(CATP) Mua lại phần đất hợp pháp của người khác, bà Bùi Thị Nguyệt (SN 1960, ngụ TPHCM) cũng không ngờ có ngày bản thân lại bị đẩy vào vòng xoáy “giấy tờ kiện thưa” chưa có lối thoát. Hơn 20 năm chạy tới chạy lui, việc này tưởng chừng như đã được giải quyết xong thì việc khác lại ập đến….
NGANG NHIÊN XÂY NHÀ TRÊN ĐẤT NGƯỜI KHÁC
Trong đơn khiếu nại, bà Bùi Thị Nguyệt cho biết, nguồn gốc thửa đất số 542 (tờ bản đồ số 102) do gia đình ông Phạm Văn Giàu khai hoang trước năm 1975 làm chủ sở hữu. Trong phần đất này có một cái ao, một bờ đê giáp ranh đất canh tác của ông Nguyễn Văn Định. Năm 2000, ông Giàu đã bán phần đất có diện tích 6x19m trên cho bà. Nhưng khi bà Nguyệt tiến hành san lấp thì bất ngờ bị bà Bùi Thiên Kiều ra ngăn chặn vì cho rằng phần đất này là của bà Phạm Thị Kim Loan - vợ ông Định đã bán cho bà Kiều.
Ngay khi biết được sự việc, ông Giàu đã làm đơn khiến nại. Vụ việc đã được UBND huyện Bình Chánh giải quyết. Vào thời điểm này, bà Loan cũng đã làm đơn xác nhận không bán phần đất thửa 542 cho bà Kiều. Vì thế, UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định số 824/QĐUB ngày 27-1-2001 công nhận phần đất thuộc thửa 542 thuộc quyền sở hữu của ông Giàu.
Tuy nhiên, không hiểu sao sau đó, UBND huyện Bình Chánh lại ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên với lý do để điều chỉnh lại diện tích. Để rồi gần 2 năm sau, đơn vị này lại ra quyết định thu hồi phần đất này để giao cho UBND xã Bình Hưng quản lý vì phần đất trên là đất bỏ hoang. Quá ấm ức, ông Giàu đã làm đơn ủy quyền cho bà Nguyệt khiếu nại về quyết định này của UBND huyện Bình Chánh.
Thêm nhiều năm chạy vạy ngược xuôi với đủ loại giấy tờ, đến năm 2005, bà Nguyệt phần nào thở phào nhẹ nhõm. Với những chứng cứ pháp lý rõ ràng, UBND TPHCM đã ra quyết định số 5128/QĐ-UBND ngày 4-10-2005 có nội dung; công nhận quyền sử dụng đất cho ông Phạm Văn Giàu đối với phần đất thuộc một phần thửa số 542 (không xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và sẽ xem xét đền bù hỗ trợ cho ông Giàu theo chính sách khi thực hiện dự án (phần đất nằm trong dự án xây dựng khu dân cư Thăng Long).
Phần đất của bà Nguyệt bị bà Kiều
lấn chiếm để xây nhà
Tưởng đã yên chuyện, nào ngờ bà Nguyệt lại đối mặt với hàng loạt rắc rối phát sinh. Năm 2012, bà Kiều bất ngờ chiếm dụng phần diện tích 6m x10m trên phần đất của bà Nguyệt để xây cất nhà. Bà Nguyệt đã tức tốc làm đơn yêu cầu UBND xã Bình Hưng giải quyết. Những người dân xung quanh biết chuyện đều tỏ ra bức xúc trước sự lấn chiếm vô cớ của bà Kiều. Tuy nhiên, không hiểu sao, vụ việc vẫn không được xử lý rốt ráo.
Bản thân bà Nguyệt sức khỏe cũng yếu dần nhưng một lần nữa lại chạy ngược, chạy xuôi nhờ can thiệp. Gởi đơn lên huyện thì huyện lại chuyển đơn về xã yêu cầu giải quyết và trả lời khiếu nại của công dân nhưng sau nhiều lần mời hai bên lên hòa giải bất thành, UBND xã cũng không có động thái gì khác.
Điều đáng nói, trong khi vụ lấn chiếm đất để xây nhà trái phép của bà Kiều chưa được xử lý, kéo dài nhiều năm ròng khiến bà Nguyệt chất chồng mỏi mệt, thì cuối tháng 10-2020, bà Kiều lại ngang nhiên tiếp tục xây dựng trên phần đất còn lại của bà Nguyệt (6mx9m). Không còn cách nào khác, bà Nguyệt làm đơn kêu cứu gởi cơ quan chức năng địa phương nhưng tiếp tục rơi vào vô vọng.
