Điều đáng nói, việc phía bị đơn tự ý dựng rào chắn toàn bộ con đường công cộng, gây cản trở giao thông suốt thời gian dài, lộ rõ hành vi trái pháp luật nhưng chính quyền địa phương không xử lý, tạo tiền lệ xấu nguy hiểm, khiến người dân suy giảm niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật...
Từ sự thật bị "đánh cắp"...
Kèm theo đơn kêu cứu mới nhất gửi các cơ quan chức năng (trong đó lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, UBND TP.Thủ Dầu Một), bà Lê Kim Huệ (SN 1983, ngụ tổ 66, khu phố 10, P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), trình bày bức xúc với Báo CATP: Suốt gần 3 năm qua, gia đình bà không chỉ tốn nhiều thời gian, công sức để theo đuổi vụ kiện mà còn gánh chịu thiệt hại nặng nề từ hành vi thể hiện sự xem thường pháp luật của phía bị đơn, ngang nhiên dựng hàng rào chắn ngang con đường công cộng. Dù nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng nhưng chính quyền địa phương vẫn để rào chắn chình ình giữa đường, như thách thức pháp luật và dư luận.
Trưng bằng chứng, bà Lê Kim Huệ chứng minh: Từ con đường lớn Nguyễn Thị Minh Khai thuộc khu phố 8, P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, có con đường bêtông rộng 3m dẫn vào 4 thửa đất của gia đình bà. Đây là lối đi duy nhất dẫn vào 4 thửa đất, đã tồn tại hơn 1/4 thế kỷ, được nhiều hộ dân lân cận cùng sử dụng làm lối đi chung.
Đại diện các cơ quan chức năng từ phường đến tỉnh đều xác định con đường 3m là lối đi công cộng, được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy. Cụ thể:
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Chủ tịch UBND P.Phú Hòa, khẳng định tại biên bản ngày 9-9-2020: "Con đường 3m là lối đi công cộng, đã được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy. Các hộ dân có đất tiếp giáp với lối đi khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đều thể hiện lối đi này".
Ông Đặng Huy Cường - Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Dầu Một, xác định rõ tại văn bản số 55/CNTDM ngày 11-1-2021: "Đường bêtông 3m do UBND P. Phú Hòa quản lý, đã được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy".
TAND tỉnh Bình Dương tiến hành thẩm định tại chỗ ngày 22-4-2022
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Dương cũng xác định lối đi công cộng hiện hữu trên bản đồ địa chính chính quy nên duyệt ký cấp 4 sổ đỏ cho 4 thửa đất của gia đình bà Huệ đều thể hiện "đường bêtông 3m". Việc cấp sổ đỏ đúng theo trình tự thủ tục quy định. Nhiều trường hợp khác được Sở TNMT duyệt cấp sổ đỏ đều thể hiện rõ con đường 3m này.
Vì xác định là lối đi hiện hữu trên bản đồ chính quy nên ngày 15-3-2019, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một Nguyễn Thu Cúc đã duyệt ký cấp 4 giấy phép xây dựng trên 4 thửa đất cho gia đình bà Huệ.
Trước khi trình UBND TP.Thủ Dầu Một cấp giấy phép xây dựng, Phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Dầu Một cử cán bộ xác minh và kết luận: Công trình xây dựng mặt tiền hướng ra con đường 3m, không ảnh hưởng công trình lân cận; không vi phạm hành lang an toàn...
PV Báo CATP có mặt tại trụ sở UBND TP.Thủ Dầu Một chiều 26-4-2022, sau khi nhận được đơn kêu cứu mới nhất của bà Lê Kim Huệ. Trên tinh thần cầu thị, lãnh đạo Văn phòng UBND TP.Thủ Dầu Một đã ghi nhận toàn bộ các vấn đề báo CATP phản ánh để xem xét, xử lý. Ngoài vấn đề tố tụng dân sự đang được TAND tỉnh Bình Dương giải quyết, trách nhiệm quản lý hành chính địa bàn, đảm bảo an toàn giao thông, xử lý vi phạm hành chính của chính quyền địa phương... là những vấn đề nhức nhối được đặt ra. Không thể dung túng, bao che cho hành vi của ông Tiếp tự ý dựng rào, "khóa" đường đi công cộng. UBND TP.Thủ Dầu Một cần sớm chỉ đạo xử lý kiên quyết, trả lại "đường thông hè thoáng" cho người dân và thực thi quyền quản lý Nhà nước đối với con đường bị đang "chiếm đóng" trái pháp luật.
