(CAO) Xét bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2020, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Quốc hội hôm nay (11-11) sẽ thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Trước phiên họp này, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản giải trình về chỉ tiêu nhập siêu trong năm tới theo đề xuất của Quốc hội. Đây là yêu cầu mà Uỷ ban Kinh tế cùng nhiều đại biểu đã thắc mắc khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây.
Sau nhiều năm xuất siêu, Chính phủ vẫn dự kiến nhập siêu trong năm 2020
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, xuất siêu đạt được trong các năm qua do xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao, đạt bình quân 14,5% trong giai đoạn 2016- 2018, trong đó hai năm liền tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức tăng hai con số so với năm trước (2017 là 21,8% và 2018 là 13,3%).
Tuy nhiên, xét bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2020, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Nguyên nhân, được người đứng đầu ngành công thương chỉ ra là do kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc trong 2020.
Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều. Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn.
Trên thực tế, theo Bộ trưởng Công thương, những tác động này phần nào đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay.
Nguyên nhân nữa, được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra, là xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
“Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức: EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.
Trong khi đó, kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm cũng là điểm đáng quan tâm. Bộ trưởng cho rằng, việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ luỵ về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.
Khả năng tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước của một số ngành đang được dần nâng cao nhưng nhìn chung vẫn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu.
Chưa hết, theo dự kiến, sẽ có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2020 để đón đầu cơ hội từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu cũng như do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, kéo kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao.
Trước diễn biến như trên, Bộ Công Thương dự báo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khoảng 8-10%, tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6-7% và dự báo nhập siêu trong năm 2020 nhưng lượng nhập siêu không lớn. Đó cũng là những lý do khiến Bộ Công Thương đưa ra đề xuất chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức dưới 3%.
Trước đó, báo cáo Quốc hội, Chính phủ dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2019, trong đó GDP tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%. Tương tự các năm trước, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu được Chính phủ đề ra là dưới 3%.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ cơ sở của việc xác định chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% để phù hợp kết quả thực tế.
Theo cơ quan thẩm tra, 4 năm gần đây (2016-2019) Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng kết quả thực tế đều là xuất siêu.