(CAO) Sau khi Báo CATP.HCM đăng bài “Bí ẩn trong trang trại kiểu mẫu”, dư luận và nhân dân huyện Duy Xuyên rất hoan nghênh. Chính quyền địa phương cũng đang tích cực kiểm tra để xử lý theo quy định. Điều đáng nói, phóng viên đã “vạch trần” thêm việc “dung túng” của ông Chủ tịch UBND xã Duy Thu khi đã dấu nhẹm cho một số điểm khai thác đá trái phép…
Huyện đang tích cực kiểm tra xử lý
Sáng 4-6, ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết, sau khi Công an huyện bắt xe và Báo CATP.HCM đăng bài, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo phòng Tài nguyên môi trường phối hợp với công an huyện đi kiểm tra để có hướng xử lý.
Người đàn ông chỉ đạo khai thác đá trái phép tại mỏ Hồ sẻ. Ảnh chụp sáng 23-4-2015
“Hiện nay đã chỉ đạo dừng việc khai thác trái phép trong khu đất trồng cây lâu năm của ông Phan Ngọc Anh tại xã Duy Thu. Huyện Duy Xuyên cũng đang làm báo cáo để huyện gửi lãnh đạo tỉnh cũng như cơ quan báo chí”, ông Dũng nói.
Người dân ở huyện Duy Xuyên rất hoan nghênh sự vào cuộc điều tra kịp thời của báo chí và sự cầu thị của lãnh đạo. Theo ý kiến của người dân, việc khai thác đá tại khu trang trại trên quá lộ liễu mà chính quyền xã không báo lên cấp trên, thậm chí còn “du di” cho làm thì cần phải xử lý nghiêm những cán bộ liên quan.
Xe múc chuyển đá lên xe ben để chở ra khỏi mỏ đá
“Báo CATP.HCM đã vạch trần được những “bí ẩn” (nhưng thực tế như ban ngày, nhưng địa phương dường như không biết thôi) người dân chúng tôi thấy rất phấn khởi. Hy vọng phóng viên báo còn “moi” ra nhiều điều “bí ẩn” nữa để góp phần làm cho địa phương ngày càng tốt đẹp hơn”, một cán bộ lão thành ở huyện Duy Xuyên nói với phóng viên.
Chủ tịch UBND xã Duy Thu có “dung túng”?
Khi được phóng viên đề cập đến việc UBND xã thu 30 triệu đồng để “du di” việc khai thác đá thì ông Phan Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã Duy Thu lấp liếm cho rằng “không có, không đề cập”. Nhưng thực tế, đoàn kiểm tra của huyện vào cuộc thì ông này mới thừa nhận.
Từng tảng đá lớn tại mỏ Hồ sẻ
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, sáng 23-4-2015, phóng viên đã trèo đèo để đột nhập vào khu mỏ đá Hồ sẻ (xã Duy Thu) thì ghi nhận nhiều xe máy khai thác, xe múc chuyển đá lên xe tải để vận chuyển ra ngoài và cả xẻ đá ngay tại hiện trường.
Chiều cùng ngày, chúng tôi đến làm việc với ông Phan Đình Sơn chủ tịch UBND xã Duy Thu và ông Phan Thế Kế cán bộ địa chính xã, khi đặt vấn đề về mỏ đá Hồ sẻ thì ông Sơn khẳng định rằng: “Trước đây khu này được cấp phép, nhưng đã hết hạn vài năm nay và hiện đang xin gia hạn nhưng chưa được cấp phép trở lại. Hiện tại mỏ Hồ sẻ không còn khai thác nữa”. Thế nhưng, khi chúng tôi đưa hình ảnh khẳng định có việc khai thác tại mỏ Hồ sẻ thì mặt ông Sơn biến sắc và ấp úng: “Trưa nay tôi đã chỉ đạo dừng việc khai thác tại đó (mỏ Hồ sẻ)”. Điều này cho thấy sự dung túng của vị chủ tịch xã Duy Thu cũng như một số cán bộ liên quan để cho việc khai thác đá trái phép xảy ra trên địa bàn gây bức xúc trong dư luận.
Xe cộ, máy vào xẻ được đưa vào đá mà chính quyền địa phương không hay biết?
Qua tìm hiểu, mỏ Hồ sẻ trước đây được cấp phép từ những năm 2005, đến năm 2010 thì hết phép. Khu đó trước đây là rừng phòng hộ nhưng sau đó có kế hoạch chuyển qua rừng sản xuất. Tuy là mỏ hết phép nhưng người dân phản ánh rằng vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép tại đây mà chính quyền xã làm ngơ?.
Chưa hết, người dân còn phản ánh rằng, thời gian qua, vợ chồng Hùng - Ý có hợp đồng với xã tận dụng phần đất làm đập Thạch Bàn trước đây để làm lò gạch. Ông Sơn cho rằng: “Địa điểm chỗ Hùng - Ý khai thác cải tạo tại xã Duy Thu, gần xã Duy Phú. Đất đó địa phương tận dụng thu kinh phí cho địa phương khoảng 1.700m3”. Tuy nhiên, người dân ghi ngờ rằng liệu huyện Duy Xuyên có biết chuyện này và địa phương có được phép “tận thu” kiểu đó không?
Đá chẻ thành phẩm để xuất đi bán
Những vấn đề trên, đề nghị cơ quan thanh tra vào cuộc có kết luận chính thức để người dân thấy được sự công tâm - minh bạch của UBND xã Duy Thu chứ không thể để “lấp lửng” như thế!