Loại nhà thầu Trung Quốc, chủ đầu tư thuỷ điện bị yêu cầu bồi thường ngàn tỷ

Chủ Nhật, 10/11/2019 21:48

|

(CAO) Do tiến độ thi công tuyến năng lượng và nhà máy chậm trễ nghiêm trọng cùng thái độ thiếu thiện chí hợp tác, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc đã bị chấm dứt hợp đồng.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về dự án nhà máy Thuỷ điện Thượng Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, để triển khai thực hiện Dự án, Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Cty VSH) đã tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu thi công.

Sau khi tổ chức đấu thầu quốc tế, Tổ hợp nhà thầu Việt Nam (NTVN) gồm Công ty Cổ phần xây dựng 47, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Tiến Dung - Kon Tum và PECC1 đã trúng gói thầu tuyến áp lực (gồm hạng mục đập dâng và đập tràn).

Dự án nhà máy Thuỷ điện Thượng Kon Tum

Tổ hợp nhà thầu Trung Quốc (NTTQ) gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18 trúng gói thầu tuyến năng lượng và nhà máy.

Gói thầu thiết bị tổ chức sau khi đấu thầu quốc tế Nhà thầu cung cấp là Andritz Hydro thuộc nước Cộng hòa Áo trúng thầu. Các gói thầu nhỏ khác tiến hành đấu thầu rộng rãi trong nước.

Dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Cty VSH) làm chủ đầu tư có quy mô công suất lắp máy 220 MW, được thiết kế xây dựng trên sông Đắk Nghé (nhánh chính thượng nguồn sông Sê San), nằm trong Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Sê San đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 
Trải qua nhiều năm ròng rã, theo thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh tuyến năng lượng và nhà máy được duyệt, tiến độ phát điện tổ máy dự kiến vào năm 2018 và hoàn thành dự án vào năm 2019.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thi công dự án, do tình hình tiến độ thi công tuyến năng lượng và nhà máy chậm trễ nghiêm trọng, lại có thái độ thiếu thiện chí hợp tác, NTTQ đã bị Cty VSH ra Nghị quyết chấm dứt hợp đồng.

VSH sau đó phối hợp với PECC1 rà soát, đánh giá lại khối lượng công việc cần thi công còn lại của tuyến năng lượng và nhà máy, phân chia thành 3 gói thầu và tiến hành các thủ tục lựa chọn 3 nhà thầu mới có năng lực cùng tham gia để tiếp tục triển khai thi công.

Kết quả thi công đến nay, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đã cơ bản hoàn thành. Trong năm 2019, Bộ trưởng dự kiến cơ bản hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án. Tích nước hồ chứa vào tháng 1-2020 và phát điện cả 2 tổ máy vào tháng 3-2020 (chậm hơn 3 tháng so với tiến độ phê duyệt hiệu chỉnh).

Nêu cụ thể về nội dung tranh chấp hợp đồng với NTTQ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, sau khi Cty VSH chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng với NTTQ và thu hồi toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện Hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng, ngày 23-8-2014, NTTQ đã gửi Đơn kiện Cty VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phân xử các nội dung liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng.

Cty VSH cũng đã có Hồ sơ tự bảo vệ và đơn gửi VIAC đề nghị phân xử về việc NTTQ vi phạm Hợp đồng.

Để chuẩn bị tranh tụng trong vụ kiện, Cty VSH đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với các công ty Tư vấn luật của Việt Nam và quốc tế là Công ty YKVN Singapore (chi nhánh tại Việt Nam) và Công ty EPLEGAL Việt Nam.

Sau khi xem xét hồ sơ, các công ty này đề nghị và Cty VSH đã ký hợp đồng bổ sung với Công ty DREW & NAPIERLLC Singapore cùng tham gia.

Hiện Cty VSH đã phối hợp cùng các công ty Tư vấn luật được thuê hoàn thành Đơn phản tố và Đơn khởi kiện lại NTTQ, gửi VIAC; thanh toán chi phí trọng tài theo quy định; thống nhất địa điểm và ngôn ngữ tranh tụng; thống nhất cử trọng tài viên và Chủ tịch trọng tài.

Tuy nhiên, đầu năm 2017, Cty VSH đã chấm dứt hợp đồng với các Công ty YKVN Singapore, Công ty EPLEGAL Việt Nam và Công ty DREW & NAPIERLLC Singapore với lý do công tác tư vấn của các công ty này không đạt hiệu quả và còn yêu cầu Công ty VSH thanh toán thêm chi phí rất lớn.

Cty VSH đã chọn Công ty tư vấn Luật Nam Hùng để tư vấn tiếp cho vụ tranh chấp. Ngày 18-1-2019, VIAC có văn bản thông báo thời gian và địa điểm của phiên xử lúc 8 giờ 30 phút ngày 11 đến 12-3-2019 tại Osaka, Nhật Bản.

Đến 30-1-2019, Công ty Nam Hùng có văn bản gửi VIAC về tiếp tục phản đối phán quyết của vụ kiện theo Văn bản nêu trên của VIAC. Ngày 12-3-2019, VIAC có Văn bản số 228/VIAC về thông báo vẫn quyết định phân xử dựa trên các tài liệu và chứng cứ sẵn có của Bị đơn.

Sang ngày 10-4-2019, VIAC có phán quyết cuối cùng về vụ kiện, yêu cầu VSH phải bồi thường cho NTTQ số tiền hơn 1.137 tỷ đồng; 35.016.325 USD và 735.440 GBP.

Trước đó một ngày, Cty VSH khởi kiện NTTQ bồi thường thiệt hại đến VIAC và ngày 26-4-2019 có đơn yêu cầu hủy phán quyết vụ kiện gửi TAND TP Hà Nội. Hiện Cty VSH đang phối hợp cùng với các Công ty Tư vấn luật được thuê để giải quyết vụ kiện, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ và bổ sung các tài liệu pháp lý cần thiết, chuẩn bị lời chứng về sự kiện để tranh tụng.

Việc xử lý vụ kiện trên, theo nhận định của người đứng đầu ngành công thương, là phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vấn đề này cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án.

Ông cũng cho biết, hiện Công ty VSH đang phối hợp với các đơn vị tư vấn luật tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ kiện để có đối sách phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước và của các cổ đông. Thời gian tới, công ty này cũng tiếp tục tập trung nhân lực, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng với NTTQ, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang