Công cuộc đấu tranh, xây dựng và phát triển TPHCM qua 50 năm lịch sử

Thứ Ba, 29/04/2025 10:39

|

(CATP) Ngày 30/4/1975 là cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, đó là ngày đánh dấu miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước hòa bình, thống nhất.

Với vị trí lịch sử, gắn với những biến cố lịch sử, TPHCM trở thành nơi đan xen vừa phong phú vừa phức tạp bởi tư tưởng, quan điểm chính trị khác nhau, đa dạng văn hóa và lối sống xã hội, sông Sài Gòn sớm nhận ra cái mới, cái đúng đắn để tiếp thu và tuân thủ, vươn lên không ngừng. Thành phố sôi động này đi vào tiến trình xây dựng CNXH sau ngày hòa bình thống nhất đất nước một cách dứt khoát, năng động, khám phá, sáng tạo và vươn lên.

*

* *

Qua 50 năm xây dựng, khởi đầu từ sau ngày 30/4/1975, TPHCM xoay sở giải quyết di sản thực dân các loại, giải quyết hậu quả của cuộc chiến lâu dài từ trước đó; phân lập phải trái, thuyết phục nhau đấu tranh và nung nấu hình thành một thành phố mới, năng động chính trực, là mục tiêu phấn đấu của tuyệt đại đa số người dân Sài Gòn, không bỏ sót ai, không cố chấp quá khứ...

Trong toàn cục, TPHCM ổn định chính trị, dù phải đương đầu với bao khó khăn bên trong với hàng loạt chủ trương mới lạ khác với phương thức, tập quán sản xuất kinh doanh và ngay trong cách sống, chia đều sự yếu kém nhằm vào sự công bằng; bên ngoài vòng vây cấm vận của kẻ thù gây khó khăn lớn. TPHCM vẫn ổn định chính trị, thật sự là mốc son đáng khích lệ, đồng thời nung nấu sự khám phá con đường phát triển kinh tế thích hợp cho mình và cho cả nước, đó là chính sách kinh tế nhiều thành phần, tôn trọng lợi ích người lao động, lợi ích tập thể và lợi ích chung cả nước.

Quang cảnh trước trụ sở UBND TPHCM

Năm 1986, Đại hội VI mở ra sự đổi mới toàn diện cho đất nước. TPHCM cùng cả nước lao vào công cuộc đổi mới sôi động và hiệu quả, cục diện thay đổi thấy rõ, kinh tế phát triển mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của mọi người được cải thiện. Trong bối cảnh đó, TPHCM ngày càng tỏa sáng, phát triển nhanh, là đầu tàu nền kinh tế nước nhà; hàng loạt cơ sở kinh tế mới và khu đô thị mới ra đời, nhịp sống luôn sôi động, vượt lên đói nghèo, người giàu hoặc khá giả biết chia sẻ với cộng đồng bằng hàng loạt phong trào an sinh xã hội có ý nghĩa (xóa đói giảm nghèo, cứu tế thiên tai, xây nhà tình nghĩa - tình thương, chăm sóc bệnh nhân nghèo...).

Hội nhập khu vực và quốc tế là sự hiển nhiên, một thuộc tính của Sài Gòn - TPHCM, vốn là trung tâm khu vực phía Nam nước ta. Trong tiến trình phát triển sau 30/4/1975, giai đoạn bị bao vây cấm vận, từ Thành phố này chúng ta cố giữ mối liên hệ với các nước trong khu vực, làm cầu nối kiện toàn hệ thống kinh tế đã ít nhiều hình thành trong chế độ cũ, và tuy chính sách cải tạo tư sản thương nghiệp của Chính phủ đã phân hóa thực lực kinh tế của nguồn vốn tư bản, song mối liên kết, móc nối vẫn còn gắn kết quan trọng. Do đó khi chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế năm 1986 trên cả nước, Thành phố hội tụ nguồn lực nhanh chóng và tạo bước phát triển mạnh, trở thành đầu tàu nền kinh tế nước nhà và là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế đến ngày nay.

*

* *

TPHCM trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI vẫn là "hòn ngọc tỏa sáng" như mong muốn chính đáng từ đáy lòng người dân thành phố và cả nước, là trách nhiệm lãnh đạo và điều hành của Đảng bộ và chính quyền Thành phố. Điều quan trọng hàng đầu là nắm chắc nguyên tắc trong tiến trình đổi mới, nắm chắc mục tiêu và định hướng XHCN. Do vậy nhận thức thực tiễn và đúc kết lý luận từ thành phố này có ý nghĩa phương pháp luận cho thành phố và cả nước. Xây dựng và cải tiến toàn diện về bộ máy và cơ chế điều hành vừa là mục tiêu vừa phương pháp cần tiến hành khẩn trương với quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền Thành phố. Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã mở ra cơ chế chủ động cho Thành phố trong tiến trình quản lý xã hội thực hiện nhiệm vụ chính trị: "đi trước về đích trước" trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là động lực quan trọng "cùng cả nước, vì cả nước" thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

TPHCM phát triển từng ngày

Nhân tố con người, là nguồn lực cơ bản để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố, trong đó nhân sự điều hành là cơ bản, là gốc của vấn đề. Phương thức nào để thu hút nhân tài vừa tâm huyết vừa tài năng để cống hiến vào sự nghiệp chung của Thành phố và cả nước. Tri thức quản lý hiện đại chắc chắn là cái không thể thiếu được và phải thực sự cầu thị qua từng chính sách cụ thể. Tài năng trong quản lý điều hành do đào tạo, do quá trình hoạt động thực tiễn, và xuất phát từ năng lực bẩm sinh. Do đó cần hài hòa và sáng tạo trong tuyển chọn người tài, công thức tuyển chọn vừa qua cần được cải tiến tích cực hơn.

Nguồn vốn và công nghệ tiên tiến là nguồn lực quan trọng không thể thiếu được để phát triển xã hội với tốc độ cao. Chính sách tầm vĩ mô là cơ sở quan trọng, song sự cầu thị và vận dụng sáng tạo trong điều kiện thuận lợi của Thành phố có sức hút đáng kể các nhà đầu tư, chú ý nguồn lực Việt kiều đa phần từ Sài Gòn ra đi nay khá đông muốn quay về, có cùng ước nguyện Thành phố và đất nước vươn lên.

Một xã hội đồng thuận là nhân tố phát triển bền vững; động cơ đúng đắn không thừa nhận sự suy thoái, biến chất gây hậu quả xấu cho tiến trình phát triển xã hội. Đối tượng bị công kích nhất hiện nay là kẻ tham nhũng, hối lộ lợi dụng chức quyền, bóc lột cộng đồng, càng bao che hoặc nương tay cho bọn sâu mọt càng mất uy tín lãnh đạo; đối tượng bị công kích khác là kẻ "phá đám", gây mất đoàn kết, tay sai ngoại bang có ý đồ xấu trong việc chuyển hóa, thôn tính nước nhà. Thái độ công tâm đó là tính cách người Sài Gòn, ghét xu nịnh, ghét thói trưởng giả và quan quyền dỏm. Cộng đồng dân Sài Gòn là những người biết làm ăn, tôn trọng lẽ phải, cứu giúp người cô thế, làm từ thiện... là những phẩm chất cần được biểu dương, phát huy truyền thống cộng đồng, và tất nhiên trên tất cả là tinh thần yêu nước, đoàn kết, quên mình vì sự nghiệp chung của dân tộc - là tố chất chung của người Việt Nam được đúc kết hàng ngàn năm lịch sử.

*

* *

Được tôi luyện trong đấu tranh từ thực tiễn sống động nhiều thách thức đã tạo nên phẩm chất tốt đẹp của Thành phố: luôn hòa nhập, năng động, khám phá, sáng tạo và không ngừng vươn lên.

50 năm phát triển toàn diện từ thời quân quản nhiều khó khăn đến thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng, TPHCM chuyển biến tích cực, thay đổi khá toàn diện: trong kinh tế - xã hội và trong xây dựng lực lượng chính trị, kiện toàn và hoàn thiện từng bước vững chắc về hệ thống bộ máy và cơ chế vận hành... Với các chủ trương phát triển đúng đắn được nhân dân đồng thuận và có kết quả. Thành tựu hôm nay cũng như những kinh nghiệm chưa thành công... là tiền đề cho Thành phố tiến triển trong chiến lược phát triển nhiều năm tới theo Cương lĩnh của Đảng năm 2021.

Quá trình hiện đại hóa ở TPHCM là một tiến bộ xã hội rõ rệt của nguồn lực từ Thành phố và hỗ trợ của cả nước trong tiến trình xây dựng CNXH sau 30/4/1975. Ngày nay, toàn bộ xã hội Thành phố từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đến hạ tầng cơ sở xã hội đều là công sức phấn đấu của nhân dân Thành phố, vì cả nước và cùng cả nước không ngừng tiến lên, Thành phố chắc chắn đi trước và về đích công nghiệp hóa theo hướng văn minh hiện đại. Sự phát triển của Thành phố xứng danh là thành phố mang tên Bác Hồ, hòn ngọc đã và tiếp tục tỏa sáng trong một đất nước đổi mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang