Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đừng sợ dân giàu"!

Thứ Hai, 11/11/2019 15:07

|

(CAO) Nguồn lực trong dân rất lớn, nhưng do chưa có pháp luật bảo vệ nên người dân không dám bỏ tiền ra để đầu tư.

Thảo luận tại tổ trong phiên họp sáng nay (11-11), các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Quan tâm tới việc bù doanh thu đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, khi đã đấu thầu dự án PPP, đã ký hợp đồng thì doanh nghiệp phải “lời ăn, lỗ chịu”. Không đồng ý với việc đòi bù doanh thu, ông Bình nhấn mạnh như thế là bất hợp lí và không công bằng.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) phát biểu thảo luận

“Nếu bù doanh thu thì sẽ tạo ra sự khó xử sau này và nhà đầu tư có tư tưởng ỉ lại” - ông Bình nhận định.

Đại biểu chỉ ủng hộ việc bù doanh thu với các trường hợp dự án đặc biệt.

Chung góc nhìn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lo ngại về rủi ro trong đầu tư PPP nên yêu cầu phải giám sát chặt chẽ để ngăn chặn những yếu tố “mưu lợi” từ việc đầu tư này.

“Thực tế có những rủi ro thực sự mà nhà đầu tư phải chịu, nhưng cũng có những yếu tố lạm dụng rủi ro của PPP để mưu lợi từ một số dự án BT” – đại biểu Cường chỉ ra và lưu ý, cái gì là rủi ro có tính chất chia sẻ và cái gì là lợi ích hiện không được xác định rõ ràng.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nguồn lực trong dân rất lớn, nhưng do chưa có pháp luật bảo vệ nên người dân không dám bỏ tiền ra để đầu tư.

“Có Luật PPP để có nhiều nguồn lực phát triển đất nước, đây là hướng đi hết sức cần thiết” – Thủ tướng nêu quan điểm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, các nước phát triển trên thế giới đã thành công với phương thức đầu tư PPP. “Người ta đầu tư xong rồi chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra” - Thủ tướng phản ánh.

Thủ tướng nêu ý kiến về dự luật PPP

Trong khi đó, ở Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, do luật pháp còn chồng chéo, vướng mắc nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết.

“Tôi nói nhiều lần, thể chế rất quan trọng. Gỡ được thể chế, không khí đầu tư sẽ rất tốt. Còn nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được” – Thủ tướng cảnh báo.

Nhấn mạnh rằng “đừng sợ dân giàu”, Thủ tướng lưu ý việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng.

Lấy ví dụ khi quyết định danh mục đầu tư, Thủ tướng cho biết, nếu thủ tục thuận lợi, mang tính thị trường thì quyền lợi nhà nước và tư nhân đều được bảo đảm.

“Thuyền lên, nước lên” - Thủ tướng chỉ ra và cho rằng, các lĩnh vực đều phải “mở” để thu hút doanh nghiệp, huy động vốn tư nhân, trừ những việc nhà nước phải nắm yết hầu của nền kinh tế như tiền tệ, an ninh, quốc phòng…

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, Chính phủ không “ôm” hết tất cả các dự án, công trình mà phân cấp, giao quyền cho địa phương. Hơn nữa, đã là thị trường thì nhà nước không bảo lãnh tất cả các nhà đầu tư.

“Nếu bảo lãnh hết thì nợ công, nợ Chính phủ đội lên. Phải làm sao để nhà đầu tư thấy thị trường tốt, nhà nước không cần bảo lãnh” – Thủ tướng nêu rõ.

Trước đó, trong tờ trình Quốc hội Luật PPP, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội 2 cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, theo dự thảo Luật, đối với từng dự án cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ (không áp dụng tràn lan cho tất cả). Trong trường hợp thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Chính phủ sẽ xem xét quyết định (bằng Nghị quyết) việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ trên cơ sở cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ.

Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, Dự thảo Luật thiết kế theo hướng quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.

Theo đó, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang