bị đơn tháo dỡ, di dời cổng sắt và hàng rào, trả lại hiện trạng. Phán quyết này không chỉ đảo ngược toàn bộ bản án sơ thẩm “3 không” mà còn chứng minh khiếu nại “giùm” của Chánh án TAND TX.Phước Long là không có căn cứ...

KHI CHỨNG CỨ XÁC THỰC ĐƯỢC TÔN TRỌNG

Ngày 24-3-2022, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa phúc thẩm theo kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Thái Cường (ngụ KP.2, P. Long Phước, TX.Phước Long, tỉnh Bình Phước) và kháng nghị số 08/QĐKNPT-VKS-DS ngày 3-6-2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bình Phước.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm: Những vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm đã được khắc phục; tòa phúc thẩm đã thu thập thêm tài liệu chứng cứ, nên không cần thiết phải hủy (như kháng nghị số 08), mà chỉ cần sửa Bản án sơ thẩm số 16/2021/DS-ST (Bản án số 16) ngày 5-5-2021 của TAND TX Phước Long, theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Xem xét toàn diện hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm gồm 3 thẩm phán Nguyễn Văn Thư (chủ tọa), Lê Hồng Hạnh và Bùi Thanh Thảo, nhận định: Vợ chồng ông Lê Tiến Phương và bà Nguyễn Thị Mỹ Tình có 2 thửa đất liền nhau tọa lạc KP2, P. Long Phước, gồm thửa số 47 có diện tích 2.610,3m2 và thửa 86 với 3.706,7m2. Năm 2014, ông Cường mua thửa đất số 47 của bà Tình. Khi bán, bà Tình đã thỏa thuận, chừa khoảng 1.200m2 đất (ngang 6m, dài 200m) thuộc thửa đất 86 để hai bên sử dụng làm lối đi chung.

Năm 2015, ông Phương, bà Tình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hiền lập hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) thửa đất 86 cho vợ chồng ông Nguyễn Đông Kinh và bà Dương Thị Ngọc Dung (cùng ngụ KP2, P. Long Phước). Trước khi bà Hiền lập HĐCN, vợ chồng bà Tình đã trao đổi, thỏa thuận với bên mua về việc trừ phần diện tích đất đo thực tế 1.295,1m2 để làm lối đi chung giữa ông Kinh - bà Dung với ông Cường. Việc thỏa thuận này đã được các bên lập thành hai văn bản gồm “bản cam kết” và “giấy cam kết” đề ngày 3-2-2015.

Về thực trạng: Con đường được các bên xác định do vợ chồng bà Tình mở trước khi chuyển nhượng 2 thửa đất. Chính bà Tình, ông Phương cùng người làm chứng gồm ông Dương Quốc Sinh, bà Nguyễn Thị Hiền, ông Nguyễn Thanh Bình, đều thừa nhận việc này. Mục đích mở con đường để vợ chồng bà Tình phân lô bán nền phần đất nằm sâu phía trong. Ông Cường sử dụng con đường cho công nhân ra vào khu nhà trọ phía sau xưởng hạt điều của ông cũng như để xe tải vận chuyển củi vào xưởng phục vụ sản xuất và vận chuyển vỏ điều từ xưởng ra ngoài. Khi ông Kinh - bà Dung xây rào, lắp cổng sắt đóng cửa con đường thì công nhân của ông Cường không có đường đi; xe tải cũng không thể ra vào.

Tại thời điểm ông bà Kinh - Dung xây rào, lắp cổng sắt thì ông Cường không còn con đường nào khác để đi vào dãy nhà trọ của công nhân. Vì vậy, nguyên đơn buộc phải phá bỏ dãy nhà trọ để xây khu nhà trọ nơi khác. Tại đơn trình bày ý kiến, ông Phương và bà Tình thừa nhận, giá tiền chuyển nhượng thửa đất 86 sau khi đã trừ ra phần diện tích đất của con đường là 600 triệu đồng. Nếu không trừ thì ông bà không bao giờ bán đất với giá đó. Lời trình bày này phù hợp với giá đất mà đại diện UBND P. Long Phước xác nhận với TAND tỉnh Bình Phước ngày 25-11-2021.

HĐXX phúc thẩm kết luận: Qua tài liệu chứng cứ và lời khai, đủ cơ sở khẳng định ông Phương và bà Tình đã để lại phần đất thuộc thửa 86 làm đường đi chung. Việc ông Kinh - bà Dung tự ý xây dựng tường rào và cổng sắt không cho ông Cường sử dụng con đường này là vi phạm cam kết giữa các bên đương sự.

Từ nhận định trên, HĐXX quyết định: Sửa toàn bộ Bản án số 16 của TAND TX. Phước Long; công nhận phần diện tích 1.295,1m2 đất thuộc thửa 86 (thửa mới số 427) là lối đi chung. Ông Kinh - bà Dung phải tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản trên đất, trả lại hiện trạng ban đầu để làm lối đi chung giữa các bên. Các đương sự có trách nhiệm liên hệ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký biến động đất và điều chỉnh cho phù hợp với diện tích đất thực tế sử dụng.

Đường đi chung bị hàn khóa kín bằng cửa sắt kiên cố từ nhiều năm qua

THẨM PHÁN LÀM “CÒ”, LẼ NÀO CHÁNH ÁN “CHO QUA” (?!)

Nhận được Bản án phúc thẩm, ông Cường gửi ngay cho Báo CATP và bày tỏ phấn khởi: “Nỗi oan đã được giải! Con đường sẽ được khai thông để công nhân có lối đi lại, thoát hiểm an toàn; xe tải thuận lợi lưu thông, ra vào nhà xưởng. Tôi hy vọng vợ chồng anh Hướng (ông Nguyễn Đông Kinh) và chị Ngọc (bà Dương Thị Ngọc Dung) chấp hành nghiêm bản án phúc thẩm, nhanh chóng trả lại con đường đi chung trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Doanh nghiệp của tôi đã chịu nhiều thiệt hại, nếu kéo dài càng thêm nghiêm trọng. Tôi đang xem xét khởi kiện yêu cầu bồi thường…”.

Dù đã thắng kiện nhưng ông Cường vẫn chưa hết bức xúc: Vụ tranh chấp con đường đi chung không có gì phức tạp nhưng ông phải chịu oan ức, còn công nhân và doanh nghiệp của ông phải khốn khổ suốt một thời gian dài. Tất cả đều có “dấu ấn” của thẩm phán TAND TX. Phước Long Nguyễn Thị Minh Nghĩa, người được phân công giải quyết vụ án cấp sơ thẩm.

Tính từ ngày TAND TX. Phước Long thụ lý 11-6-2019, đến khi xét xử và tuyên Bản án số 16 ngày 5-5-2021, kéo dài gần 2 năm. Do vụ án bị “ngâm”, không đưa ra xét xử, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, ngày 2-3-2021, ông có đơn yêu cầu TAND TX. Phước Long áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm bị đơn không được cản trở, gây khó khăn đối với nguyên đơn trong việc sử dụng con đường làm lối đi chung như đã cam kết trước đây.

Bằng chứng bày ra trước mắt, nhưng thẩm phán Nghĩa lại bác đơn vì cho rằng “không có hành vi gây khó khăn, cản trở của bị đơn” (?!). Sau đó, tòa mở phiên xử sơ thẩm với HĐXX do thẩm phán Nghĩa làm chủ tọa, tuyên Bản án số 16, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong khi hàng loạt chứng cứ xác thực, thẩm phán Nghĩa và HĐXX sơ thẩm đều “hô biến” thành “3 không” (không có căn cứ, không có cơ sở, không có giá trị pháp lý).

Ông Cường lên tiếng: “Nếu tôi chấp nhận mua thửa đất 86 với giá từ 12 đến 13 tỷ đồng do thẩm phán Nghĩa làm “cò” thì mọi chuyện sẽ khác. Sau khi nộp đơn yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngày 5-3-2021, thẩm phán Nghĩa gọi điện cho tôi, trao đổi “thân tình”, hứa sẽ vận động bị đơn tháo dỡ cổng sắt. Rồi bà Nghĩa tiết lộ phía bị đơn đòi bán khu đất giá 15 tỷ đồng, chính nữ thẩm phán kêu bớt xuống còn 12 đến 13 tỷ (!) Bà Nghĩa gợi ý tôi nên mua khu đất để “liền canh liền cư”. Khi tôi tỏ ý muốn mua nhưng không thể đưa cái giá “trên trời”, thẩm phán Nghĩa liền hỏi “khoảng bao nhiêu thì mua được?”. Tôi cho biết giá trị thực của khu đất tối đa là 8,5 tỷ đồng. Có lẽ, làm môi giới, gạ bán thửa đất giá cao ngất ngưởng bất thành nên thẩm phán Nghĩa đã xử tôi thua kiện (?!)”.

Như Báo CATP đã phản ánh, Bản án số 16 lộ ra nhiều “lỗ hổng” nên bị Viện KSND tỉnh Bình Phước “tuýt còi”. Trong kháng nghị số 08 ngày 3-6-2021, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước kết luận: “Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, toà thu thập chứng cứ và chứng minh chứng cứ không đầy đủ; đánh giá chứng cứ phiến diện, thiếu khách quan dẫn đến quyết định bản án không đúng…”.

Bản án phúc thẩm đã chấp nhân kháng cáo, kháng nghị, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng “dấu ấn” của thẩm phán Nghĩa rất khó “sửa”. Do đó, ông Cường tiếp tục có đơn gửi các cơ quan thẩm quyền, đề nghị khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm mang tính cố ý của thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nghĩa cũng như trách nhiệm của Chánh án TAND TX. Phước Long Hoàng Ngọc Bân.

Chánh án Hoàng Ngọc Bân được dư luận chú ý qua đơn rất “độc, lạ”, khiếu nại “giùm” thẩm phán Nghĩa, có ý xúc phạm Báo CATP. Với Bản án phúc thẩm đã tuyên, dư luận đang chờ ông Bân chỉ đạo xử lý rốt ráo vụ việc lùm xùm, thể hiện bản lĩnh của một vị chánh án…

Bình luận (0)

Lên đầu trang