Bó hoa còn tươi mãi!

Thứ Ba, 29/04/2025 11:03

|

(CATP) Vị đại tá tình báo hai chế độ - Anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo để lại dấu ấn sâu đậm với người dân Bến Tre bằng chính sinh mạng của mình, bằng cả ẩn số về mối liên quan với sự thành công của cuộc đồng khởi năm 1960. Hơn nửa thế kỷ ông ra đi, cuộc đời người anh hùng vẫn là một ẩn số. Kể về người tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo, nữ tình báo - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo) nhớ lại: Kỳ lạ thay là nụ cười hiền như Phật của ông, là bó hoa héo ông tặng trong chiến khu những ngày đầu chống Pháp. Bà kể:

"Cơ quan tình báo một quận của Vĩnh Long lúc đó do chị Minh phụ trách, đóng ở cái cồn giữa sông, khá tách biệt với bên ngoài. Hàng ngày, có việc cần chúng tôi chèo xuồng đi qua nội ô. Tôi đâu sinh ra vùng sông nước miền Tây, ở nhà được cha mẹ cưng chiều, chỉ học và đọc tiểu thuyết, giờ phải tập làm nhiều thứ. Tôi học chèo thuyền. Chị Minh đợi lúc nước ròng mới tập tôi bơi xuồng. Tôi bơi xuồng không giỏi, lúc mũi xuồng đâm bên này, lúc đâm bên kia. Mỗi khi xuồng đâm vào bờ, tôi hái đầy những bó hoa vàng, nào sen, nào súng chất lên xuồng...

Dân tiểu tư sản đi kháng chiến, thấy hoa đẹp, thích quá, không thể cầm lòng. Mỗi khi tập bơi xuồng, tôi mang về cơ quan rất nhiều bó hoa, đem chưng khắp nơi. Hôm đó, tôi bơi xuồng, mải miết hái hoa, chợt cảm giác như có ai đang nhìn mình. Tôi ngẩng lên, ngỡ ngàng thấy một người đàn ông dáng dấp sang trọng, đang đứng trên bờ. Hình như anh đã lặng lẽ nhìn tôi hái hoa lâu lắm rồi. Tôi mỉm cười, bối rối. Anh cũng mỉm cười, nhìn chiếc xuồng chất đầy hoa, tỏ vẻ thích thú. Trời, anh có một nụ cười rất hiền, làm sáng lên gương mặt rất đàn ông, rắn rỏi. Qua chị Minh giới thiệu, tôi mới biết anh là Phạm Ngọc Thảo - Trưởng phòng mật vụ Ban quân sự Nam Bộ (tổ chức tình báo đầu tiên của cách mạng ở Nam Bộ). Tôi biết anh từ đó...

Nguyễn Thị Mỹ Linh (trái) - chiến sĩ tình báo nội thành H63, làm việc cho cơ quan USOM, thoát ly vào chiến khu, cùng chị là Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Nguyễn Thị Yên Thảo) - Tám Thảo trong cơ quan Cục tình báo miền Nam sau Mậu Thân

Cũng từ đó, ngoài công tác đánh máy, giao liên cho cơ quan, tôi là người chèo thuyền đưa anh qua sông, từ nội thành qua cồn và ngược lại. Có lúc tôi bơi xuồng đưa anh đi công tác. Nhiều lúc cần thiết, tôi thay mặt chị Minh, đeo chiếc nhẫn mặt vuông làm ám hiệu gặp anh ở bên kia sông. Anh là người thầy đầu tiên dạy cho tôi những công tác cơ bản của ngành tình báo. Anh tỏ ra rất quan tâm đến chuyện tôi rời gia đình đi kháng chiến. Anh ân cần, nhẹ nhàng nói: "Ráng nghen em. Đừng nhớ mẹ bỏ về giữa chừng nghen... Làm tình báo là phải khôn khéo, trầm tĩnh, phải hòa nhập, thích ứng với mọi hoàn cảnh, phải biết kềm chế, quên mình, chui sâu leo cao...". Tôi lúc đó còn quá trẻ, quá ngây thơ, đi kháng chiến chỉ vì lòng nhiệt tình, cũng không nhập tâm lắm lời anh nói. Nhưng rồi những bài học vỡ lòng của anh đã đi theo suốt cuộc đời tôi, trong những năm hoạt động trong nội đô, khốc liệt và nghiệt ngã, mong manh giữa lằn ranh sống chết...

