(CATP) Để góp phần bảo đảm an toàn đối với hệ thống thông tin của thành phố (TP), phòng ngừa các sự cố và hoạt động tấn công mạng của cá nhân, tổ chức phản động nhằm phá hoại công tác chuẩn bị, tổ chức các chương trình, hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Cơ quan Thường trực Tiểu ban An toàn, An ninh mạng (AT - ANM) TPHCM đã đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng (TTM) trong thời gian này…
Những nguy cơ tiềm ẩn
Theo Tiểu ban AT-ANM TPHCM, thời gian qua lực lượng ANM và phòng, chống tội phạm sử dụng (SD) công nghệ cao - Bộ Công an đã ghi nhận một số hoạt động tấn công có chủ đích vào hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước nhằm thu thập, đánh cắp thông tin, dữ liệu (DL), tập trung vào các mạng công nghệ thông tin (CNTT) có nhiều DL quan trọng, phần lớn không xác định được thời gian thực hiện trong khi có những mạng CNTT khi điều tra đã phát hiện mã độc "nằm vùng" trước đó từ vài tháng đến vài năm.
Thống kê ghi nhận, từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn TP đã xảy ra 7 vụ tấn công vào hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị và 15 vụ việc lộ tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng, gồm tấn công xâm nhập hệ thống (4 vụ), tấn công mã hóa DL (3 vụ), hầu hết có nguồn gốc từ nước ngoài.
Nhiều giải pháp được triển khai
Để bảo đảm an toàn đối với hệ thống thông tin của TP, Cơ quan Thường trực Tiểu ban AT-ANM TPHCM đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện một số công tác trọng điểm. Cụ thể, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm ANM, bảo vệ bí mật Nhà nước và DL cá nhân; nghiêm cấm SD máy tính kết nối Internet để soạn thảo, lưu trữ tài liệu nội bộ, tài liệu có nội dung bí mật nhà nước; không SD tài khoản hộp thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, các ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Viber, Telegram...) trên môi trường mạng Internet để gửi/nhận văn bản, tài liệu nội bộ, tài liệu bí mật nhà nước; xây dựng và ban hành phương án bảo đảm ANM, ứng phó, khắc phục sự cố ANM các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo quy định...

Cần nâng cao khả năng bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng
Song song với đó cần tập trung rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, quản trị, vận hành hệ thống mạng máy tính tại cơ quan, đơn vị; định kỳ, đột xuất kiểm tra máy tính, triển khai công tác giám sát an toàn TTM; phân công nhân sự theo dõi thường xuyên, liên tục để phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mạng nhằm kịp thời xử lý, khắc phục nhanh sự cố liên quan... Đặc biệt chú trọng các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức về bảo đảm an toàn thông tin, ANM, bảo vệ bí mật nhà nước và DL cá nhân; nhận biết, cảnh giác trước thông tin xấu độc, tin giả, thông tin xuyên tạc, chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước; phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng...
Theo ông Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó trưởng Tiểu ban AT-ANM TP, trong thời gian diễn ra Đại lễ 30/4, các sở ban ngành có liên quan được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ để rà soát các phương tiện có kết nối mạng, các bảng điện tử, màn hình led tại nơi tổ chức sự kiện và những địa điểm liên quan khác có trình chiếu thông tin, hình ảnh về sự kiện để kiểm tra, hướng dẫn và có biện pháp chống xâm nhập, phá hoại... Bên cạnh đó tăng cường triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thông tin; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin viễn thông, Internet ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, chống phá gây tác động xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các hoạt động của lễ kỷ niệm trên địa bàn TP.