Chưa thể khẳng định chỉ ACV có kinh nghiệm đầu tư cảng hàng không

Thứ Ba, 12/11/2019 13:30

|

(CAO) ACV là một trong các doanh nghiệp đang có kinh nghiệm và lợi thế nhiều nhất trong số các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, có rất nhiều dự án và tư nhân đã được đầu tư chưa có kinh nghiệm vẫn thành công.

Thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng nay (12-11), đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dành phần lớn thời gian nói về đề xuất giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường thảo luận sáng 12-11

Đồng tình và đánh giá cao chủ trương của Chính phủ không mời thầu quốc tế đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành để đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước song đai biểu Cường cũng đặt ra nhiều thắc mắc.

Thừa nhận việc giao cho ACV sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm, song đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn thời gian nếu đó là chủ đầu tư tư nhân, vì bản thân ACV là một doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Ông Cường nêu nguyên tắc, bất kể một hạng mục công trình nào, quá trình triển khai đều phải đấu thầu. Với  tổng mức đầu tư cả dự án là 330.000 tỷ (giai đoạn 1 là 110.000 tỷ), theo ông Cường, sẽ có rất nhiều gói thầu phải triển khai đấu thầu trong giai đoạn thực hiện.

Trong khi đó, nếu như giai đoạn thực hiện này, nhà đầu tư tư nhân sẽ không phải mất thời gian trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu cho những gói thầu nhỏ. Nêu một trong lý do khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Cường cho biết, vì bị mất nhiều thời gian cho việc thực hiện chuẩn bị những gói thầu nhỏ trong quá trình triển khai dự án.

"Tư nhân có thể xây dựng sân bay Vân Đồn chỉ mất 2 năm nhờ không phải thực hiện các thủ tục hành chính về đấu thầu như đầu tư công" - ông Cường phản ánh.

Đại biểu Hà Nội cũng cho rằng, chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong việc đầu tư cảng hàng không và các doanh nghiệp tư nhân khác không có khả năng đầu tư về hàng không.

"ACV là một trong các doanh nghiệp đang có kinh nghiệm và lợi thế nhiều nhất trong số các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, có rất nhiều dự án và tư nhân đã được đầu tư chưa có kinh nghiệm vẫn thành công" - ông Cường chỉ ra.

Dẫn chứng sân bay Vân Đồn, ông Cường khẳng định, tư nhân đều có thể đầu tư cảng hàng không và đã hoàn thành trong một thời gian thần tốc, chất lượng không nghi ngờ khi Vân Đồn vừa được bình chọn là 1 trong số 6 sân bay đưa vào trong năm 2019 khai thác sân bay tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương.

Cũng theo đại biểu Cường, giao cho ACV chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất, vì ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn vẫn phải đi huy động của các tổ chức tài chính quốc tế.

"Mặc dù nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng thủ tục để tiến hành huy động vốn của một doanh nghiệp nhà nước sẽ phức tạp hơn rất nhiều, phải tuân thủ những quy định, hơn nữa nếu xảy ra rủi ro cuối cùng nhà nước vẫn phải gánh chịu bởi vì đây là một doanh nghiệp nhà nước" - đại biểu Hà Nội đặt vấn đề.

Trong khi nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực tiền vốn rất lớn và khả năng huy động vốn rất linh hoạt và năng động, luôn luôn sẵn sàng tham gia đầu tư, ông Cường khẳng định khả năng sẵn sàng và sức mạnh của các nhà đầu tư trong nước là rất lớn.

"Chúng ta cần phải rút kinh nghiệm từ 12 đại dự án thua lỗ khi chúng ta giao cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư dự án có tính chất kinh doanh" - ông Cường lưu ý.

Chia sẻ với băn khoăn của đại biểu Cường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phân vân, hồ sơ dự án nói rằng “ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền” nhưng đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi.

Điều này, theo đại biểu Thành, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần.

Còn đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) thì khuyến cáo, luật đấu thầu đã quy định rõ đối tượng nào được chỉ định thầu trong trường hợp nào. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu quan điểm

Theo ông Hạ, liên quan đến lý do quốc phòng, an ninh thì chúng ta chỉ định thầu, nhưng trong việc  chỉ định cho ACV, có làm hai đường giao thông kết nối khiến ông Hạ thắc mắc: "ACV có phải nổi trội trong các lĩnh vực làm đường giao thông này không?".

Đại biểu của Bạc Liêu đặt vấn đề: "Hơn 4.000 tỷ mà sao chúng ta cũng phải chỉ định thầu? Hạng mục 4 là các công trình dịch vụ, ACV có lợi thế về giao thông hay về các loại dịch vụ không?"

"Vấn đề là Nghị quyết phải yêu cầu không được làm ảnh hưởng đến nợ công" - ông Hạ chốt lại.

Tuy nhiên, lo ngại ACV là Công ty cổ phần có 95% vốn của nhà nước, giờ ACV dự kiến thực hiện các dự án này sẽ vay 28 tỷ USD, đại biểu Tạ Văn Hạ lo lắng liệu quá trình triển khai có vấn đề gì không, có thể ảnh hưởng đến 95% phần vốn của nhà nước không và có làm tăng nợ công không?

Cũng theo đại biểu này, cần phải xem xét kĩ các vấn đề trên, không nên cứ căn cứ vào mấy nội dung trong Nghị quyết mà  coi như là báo cáo nghiên cứu khả thi đã được thông qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang