(CAO) Nguyên thư ký tòa nhận của 4 bị cáo và 1 đương sự là 931 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, Đạt thừa nhận hành vi thực hiện là sai trái. Bị cáo cũng thú nhận do làm ăn thua lỗ, nợ nần thúc bách nên đã quẫn trí làm liều.
Ngày 28/4, TAND TPHCM mở phiên sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Tấn Đạt (SN 1982, ngụ tại Bình Định, nguyên thư ký TAND Cấp cao tại TPHCM) mức án 13 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Huỳnh Tấn Đạt tại toà
Trước đó, VKSND Tối cao truy tố Đạt về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, quá trình xét xử, HĐXX cho rằng VKS truy tố hành vi của bị cáo tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản” là không đúng. Theo tòa, hành vi của bị cáo Đạt thể hiện sự gian dối để chiếm đoạt tài sản người khác nên đổi tội danh với mức hình phạt như trên.
Theo cáo trạng, Huỳnh Tấn Đạt là Thư ký TAND cấp cao tại TPHCM, được lãnh đạo Tòa án phân công làm nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại đơn kháng cáo tại Phòng Hành chính tư pháp. Do cần tiền tiêu xài cá nhân nên Đạt đã lợi dụng vị trí công tác và nhiệm vụ được phân công để chiếm đoạt tiền của các đương sự trong các vụ án.
Nguyên thư ký tòa trả giá đắt khi túng quẫn làm liều
Cụ thể, sau khi tiếp nhận đơn kháng cáo trong các vụ án có ghi số điện thoại kèm theo, Đạt đã chủ động liên lạc với người nộp đơn. Đạt thông báo tòa đã nhận hồ sơ và đặt vấn đề nếu muốn hỗ trợ, giúp đỡ thì liên lạc với Đạt.
Từ đó, những người có đơn kháng cáo đã gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp nhờ Huỳnh Tấn Đạt giúp đỡ. Đạt đã yêu cầu những người này phải đưa tiền để lo liệu việc. Nhằm tạo lòng tin, Đạt đã chủ động cho họ xem thẻ Thư ký viên, xác định hiện đang công tác tại TAND Cấp cao TPHCM.
Theo đó, trong số các vụ án kháng cáo tại TAND Cấp cao tại TPHCM, Đạt tiếp cận, phân loại hồ sơ vụ án Võ Minh Hải cùng các đồng phạm bị TAND tỉnh Đắk Nông xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 2 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”. Sau phiên xử sơ thẩm, các bị cáo bị tuyên án tù giam đã kháng cáo xin giảm án.
Sau khi tiếp cận hồ sơ, Đạt đã chủ động liên hệ một bị cáo trong vụ án đặt vấn đề hứa giúp cho hưởng án treo, với điều kiện mỗi người phải lo lót số tiền 150 triệu đồng. Có 8 người trong vụ án này đã chuyển 731 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Đạt.
Tuy nhiên, sau đó, ngày 24-7-2020, TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm nhưng không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo. Không được hưởng án treo như lời hứa hẹn, những người đã đưa tiền làm đơn tố cáo hành vi của Đạt.
Với thủ đoạn gần tương tự, Đạt chiếm đoạt 200 triệu đồng của ông Nguyễn Văn Ngọc (ngụ tỉnh Đắk Nông). Cuối tháng 10-2019, ông Ngọc bị TAND tỉnh Đắk Nông xử thua kiện trong vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông là nguyên đơn. Sau đó, ông Ngọc làm đơn kháng cáo lên TAND Cấp cao tại TPHCM.
Đạt chủ động nhắn tin cho ông Ngọc, giới thiệu mình là thư ký tòa và đặt vấn đề hứa giúp ông thắng kiện. Sau đó, ông Ngọc từ Đắk Nông xuống TPHCM gặp Đạt, đưa cho Đạt 200 triệu đồng. Những lần nhận tiền, Đạt đều viết giấy biên nhận.
Tuy nhiên, tại phiên xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM về vụ án trên, tòa không chấp nhận kháng cáo của ông Ngọc. Thấy vậy, ông Ngọc gọi điện thoại đòi tiền. Đạt hứa trả nhưng sau đó tắt điện thoại. Do đó, ông Ngọc làm đơn tố cáo hành vi của Đạt.
Tổng số tiền ông Huỳnh Tấn Đạt đã nhận của 4 bị cáo và 1 đương sự là 931 triệu đồng. Khi nhận được đơn tố cáo, TAND cấp cao tại TP.HCM đã buộc Huỳnh Tấn Đạt thôi việc. Ngày 10-11-2020, Đạt bị Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam.
Trong quá trình điều tra cũng như ở tòa Đạt thừa nhận hành vi thực hiện là sai trái. Bị cáo cũng thú nhận do làm ăn thua lỗ, nợ nần thúc bách nên đã quẫn trí làm liều. Đạt rất ân hận khi hành vi bị phát giác, làm ảnh hưởng đến đơn vị công tác và xin được khoan hồng để có cơ hội trở về với gia đình vì còn cha mẹ già và các con thơ dại phải lo.
Quá trình xét xử và nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo Đạt đã phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tài sản người khác, coi thường pháp luật cần xử nghiêm.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo thành khẩn, nhân thân tốt, quá trình công tác chăm chỉ, nên đã tuyên bị cáo mức án như trên. Ngoài ra, chủ tọa còn yêu cầu tiếp tục điều tra các bị hại có dấu hiệu “đưa hối lộ”.