(CATP) Đó là tình cảnh của khoảng 20 hộ dân ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM nhiều năm qua vì nằm cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc ô nhiễm không khí, nguồn nước từ các bãi rác.
"Mỗi ngày có cả trăm xe chở rác từ các quận, huyện kéo về đây. Nước thải chưa được xử lí, đen ngòm, bốc mùi nồng nặc chảy ra ngoài, hòa vào con suối cạnh đó, trong khi nhà ở cạnh bãi rác nên nước hút từ giếng thì làm sao các gia đình dám sử dụng? Ngoài ra còn ruồi, muỗi, nước bẩn... bủa vây cuộc sống người dân. Sau thời gian giải tỏa chỉ còn một số hộ ở lại, gần khu xử lý rác" - anh Nguyễn Văn Bình, sinh sống cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, cho biết.
Cách đây 2 năm, một bể inox với thể tích 5.000 lít được đặt giữa sân nhà bà Lê Thị Hằng (63 tuổi), Tổ trưởng tổ 14, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, để phục vụ nước sạch miễn phí cho các gia đình. Đó là ngày vui của bà con toàn xã khi không còn phải sử dụng nguồn nước thiên nhiên bị ô nhiễm. Thế nhưng, mùi hôi nồng nặc vẫn bao trùm xung quanh khi những cột khói khổng lồ từ các lò đốt của khu xử lý rác vẫn hoạt động suốt ngày, bủa vây cuộc sống người dân.
Còn nhớ, ngày 12/10/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi đã lắng nghe người dân ở đây phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường nặng do hoạt động xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc gây ra. Mặc dù vậy, đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Bên trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có diện tích 687 ha, hình thành từ năm 2003, có 2 doanh nghiệp nằm kề nhau: Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar. Trong tổng số gần 10.000 tấn rác của TPHCM thải ra mỗi ngày, khu liên hợp này đã tiếp nhận, xử lý 3.000 tấn bằng cách chôn lấp và tái chế phân bón, công nghệ đốt phát điện... Thế nhưng, từ năm 2018 cả hai nhà máy trên đều thường xuyên rơi vào tình trạng tiếp nhận vượt quá công suất thiết kế.
Từ năm 2018, theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), Công ty CP Vietstar đã tiếp nhận 1.800 tấn rác/ngày, trong khi công suất thiết kế ban đầu chỉ là 1.400 tấn; đến năm 2020, lượng rác của nhà máy này tiếp tục tăng khoảng 2.000 tấn/ngày.Riêng đối với Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, giữa tháng 12/2020 khối lượng chất thải sinh hoạt tiếp nhận xử lý là 1.300 tấn/ngày, trong khi công suất thiết kế 1.000 tấn/ngày. Ngay sau đó, Tổng cục Môi trường đã xử lý vi phạm hành chính đối với cả hai doanh nghiệp do chưa xử lý dứt điểm lượng rác nhận về, dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Các nhà máy của 2 đơn vị này sử dụng dây chuyền công nghệ đốt rác phát điện để xử lý, thay thế việc chôn lấp thủ công như trước đây. Tuy nhiên, nhiều năm nay người dân địa phương vẫn kêu trời vì ô nhiễm không khí và nước thải. "Núi rác" chất cao ở khu tập kết của phía Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar. Khu vực có mái che ở nhà máy của Tâm Sinh Nghĩa bị hỏng nặng, gây đọng nước mưa, nước thải chảy lan làm ô nhiễm nguồn nước.
Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 40km, người dân sống cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc không biết khi nào tình trạng khói bụi mù mịt mỗi ngày mới thuyên giảm? Theo bà con, cần thay thế công nghệ hiện tại và áp dụng biện pháp tiên tiến hơn thì mới xử lý dứt điểm được vấn nạn này!