Đa số các vụ cháy lớn đều báo muộn cho Cảnh sát PCCC

Thứ Tư, 13/11/2019 13:43

|

(CAO) Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH vừa gửi tới Quốc hội cho thấy, từ tháng 7-2018 đến nay, cả nước đã xảy ra 43 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 16 người, bị thương 9 người và thiệt hại về tài sản hơn 602,894 tỷ đồng.

Các vụ cháy lớn tập trung chủ yếu tại cơ sở chế biến, kinh doanh đồ gỗ (9 vụ, chiếm 20,9%); cơ sở sản xuất bao bì, mút xốp (3 vụ, chiếm 6,9%); cơ sở dệt may (3 vụ, chiếm 6,9%). Cháy kho hàng hóa có 3 vụ, chiếm 6,9%; cháy chợ 3 vụ, chiếm 6,9%; nhà dân 3 vụ, chiếm 6,9%).

Ngoài ra, đã xảy ra 2 vụ cháy cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu (4,6%), 2 vụ cháy cơ sở sản xuất thiết bị điện và 2 vụ cháy cơ sở sản xuất đồ nhựa.

Vụ cháy xảy ra tại CTCP Phích nước Rạng Đông được xác định là do sự cố về thiết bị  điện

“Đa số các vụ cháy lớn xuất phát từ việc cơ sở phát hiện cháy muộn và thông tin báo cháy chậm cho lực lượng Cảnh sát PCCC” – báo cáo phản ánh.

Lý do thông báo cháy muộn, theo cơ quan PCCC, là do cơ sở phát hiện cháy không kịp thời hoặc khi phát hiện cháy xảy ra nhưng lực lượng tại chỗ vẫn cố gắng tự dập cháy, chỉ đến khi ngọn lửa quá lớn ngoài khả năng mới gọi báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC.

Đáng chú ý, các vụ cháy lớn chủ yếu xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ làm việc (23/43 vụ, chiếm 53,5%). Đây là thời điểm người dân nghỉ ngơi, các cơ sở ngừng sản xuất, ít người trực tại cơ sở nên dẫn đến tình trạng phát hiện cháy muộn và xử lý không kịp thời ngay khi đám cháy mới phát sinh, dẫn đến cháy lan rộng thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại các vụ cháy lớn, việc triển khai dập tắt đám cháy giai đoạn đầu sau khi phát hiện cháy xảy ra của lực lượng tại chỗ không hiệu quả. Lý do một phần do kỹ năng sử dụng các trang thiết bị PCCC không thành thục, không nắm vững quy trình xử lý đám cháy hoặc có tư tưởng trông chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nên không khống chế được đám cháy khi mới ở giai đoạn đầu.

“Cháy lớn tập trung xảy ra chủ yếu ở cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như chế biến gỗ, dệt may, bông sợi, kho tàng, sản xuất nhựa, bao bì, mút xốp, hóa chất, chợ, nhà dân kết hợp sản xuất kinh doanh” – báo cáo nêu rõ.

Do chứa nhiều nhiên liệu và hàng hóa là các chất dễ cháy và tình trạng bố trí các xưởng sản xuất, nhà kho, văn phòng làm việc trong cùng một nhà hoặc bố trí các khâu sản xuất dễ phát sinh nguồn nhiệt gần khu vực có nhiều hàng hóa, vật tư dễ cháy, cũng như việc sắp xếp hàng hóa, vật tư vượt quá tải trọng, lấn chiếm lối thoát nạn diễn ra thường xuyên, làm phát sinh nguy cơ cháy lớn do không đảm bảo khoảng cách ngăn cháy lan.

Nguyên nhân nữa, theo cơ quan công an, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có diện tích lớn nhưng không có các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan hoặc tự ý thay đổi thiết kế, cải tạo cơi nới mở rộng diện tích sử dụng hoặc thay đổi công năng sử dụng nhưng không thông báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC.

Chưa hết, tình trạng cơ sở thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh hoặc làm kho hàng hóa nhưng không thực hiện đầy đủ yêu cầu PCCC diễn ra phổ biến.

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cũng chỉ ra rằng, các cơ sở xảy ra cháy lớn thường không trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động hoặc có trang bị nhưng các hệ thống này hoạt động không ổn định, bị hư hỏng. Vì thế, khi cháy xảy ra hệ thống không hoạt động dẫn đến không kịp phát hiện và chữa cháy ngay từ ban đầu, dẫn đến cháy lan thành cháy lớn.

Nêu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, Cục Cảnh sát PCCC và CHCN cho rằng người đứng đầu cơ sở và chủ hộ gia đình chưa nhận thức hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, còn chủ quan, thiếu quan tâm chỉ đạo, đầu tư, quản lý và tổ chức thực hiện các quy định về an toàn PCCC tại cơ sở và gia đình mình.

Quá trình lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng công trình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn PCCC cũng là vấn đề được cơ quan cảnh sát PCCC đặt ra…

Nhìn về phía trách nhiệm của chính mình, cơ quan Cảnh sát PCCC thừa nhận quản lý trong công tác PCCC có nơi có lúc còn buông lỏng. Công tác kiểm tra an toàn PCCC của một bộ phận cán bộ quản lý cơ sở thiếu cương quyết trong xử lý các vi phạm, chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở dẫn đến việc nhiều vi phạm kéo dài không được khắc phục, nhất là những vi phạm có nguy cơ dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

“Việc xử lý vi phạm quy định PCCC đối với nhiều cơ sở chưa quyết liệt, chưa tạo sự chuyển biến ý thức của cơ sở, biểu hiện như một số vụ cháy lớn nêu ở trên, cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoạt động nhưng vẫn hoạt động sản xuất, không chấp hành khắc phục vi phạm nên để xảy ra cháy lớn” – báo cáo xác nhận.

Bình luận (0)

Lên đầu trang