Tục phạt vạ oái oăm

Thứ Sáu, 03/07/2015 16:46  | Lam Hồng

|

(CATP) Trong cuộc sống, người Ba Na ở Gia Lai ngoài chấp hành nghiêm luật pháp còn có những luật tục riêng dành cho thành viên buôn làng. Người vi phạm buộc phải thực hiện, nếu không sẽ bị dân làng tẩy chay, trong đó hình phạt ít nhất một con trâu đực đối với hôn nhân cận huyết thống vẫn được áp dụng bao đời nay.

Theo chân ông Hyư - Phó chủ tịch xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, chúng tôi tìm đến gặp già làng Kơm ở làng Plei Bông để tìm hiểu luật phạt vạ hôn nhân cận huyết thống của người Ba Na. Ông Kơm chia sẻ: “Trước khi kết hôn, vợ gọi mình bằng ông nhưng không có quan hệ máu mủ gì hết, chỉ vì anh trai mình lấy mẹ vợ mình. Vậy nhưng theo phong tục, mình phải sắm lễ vật gồm con trâu đực và ít ché rượu để cúng Giàng (trời). Luật của làng đã đề ra, mình và vợ phải theo thôi”.

Sau khi cúng, con trâu được làm thịt cùng với rượu mời mọi người trong buôn đến ăn uống, gọi là nghi lễ tạ tội. Tất cả đều vui vẻ chấp nhận lễ vật, cuộc sống của vợ chồng ông Kơm sau này hạnh phúc, viên mãn.

Một buổi phạt vạ hôn nhân cận huyết thống ở làng Plei Bông

Làng Plei Bông còn có trường hợp anh em nhà Prăi kết hôn với hai chị em gái trong làng, cũng bị xem là phạm điều cấm, dù người anh lấy cô chị, còn người em kết hôn với cô em. Bị họ hàng thúc ép sắm lễ vật cúng Giàng nhưng do nhà nghèo, anh em họ không sắm được lễ vật, đành khất nợ, phải sống trong sự ghẻ lạnh của bà con trong buôn làng.

Đến một ngày cậu em trai đang đi làm rẫy bị sét đánh chết. Thế là dân làng Plei Bông đồn ầm lên, bảo do bị Giàng quở trách. Người anh trai thấy thế phải vay mượn tiền sắm trâu đực, gà, rượu cần để tạ tội. Từ đó, cuộc sống của vợ chồng người anh mới bình yên, người trong dòng họ cũng cảm thấy yên tâm hơn.

Người Ba Na ở Tây nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng khuyến khích những đôi trai gái khác dòng họ kết hôn với nhau, nếu hai người trong cùng họ thì chuyện cưới xin khó xảy ra. Nhưng nếu họ vẫn quyết cưới thì sẽ phải chịu hình thức phạt vạ oái oăm theo luật tục. Lễ vật bị phạt thì có nhiều, nhưng không thể thiếu con trâu đực để cúng Giàng.

Khác với người Jrai, một dân tộc láng giềng của người Ba Na, không có sự ngăn cấm kết hôn một cách nghiêm ngặt giữa hai người cùng dòng họ thuộc đời thứ ba, nhất là con cô, con cậu. Người Ba Na làng Plei Bông thì khác, nếu ai vi phạm quy định đó tức đã mắc tội và bị làng phạt rất nặng theo luật tục.

Họ cho rằng người cùng một dòng họ lấy nhau là trái với đạo đức. Dòng họ nào để xảy ra chuyện đó phải có trách nhiệm nhắc nhở, đốc thúc con cháu sai phạm sắm sửa lễ vật cúng Giàng, cúng thần nhà rông, thần nước để giải hạn với ngụ ý tẩy uế mọi rủi ro, tai họa, mong thần linh đừng bắt tội dân làng...

Theo Phó chủ tịch xã Hyư, quy định pháp luật thì nhiều trường hợp hôn nhân không phải cận huyết thống như ông Kơm và anh em Prăi, nhưng theo luật tục của người Ba Na thì đó là hôn nhân cận huyết thống. Hiện nay dù quan niệm này vẫn tồn tại song lễ vật cúng Giàng đã được giảm bớt, tùy điều kiện gia chủ, nhưng nhất định phải có 1 con trâu đực, 1 ché rượu cần.

Bình luận (0)

Lên đầu trang