BAO CHE HAY BẤT LỰC?
Bà Nguyệt buồn bã: “Việc bà Kiều lấn chiếm phần đất của tôi và xây dựng nhà ở trái phép ai cũng nhìn thấy, thậm chí có biên bản vi phạm xây dựng lấn chiếm; tôi cũng đã liên tục làm đơn gởi UBND xã Bình Hưng nhờ yêu cầu cưỡng chế tháo dỡ trả lại phần đất cho tôi; nhưng 10 năm rồi vẫn chưa được giải quyết. Đã thế, bà Kiều lại còn mở rộng phạm vi lấn chiếm như một sự thách thức”.
Trước những bức xúc của bà Nguyệt, chúng tôi đã mong muốn được gặp trực tiếp lãnh đạo UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh để có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, UBND xã Bình Hưng đã yêu cầu làm việc bằng công văn. Cuối cùng, UBND xã đã có công văn phúc đáp Báo CATP do bà Nguyễn Thị Hương Thảo - Chủ tịch xã ký.
Bà Nguyệt tại Tòa soạn Báo CATP
Dựa vào hồ sơ do bà Nguyệt cung cấp, chúng tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh vụ khiếu nại kéo dài này, nhưng UBND xã Bình Hưng chỉ trả lời chung chung; đại ý: đã tổ chức hòa giải nhưng bất thành; đồng thời cho rằng: nội dung đơn của bà Nguyệt không phải là khiếu nại mà là vụ việc tranh chấp đất đai giữa bà Nguyệt và bà Kiều nên UBND xã chỉ thực hiện giải quyết đơn của bà Nguyệt bằng cách hướng dẫn bà liên hệ TAND huyện Bình Chánh để được giải quyết.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND xã Bình Hưng còn cho biết, đối với nội dung bà Nguyệt phản ánh công trình xây dựng trên phần đất của bà, UBND xã đang thực hiện xác minh và củng cố xử lý theo luật định. Văn bản trả lời của UBND xã Bình Hưng không thuyết phục. Bởi, lẽ nào UBND xã Bình Hưng không nắm rõ, vụ khiếu nại này đã kéo dài đến gần 10 năm rồi hay sao?
Hơn nữa, quyết định của UBND TP đã công nhận phần đất hợp pháp của ông Giàu, có nghĩa đây cũng là phần đất hợp pháp của bà Nguyệt (cho dù hiện không được xây dựng, không được cấp giấy tờ vì vướng quy hoạch) thì việc bà Nguyệt khiếu nại có người lạ xây cất nhà trái phép trên phần đất của bà là hoàn toàn có cơ sở, vì sao chính quyền sở tại lại cố tình làm ngơ?
Chúng tôi cũng không thể không đặt câu hỏi vì sao một căn nhà được xây dựng trái phép trên phần đất của người khác lại tồn tại kéo dài đến gần chục năm trời mà đến giờ UBND xã vẫn còn đang xem xét để giải quyết? Đó là chưa kể, phần đất đang nằm trong quy hoạch nhưng bà Kiều vẫn “qua mặt” chính quyền địa phương để xây dựng thành nhà để ở?
Có một điểm bất thường nữa là, bà Nguyệt đang khiếu nại việc bà Kiều xây cất trái phép trên phần đất được bà mua lại hợp pháp; đồng thời yêu cầu chính quyền cưỡng chế tháo dỡ theo đúng chức năng; chứ không phải tranh chấp đất nên việc hướng dẫn bà Nguyệt làm đơn khởi kiện ra tòa của UBND xã Bình Hưng có phải là muốn “đẩy quả bóng trách nhiệm” và gây khó cho người dân?…
Rõ ràng, những khiếu nại của bà Nguyệt là hoàn toàn chính đáng. Lẽ nào để xử lý một căn nhà xây dựng trái phép trên đất của người khác lại khó khăn đối với chính quyền sở tại đến thế sao? Thiết nghĩ, UBND huyện Bình Chánh, UBND xã Bình Hưng cần phải quyết liệt vào cuộc, có những chỉ đạo rốt ráo để giải quyết đơn khiếu nại của người dân một cách thấu tình, đạt lý.