Đất nước thống nhất đã nửa thế kỷ qua, người Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu ngày nào giờ đã 79 tuổi. Ông là một vị tướng trưởng thành trên trận mạc, trải qua quá trình công tác, ông là Thượng tướng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng hình ảnh bà má miền Nam Sáu Ngẫu trong ký ức của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là một trong rất nhiều hình ảnh cao quý nhất.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại với giọng hào hùng: Ngay trong đêm mưa gió ngày 29/4, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Chính ủy Trịnh Văn Thư và tổ trinh sát đã thâm nhập vùng Lái Thiêu, qua bãi tha ma của khu dân cư đi vào mé bìa rừng để liên hệ với cơ sở cách mạng. Đến khuya, tổ trinh sát phát hiện một ngôi nhà lá có ánh đèn le lói. Các chiến sỹ gõ cửa rồi phát mật hiệu “Hồ Chí Minh” và được người má già, tay cầm đèn đáp lại “Muôn năm”. Nhận ra đúng mật hiệu, má liền mời các anh lính bộ đội Cụ Hồ vào nhà. Bên ngoài, một số chiến sỹ trinh sát làm nhiệm vụ cảnh giới. Sau những lời giới thiệu ngắn gọn, các chiến sỹ cũng được biết má tên Sáu Ngẫu.

Má Sáu Ngẫu (thứ ba từ trái sang) cung cấp tấm bản đồ và hướng dẫn đường tiến quân vào Sài Gòn cho chỉ huy Trung đoàn 27 (Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, người thứ tư từ trái sang)
Bước vào nhà, tôi chào: “Thưa má, con là chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Sáng mai 30/4, Tư Viên con có nhiệm vụ tiến công theo dõi quân ta đánh chiếm Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình và đánh vào bộ tổng thống của quân Mỹ. Nếu má nắm được tình hình thì má cung cấp cho quân giải phóng”.
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu giở tấm bàn đồ quân sự ra và nhờ má Sáu chỉ dẫn cho các mục tiêu. Má Sáu đeo chiếc kính, nhìn một lát thì bảo má không rành các ký hiệu trên tấm bản đồ, rồi má đi vào buồng và lấy ra tấm bản đồ đô thành Sài Gòn.
Trải tấm bản đồ lên chiếc bàn gỗ, dưới ánh đèn dầu, má thoăn thoắt đánh dấu từng địa điểm, mục tiêu của địch với các thông tin về vũ khí, lực lượng và các mục tiêu quan trọng như ngã ba Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Phước, cầu sắt Sài Gòn.
Má vừa nói vừa ghi chú khoanh vùng cẩn thận trên tấm bản đồ, vừa bảo: “Đây là trại Huỳnh Văn Lương, có hơn hai nghìn địch đang án binh bất động, các con không nên đánh vào trại này mà có thể kêu hàng, tránh đổ máu. Tiếp đó, các con nên đánh vượt qua mục tiêu Lái Thiêu, nhanh chóng đánh thẳng cầu Vĩnh Bình, cầu sắt Sài Gòn không địch nó phá mất”.
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng các chiến sỹ cám ơn má và xin phép lên đường. Má bảo để má cùng em Phước, em Đức trực tiếp dẫn đường cho quân giải phóng. Thấy má già, các em lại nhỏ nên các chiến sỹ hứa sẽ trả thù cho má và sau khi chiến thắng sẽ trở lại thăm má cùng các em.
Ngay trong đêm đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng các đồng chí của mình đã lên kế hoạch thần tốc tiêu diệt địch ở chi khu và quận lỵ Lái Thiêu, bao vây chia cắt cô lập và bức hàng Trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương, đánh chiếm cầu Bình Phước, cầu Vĩnh Bình và cầu Lái Thiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của ta thọc sâu, đánh vào các mục tiêu chủ yếu trong Sài Gòn.
Khoảng 4 giờ sáng 30/4/1975, Trung đoàn 27 bắt đầu tấn công Lái Thiêu và làm chủ khu vực này sau 2 giờ chiến đấu. Tiếp đó, đơn vị đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, là nơi địch tử thủ quyết liệt. Ngoài Trung đoàn 27, lúc này có thêm Đại đội xe tăng của tiểu đoàn 66 tăng cường. Các lực lượng của ta phát huy hỏa lực mạnh của xe tăng và pháo 37 ly, đánh tan hệ thống tử thủ của địch, làm chủ cầu Vĩnh Bình và một số vùng trọng điểm khác.
Đến khoảng 9 giờ 30 phút, mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 đã chiếm toàn bộ khu Gò Vấp, xưởng Bộ tư lệnh thiết giáp quân VNCH, Căn cứ 25, 26 truyền tin và chiếm Tổng y viện Cộng Hòa nay là Bệnh viện 175. Trước đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã gặp mặt toàn bộ ban giám đốc Tổng y viện Cộng Hòa để thống nhất phương án thuốc men, thực phẩm cho thương bệnh binh bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất nhưng cũng rất nhân văn và tình người. Chính sự tiếp quản kịp thời Tổng y viện Cộng Hòa của Trung đoàn 27 đã giúp cho quân giải phóng có chỗ để chữa trị cho thương binh trong thời khắc lịch sử này.
Tấm bản đồ quân sự và tấm bản đồ má Sáu Ngẫu trao bổ trợ cho nhau. Khi chúng ta đi theo đúng bản đồ quân sự, đến cái địa điểm quy định, đó là trục đường 13, thì khi nhận được cái bản đồ này, nó làm rõ cho chúng ta những mục tiêu cần phải đánh và mục tiêu cần phải tiến công nhanh, để thực hiện thần tốc. Hoàn thành nhiệm vụ mở đường cho Trung đoàn vào Sài Gòn đánh chiếm 13 mục tiêu của địch ở Gò Vấp. Má Sáu Ngẫu cùng tấm bản đồ đã góp phần cho đơn vị thần tốc đánh chiếm các mục tiêu của địch và giảm thương vong cho Trung đoàn. Tấm bản đồ hiện nay vẫn được lưu giữ phát huy giá trị tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.
Sau đó, Trung đoàn cùng các đơn vị khác đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Gần 10 giờ sáng 30/4/1975, Trung đoàn 27 đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27
Trở lại giọng trầm ngâm, vị tướng già bồi hồi: “Tôi trở lại miền Nam mỗi dịp 30/4, để tri ân báo đáp má Sáu Ngẫu, tri ân những đồng chí, đồng đội và đồng bào đã hy sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi lần về đây, cảm xúc lại dâng trào trong tôi. Đến nay, tròn 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đất nước đã đổi thay trong không khí phát triển mới của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhưng những người lính vẫn luôn ghi nhớ tình cảm, công lao mà má Sáu Ngẫu - đại diện cho tầng lớp nhân dân đã dành cho Quân giải phóng vào thời khắc quyết định ấy. Má Sáu Ngẫu không chỉ là bà má tiêu biểu của Lái Thiêu, mà còn là bà má tiêu biểu của miền Nam thành đồng Tổ quốc!
Để có được một Việt Nam hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay, toàn dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công ơn những Bà mẹ Việt Nam can trường, mưu lược, dũng cảm hiến dâng trọn đời mình, hiến dâng cả chồng con mình cho cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân… Tôi xin kính cẩn nghiêng mình tri ân sự hy sinh của đồng bào và chiến sĩ đã đóng góp cho công cuộc thống nhất đất nước cách đây nửa thế kỷ”.