Bà Huệ bức xúc: "Gia đình tôi luôn tuân theo quy định pháp luật, nhưng khi tiến hành khởi công xây nhà vào ngày 21-3-2019 thì bị ông Nguyễn Minh Tiếp (SN 1963, ngụ P.Phú Hòa) đứng ra ngăn cản, rồi xây rào lưới B40 bao toàn bộ mặt tiền 4 thửa đất và dựng cổng rào chắn ngang con đường 3m. Ông Tiếp cho rằng, con đường 3m không phải lối đi công cộng mà do gia đình ông tự mở năm 1996 khi tiến hành phân chia đất do ba mẹ để lại (?!). Tôi khởi kiện, yêu cầu tòa buộc ông Tiếp tháo dỡ rào, trả lại hiện trạng lối đi chung, được TAND TP.Thủ Dầu Một thụ lý cuối năm 2019".
...Đến bản án sơ thẩm trái pháp luật
Nguyên đơn lên tiếng: Con đường bị ông Tiếp dựng cổng rào chắn ngang suốt gần 3 năm qua. Lạ thay, các cơ quan chức năng từ phường đến thành phố, rồi tỉnh đều xác định con đường công cộng do Nhà nước quản lý, nhưng vẫn để cho ông Tiếp thoải mái "làm xiếc", không hề xử lý. Càng lạ hơn, việc ông Tiếp xâm phạm con đường lại được TAND TP.Thủ Dầu Một do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nga làm chủ tọa, "hợp thức hóa" bằng Bản án sơ thẩm số 40/2021/DS-ST ngày 4-6-2021 (Bản án số 40), tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bà Huệ bức xúc: "Suốt 3 năm qua, gia đình tôi muốn đi vào đất của mình, buộc phải "trèo cổng, leo rào" nhưng không thể nào vượt qua 2 "chướng ngại vật" do ông Tiếp dựng lên. Chuyện khó tin nhưng có thật đã và đang diễn ra ngay tại TP.Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương, được sự "đồng tình" ủng hộ của thẩm phán Nguyễn Thị Minh Nga cùng Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm. Con đường được công nhận trên sổ đỏ và là con đường duy nhất ra vào các thửa đất của gia đình tôi. Thẩm phán Nga tuyên bản án kiểu "cấm vận", vậy chúng tôi đi đường nào hay phải "tàng hình" mới vào được đất của mình?".
Xây cửa rào, chắn ngang con đường công cộng 3m
Không những người dân bất bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP.Thủ Dầu Một đã ký quyết định kháng nghị, nêu rõ: Bản án số 40 của TAND TP.Thủ Dầu Một tuyên không đúng quy định của pháp luật, không đánh giá khách quan các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Cụ thể:
Theo các thông tin mà cơ quan có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án đều xác định, lối đi tranh chấp là lối đi công cộng, được thể hiện trên bản đồ địa chính chính quy do Nhà nước quản lý. Đối chiếu với quy định của pháp luật tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Dân sự, có cơ sở để xác định lối đi đang tranh chấp thuộc sở hữu chung của cộng đồng, việc bà Huệ yêu cầu được quyền sử dụng lối đi này là có cơ sở để chấp nhận.
Hiện nay, thửa đất bà Huệ đang quản lý, sử dụng chỉ có duy nhất lối đi đang tranh chấp. Trong trường hợp bà Huệ không có quyền sử dụng lối đi chung thì phải căn cứ vào tình hình thực tế để công nhận cho bà Huệ sử dụng, vì việc mở lối đi cho bà Huệ tại lối đi đang tranh chấp là thuận tiện, hợp lý nhất, không ảnh hưởng đến các bất động sản của các chủ sở hữu khác và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, do bà Huệ được hưởng lợi từ việc sử dụng con đường mà phía gia đình ông Tiếp đã bỏ đất làm lối đi chung cũng như đầu tư để có được con đường như hiện nay, nên cũng cần buộc bà Huệ phải có nghĩa vụ thanh toán giá trị công sức, tôn tạo, lối đi chung cho anh em ông Tiếp (được biết phía bà Huệ đồng ý hỗ trợ 800 triệu đồng).
Từ đó, Viện trưởng VKSND TP.Thủ Dầu Một kháng nghị đối với Bản án số 40, đề nghị TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Huệ.
Với những gì đã và đang xảy ra, bà Huệ tin tưởng công lý sẽ được thực thi tại phiên tòa phúc thẩm với một phán quyết công tâm, thượng tôn pháp luật.