Theo tháng năm, tôi cũng dần trưởng thành. Sau này, anh được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410, Quân khu 9. Trong một lần đi công tác, tôi nhìn thấy anh huấn luyện một đội quân đặc biệt - đội cảm tử đánh đồn... Những ngày được làm việc với anh trong ngôi nhà lá nơi một cái cồn biệt lập có biết bao kỷ niệm. Anh xem tôi như đứa em gái nhỏ, rất trìu mến, chăm chút. Tôi nhớ biết bao tiếng gọi "Mỹ Nhung ơi, qua đón anh" khi anh đứng bên kia sông. Biết tôi thích hoa, mỗi lần đi công tác, anh dừng lại hái cho tôi cả một ôm hoa lớn. Đường dài, trời nắng, bó hoa trong tay anh trao cho tôi đã héo. Ôm bó hoa vào lòng, tôi vui sướng biết bao. Lần cuối cùng, rất lâu rồi, anh đã tặng tôi bó hoa héo rồi đi biền biệt. Giờ gặp lại anh, tôi muốn lao đến ôm chặt lấy anh. Nhưng một sức mạnh vô hình níu tôi lại. Đó là lời dạy của anh về bài học vỡ lòng của những con người tham gia "công tác đặc biệt". Anh nói, đó là sứ mạng. Mỗi con người sinh ra, như tôi, anh, chị Minh... phải gánh lấy một sứ mạng đặc biệt, một nghề nghiệp như đi xiếc trên sợi dây căng, phải bản lĩnh sống cuộc đời hai mặt, có lúc đứng giữa hai làn đạn của đối phương và cả chiến hữu của mình. Em phải trầm tĩnh, phải biết nén giữ, biết hy sinh tình cảm của mình... Vâng, giờ đây tôi đã là một đảng viên, đã được tổ chức chuẩn bị đưa về Sài Gòn hoạt động, phải biết nén giữ tình cảm bộc phát của mình. Gặp lại anh, thấy anh khỏe mạnh, đang là một chỉ huy giỏi thì tôi đã đủ mãn nguyện, đủ thấy hạnh phúc. Vậy là tôi quay đi...

Nữ tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Yên Thảo (Tám Thảo) thời hoạt động trong Bộ Tư lệnh Hải quân chính quyền Sài Gòn

Sau Hiệp định Genève, ông Trần Quốc Hương (sau này là Trưởng ban Nội chính Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng) - người nhận lệnh Bác Hồ vào Nam chỉ huy lưới tình báo chiến lược đã nhờ tôi liên lạc với anh Thảo. Lúc đó, anh Thảo đang ẩn mình dạy học ở Vĩnh Long. Gia đình tôi có đứa cháu học anh Thảo. Từ mối quan hệ này, tôi và em gái Mỹ Linh hẹn gặp anh. Gặp lại tôi, anh rất vui. Anh nhắc lại những ngày công tác huấn luyện tình báo trong căn nhà lá bên cồn ở Vĩnh Long, nhìn tôi vụng về bơi xuồng, hái đầy hoa. Anh ấn tượng vì vẻ tiểu tư sản thơ ngây của tôi. Ôi, vẫn là anh, nụ cười hiền như Phật, sự ân cần, trìu mến của một người anh trai. Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau, nói ít, hiểu nhiều, rằng phía trước chúng tôi, cuộc chiến sắp bắt đầu...

Sau đó thì anh và ông Mười Hương gặp nhau. Ông Mười Hương trở thành người chỉ huy Phạm Ngọc Thảo trong công tác tình báo chiến lược, ẩn mình, hòa nhập để "chui sâu, leo cao" trong cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Về Sài Gòn, đôi lần gặp nhau nhưng tôi cố hạn chế, vì chúng tôi biết trong hoàn cảnh đặc biệt này, trong trận chiến nghiệt ngã này, chúng tôi phải biết ém mình, nén giữ lại tình cảm. Một hôm, tôi gặp chị Thanh - cán bộ cơ quan phụ nữ thời chống Pháp ở Vĩnh Long về Sài Gòn công tác công khai. Chị phàn nàn: "Phạm Ngọc Thảo giờ trở cờ nhanh quá. Anh ta đi đầu hàng rồi, hăng hái lập công, phục vụ chính quyền Ngô Đình Diệm!". Tôi lúc đó mới 25 tuổi, vẫn giữ niềm tin mãnh liệt với anh. Tôi thầm nghĩ một con người có nụ cười hiền như Phật của anh sao có thể phản bội được! Tôi hiểu anh đang sống và chiến đấu trong một mặt trận vô cùng khốc liệt, nghiệt ngã; nghiệt ngã hơn là sự khinh miệt, nguyền rủa của những người từng quý mến, yêu thương, tin tưởng anh; từng sống chan hòa, đầm ấm với anh ở chiến khu miền Tây... Chỉ riêng điều đó, tôi biết anh đã rất đau khổ và dũng cảm chịu đựng!

Đại tá Phạm Ngọc Thảo thời làm Tỉnh trưởng Bến Tre

Rồi ông Mười Hương bị bắt, bị đày ra Trại giam tòa Khâm sứ Huế của Ngô Đình Cẩn, đối mặt với những trận chiến sinh tử, cân não với anh em họ Ngô. Từ đó, anh Thảo đơn độc chiến đấu... Khi nghe tin anh bị Nguyễn Ngọc Loan và bộ hạ tra tấn đến chết vào đêm 17/7/1965, tôi lặng đi. Tôi biết anh đã hoàn thành sứ mạng của mình, bởi một người tình báo chiến lược giỏi trong cơ quan đầu não kẻ thù có tác dụng hơn cả sức mạnh một binh đoàn. Cùng thân phận tồn tại cuộc sống hai mặt trong hang ổ đối phương, dù không phải gánh trọng trách quá lớn lao như anh, tôi đồng cảm sự hy sinh trong lặng lẽ của anh biết bao. Tôi lấy kính ra đeo, che đi gương mặt giàn giụa nước mắt. Mọi vật trước mắt tôi nhòa đi, hiện lên gương mặt anh với nụ cười hiền như Phật, trao cho tôi bó hoa đã héo vì đường dài, mưa nắng năm nào ở chiến khu miền Tây. Bó hoa héo năm ấy vẫn tươi mãi trong lòng tôi...".

Bình luận (0)

Lên đầu trang