Số liệu khai thác từ năm 2018 cho thấy, công suất khai thác tại sân bay TSN đã vượt công suất thiết kế (13 triệu khách quốc tế, 15 triệu khách quốc nội) tương ứng là 1,13- 1,56 lần. Khi nhu cầu khai thác tăng cao, việc khai thác phải duy trì để có thể đáp ứng sẽ khiến chất lượng dịch vụ bị giảm, thậm chí tiềm ẩn các nguy cơ về an ninh, an toàn hàng không.
Do đó, theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), việc đầu tư xây dựng nhà ga T3 và các công trình đồng bộ để khắc phục tình trạng quá tải và nâng cao chất lượng dịch vụ là rất cần thiết và cấp bách. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án theo tính toán khoảng 10.990 tỷ đồng được huy động từ vốn góp của ACV.
Phần đất thực hiện dự án, theo giải trình của ACV, thuộc khu đất 16,05ha nằm trong phần diện tích 36,16ha của sân bay TSN đã được Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thống nhất bàn giao cho Bộ GTVT để triển khai xây dựng dự án.
Khu vực cổng vào nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất thường kẹt nghiêm trọng vào dịp lễ tết
Với tổng vốn như trên, dư án có quy mô 20 triệu HK/năm, trong đó nhà ga T3 (3 tầng) có tổng diện tích 110.000 m2. Sân đỗ máy bay sẽ được mở rộng thêm 4.670 m2. Nhà để xe cao tầng và khu dịch vụ hàng không 13 tầng có diện tích 130.000 m2 và sân đường nội bộ, bãi để xe (đường trên cao, đường nội bộ, bãi đỗ xe), hệ thống giao thông kết nối giữa T3 với Tl, T2…
Bộ KHĐT cho biết, việc ACV đề xuất quy mô nhà ga T3 như trên được căn cứ theo Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31-8-2018 của Bộ GTVT về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế TSN giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Quy mô các hạng mục dự án được tư vấn tính toán được căn cứ theo các số liệu về dự báo vận chuyển hàng không của khu vực TPHCM; các kịch bản khai thác, phân chia lưu lượng vận chuyển giữa các sân bay TSN và Long Thành; mức dịch vụ đáp ứng của nhà ga (mức c - mức dich vụ tốt); diện tích khu đất cũng như tham khảo một số công trình tương tự (gồm các nhà ga Cam Ranh, Vân Đồn, Đà Nẵng, Cát Bi, T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất).
Tuy nhiên, theo Bộ KHĐT, đề xuất diện tích sàn nhà ga T3 của ACV được xác định trên cơ sở áp dụng mức cao nhất (16m2/HK) của tiêu chuẩn TCVN 12575:2019 Cảng hàng không dân dụng.
Ngoài ra, việc đề xuất quy mô hạng mục Nhà để xe cao tầng và Khu dịch vụ hàng không (13 tầng), diện tích 130.000 m2 và các hạng mục khác mới chỉ dựa vào quy hoạch mà chưa có phân tích cơ sở lựa chọn quy mô hợp lý bảo đảm phù hợp vói nhu cầu sử dụng.
Vì lẽ này, Bộ KHĐT đề nghị ACV trong giai đoạn lập Báo cáo NCKT Dự án thực hiện rà soát, phân tích kỹ về cơ sở lựa chọn quy mô họp lý của các hạng mục thuộc dự án, bảo đảm phù họp với nhu cầu sử dụng, phương án kiến trúc được lựa chọn và hiệu quả đầu tư Dự án tránh lãng phí.
Phân tích thêm về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, ACV giải trình, việc đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3 sẽ nâng cao sản lượng khai thác của Cảng hàng không, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, phát triển du lịch và các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của TPHCM, phù hợp với định hướng phát triển của TP.
Điều này được đặt ra trong bối cảnh TPHCM được quy hoạch thành hạt nhân của vùng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước, trong đó định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật là: “Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được cải tạo nâng công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm vào năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trong khi đó, dự án mở rộng sân bay TSN cũng thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn từ năm 2021-2025.
Ngoài ra, theo ACV, việc xây dựng nhà ga T3 còn phù hợp với định hướng phát triển hệ thống giao thông đường hàng không tại TPHCM là “đầu tư xây dụng, mở rộng và nâng cấp cảng hàng không, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất công suất đạt 40- 50 triệu hành khách/năm”.
Mặt khác, quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt cũng xác định sân bay TSN là một trong 21 cảng hàng không phải nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không với công suất thiết kế hành khách dự kiến 45 triệu HK/năm.
Hiện TPHCM cũng đang tiến hành xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông tiếp cận Nhà ga T3 đồng bộ ở phía Nam sân bay, hoàn thành và đưa vào sử dụng cùng với Nhà ga T3 kết nối giữa cảng TSN với hệ thống giao thông TP được thuận tiện, không ùn tắc, nâng cao hiệu quả khai thác.
Dự kiến, thời gian thực hiện dự án là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư, bao gồm: tiến độ chuẩn bị đầu tư, GPMB là 12 tháng; tiến độ xây dựng 24 tháng và 1 tháng chờ cấp phép hoạt động.
Cho rằng dự kiến tiến độ thực hiện dự án như trên là khó khả thi, Bộ KHĐT yêu cầu ACV rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù họp với thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.