Mất ăn mất ngủ vì dự án bị tạm ngưng
Trong đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng, những người dân mua đất nền tại dự Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) do Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An (tại phường Dĩ An, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) làm chủ đầu tư cho biết, vì tin tưởng các văn bản pháp lý đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho thực hiện dự án nên hơn 300 hộ dân đã bỏ tiền ra hơn 500 tỷ đồng để mua 310 nền đất của dự án từ năm 2018. Tuy nhiên, đến ngày 28/5/2019, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 2457/UBND-KTN về việc tạm dừng thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng).
Mới đây nhất, ngày 04/8/2022, UBND tỉnh Bình Dương lại tiếp tục ban hành Quyết định số 1881/QĐ-UBND về việc ngừng hoạt động Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng). Việc này khiến hàng trăm hộ dân đã bỏ tiền mua đất một lần nữa hết sức hoang mang, lo lắng cho số phận của dự án cũng như cuộc sống của gia đình mình.
Ông Thái Doãn Tuấn, ngụ KP.Thống Nhất I, Dĩ An cho rằng, "Việc UBND tỉnh Bình Dương cho thu hồi các quyết định đã ban hành, cho ngừng hoạt động dự án khiến người dân chúng tôi rất hoang mang. Nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, chỗ ở không ổn định, phải đi thuê mướn khắp nơi, thiếu thốn trăm bề, vợ chồng lục đục...". Theo ông Tuấn, trước khi mua đất, người dân địa phương rất tin tưởng vào công văn số 1222/BGTVT-TC ngày 06/02/2013 do nguyên Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải Lê Mạnh Hùng ký về chủ chương quy hoạch sử dụng đất tại Cty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn đối với Trạm vật tư đường sắt Dĩ An. Từ công văn này, UBND tỉnh Bình Dương đã ra công văn số 1657/UBND-KTN chấp thuận cho Cty TNHH phát triển nhà xe lửa Dĩ An được đầu tư Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng.
Hồ sơ dự án có tính pháp lý đầy đủ, từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể và được UBND tỉnh Bình Dương đã ra công văn số 1657/UBND-KTN chấp thuận cho Cty TNHH phát triển nhà xe lửa Dĩ An được làm đầu tư Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngày 19/01/2021, UBND tỉnh Bình Dương lại ra công văn số 2384/QĐ-UBND về việc thu hồi Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 01/3/2018 của UBND tỉnh đối với Cty TNHH phát triển nhà xe lửa Dĩ An. Lý do thu hồi được lý giải: "để phối hợp cùng các cơ quan chức năng rà soát lại các nội dung có liên quan đến việc đầu tư dự án theo ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương và quy định của pháp luật".
Nói trong bức xúc, ông Nguyễn Xuân Trung, ngụ TP.Dĩ An cho biết, trong số những hộ dân mua đất có rất nhiều gia đình đã phải đi vay mượn, thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để có tiền mua đất. Dù đất chưa được nhận nhưng người dân đang phải cật lực trả lãi cho các khoản vay.
Giá mua được Cty TNHH phát triển nhà xe lửa Dĩ An đưa ra cho người dân là 16 triệu/1m2. Tuy nhiên, khi đất được đến tay người dân, qua đầu tư, giá đã bị nâng lên gấp nhiều lần. Có người phải bỏ ra số tiền gần 3 tỷ đồng cho 100m2 đất. Bà Nguyễn Thị Hải, một trong số khách hàng mua đất cho rằng, khi dự án bị nhà nước không cho "triển khai" thì ai người phải có trách nhiệm trả số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng đã được ký kết?
Nhiều người dân bức xúc vì
đất dự án là đất hợp lệ
Đừng để người dân bị thiệt thòi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án với tổng diện tích 11,7ha, thuộc phường Dĩ An, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Năm 2011, khu đất được cấp sổ đỏ cho Cty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn (địa chỉ 86 Nguyễn Thông, P9, Q3). Năm 2018, Cty Vật tư đường sắt Sài Gòn đã ký chuyển nhượng lại cho Cty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An để làm dự án khu nhà ở thương mại. Theo đó, dự án được chia làm 2 khu: khu đất ven đường Thống Nhất có diện tích 6,4ha là đất cho thuê với hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền 1 lần cho cả thời gian thuê có mục đích: Đất sử dụng vào mục đích thương mại - dịch vụ; Khu đất 4,7ha còn lại (nằm phía trong) cho phép Cty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An được sử dụng cho Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng).
Ông Nguyễn Hoàng Hải, ngụ Khu phố Thống Nhất I, TP.Dĩ An cho biết: tôi sống ở đây hơn 40 năm, mỗi tháng chỉ có 1 - 2 đoàn tàu vào đậu ở đây. Mỗi đoàn tàu có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp sau thời gian 7 - 8 tháng thì họ lại kéo đi. Trong khu đất 11,7ha phục vụ làm kho hàng, chỉ có chức chức năng làm kho chứa những đoàn tàu hư hỏng. Có những toa tàu vào đậu 2 - 3 năm cũng không thấy sửa chữa, mục nát. Khu đất 11,7ha có 4 đường ray, vì rất ít khi có tàu chạy nên khu đất rộng hàng chục hecta chỉ để cỏ mọc.
Con đường dẫn vào đất dự án đã được đổ đá
Dự án giờ chỉ là bãi đất bỏ hoang
Tại Quyết định số 509/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định "cho phép Cty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng, điều chỉnh mục đích sử dụng đất tại Khu nhà ở thương mại (hiện hữu) Phường Dĩ An, TX.Dĩ An (nay là TP.Dĩ An). Trong đó có 3,0ha là đất không thu tiền để phục vụ vào mục đích vui chơi, giáo dục, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng, giao thông...
Mặc dù dự án có nhiều cơ sở pháp lý cũng như sự đồng thuận từ chính quyền địa phương, thế nhưng không hiểu sao, đến ngày 04/8/2022, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngừng hoạt động Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng), diện tích 47.882,8m2 tại phường Dĩ An, TP.Dĩ An. Đều trớ trêu là toàn bộ khu đất đã được bán hết cho người dân từ cuối năm 2018. Nhiều trường hợp sang tay qua lại rất nhiều người. Với những bất cập trên, người dân hy vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết, để những người dân không bị thiệt thòi quyền lợi của mình.
Liên quan đến sự việc này, ngày 25/5/2022, Bộ GTVT có Tờ trình số 5292/BGTVT-TTr gửi UBND tỉnh Bình Dương về việc giải quyết đơn của các hộ dân liên quan đến Dự án Khu nhà ở đường sắt mở rộng tại phường Dĩ An, TP.Dĩ An. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương quan tâm chỉ đạo, xử lý dứt điểm đơn phản ánh của người dân, tổ chức rà soát, làm rõ các nội dung liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An để thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại, trong đó có phần đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia để giải quyết theo thẩm quyền, phù hợp quy định pháp luật, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.