Hành trình vượt biên giới chuộc con

Kỳ 4: Nỗi kinh hoàng của người con bị bắt cóc

Thứ Sáu, 05/06/2015 13:05  | Thiện Thảo

|

(CAO) Gần 1 tuần trở về nhà an toàn, em Lê Thành Tâm (24 tuổi, ngụ đường Trần Hưng Đạo, phường 6, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) mới tỉnh táo kể lại 3 ngày kinh hoàng bị bắt cóc bên nước bạn.

Người bạn Zalo

Ngồi kể lại cho tôi hoàn cảnh gia đình, Tâm không giấu được xúc động: “Những lúc nghĩ về cha mẹ, em không sao ngủ được bởi chưa giúp được gì. Gia đình còn nghèo khó. Em luôn tâm niệm kiếm việc làm phụ giúp cha mẹ đỡ vất vả”.

Tốt nghiệp cấp 3, Tâm luyện thi đại học nhưng khộng đạt. Ban đầu, anh Lê Tấn Nghiệp (51 tuổi) khuyên con tiếp tục ôn thi đại học hoặc lựa chọn cái nghề, Tâm không đồng ý. Vì lý do riêng, anh Nghiệp và chị Nguyễn Thị Em sống ly thân. Để có miếng cơm ngày 2 buổi, anh Nghiệp lao động tự do; ai thuê gì làm nấy.

Chị Em mở quán hủ tiếu ven đường. Thấy mẹ cơ cực phải thức sớm đi chợ chuẩn bị mọi thứ để bán, Tâm sang phụ mẹ. Những lúc rảnh rỗi, anh Nghiệp động viên con trai: “Ráng thời gian nữa, cha dành dụm kiếm số vốn sẽ có tiền cho con học cái nghề nuôi thân”.

Bất chấp hiểm nguy ở sòng bạc, nhiều người sang Campuchia đánh bạc

Để phụ cha mẹ, Tâm xin phục vụ tại quán cà phê ở TP.Mỹ Tho. Sau buổi phụ mẹ bán hủ tiếu, Tâm làm thêm. Nhưng mức lương ít ỏi, Tâm quyết định tìm công việc khác. Qua Zalo, Tâm quen với đối tượng tên Trường, tạm trú tại TP.HCM. Những lúc tâm sự với Trường qua tin nhắn, Tâm thú thật, đang tìm việc làm để có thu nhập ổn định. Trường nhiều lần rủ Tâm lên TP.HCM chơi.

Đã nhiều bi kịch tại sòng bạc ở Campuchia

Sáng 9-5, Tâm đang bán hủ tiếu cùng với mẹ thì nhận được tin nhắn của Trường: “Tôi đang tìm cho bạn chỗ làm với mức lương hấp dẫn. Công việc nhẹ nhàng. Họ đang cần gấp. Bạn nên tận dụng thời gian. Cơ hội chỉ có một lần. Nếu đồng ý, bạn trả lời cho tôi để tôi ra đón”. Xem tin nhắn, Tâm mừng rỡ. Mong ước bao ngày đã trở thành sự thật. Giúp mẹ bán xong buổi sáng, Tâm gom quần áo bỏ trong balô đón xe lên TP.HCM. Trên đường, Tâm nghĩ tháng lương đầu tiên sẽ mua quà cho cha mẹ. Sau đó, em sẽ dành dụm chút ít. Khi nào đủ tiền sẽ về quê kiếm nghề sinh sống.

Cảnh tượng kinh hoàng

Tâm nhớ lại, khi xe đến TP.HCM, Trường niềm nỡ đánh xe ôtô ra đón. Tâm cám ơn rối rít. Trường xem đồng hồ, hối thúc Tâm: “Mau lên xe ngay để ông chủ chờ”. Trên đường đi, Trường đưa cho Tâm chai nước lọc. “Uống xong chai nước, em ngủ say. Khi tỉnh dậy, em thấy mình đang ở trong căn nhà hoang kèm theo tiếng than khóc, van xin của những người cùng phòng. Bên ngoài, nhiều đối tượng, trông rất hì hợm. Cũng có tên ốm nhom, đầu hớt cua, trên người xăm những hình thù quái dị”, Tâm nói. Một số đối tượng đi vào đi ra, nhìn Tâm bằng cặp mắt dò xét. Tâm đói cồn cào, cổ họng khát nước.

Nhiều người Việt vượt biên giới tiếp tay cho hoạt động phi pháp

Em mở mắt nhìn xung quanh phòng chưa đầy 10 m² nhưng có đến hàng chục người. Tội nhất là các em từ 5-7 tuổi khoảng 6 em cũng bị nhốt chung phòng. Một tên cầm cây súng đi qua đi lại sẳn sàng đánh bất kỳ ai nếu chúng thích. Tất cả nạn nhân bị nhốt chung phòng đều có chung một tâm trạng: sợ sệt. Biết Tâm “lính mới”, một số tên dằn mặt bằng cách đánh đập một nạn nhân bị nhốt chung phòng với Tâm: “Cha mẹ mày bỏ mày rồi. Mày chuẩn bị mai đi Nam Vang nghe”. “Anh cho em xin thêm chút thời gian đi. Cha mẹ em đang kiếm tiền. Có tiền, họ sẽ gọi cho các anh ngay”.

“Mày biết hôm nay là ngày thứ mấy rồi không?”, rồi gã dùng chân đá mạnh vào người. Chắc do lâu ngày đói, khát, bị nhốt trong căn phòng ẩm thấp, nạn nhân gần như kiệt sức.

“Những ngày đầu về Việt Nam, Tâm bị hoảng loạn tin thần. Khi đến tối, cháu bị ám ảnh. Hễ nhắm mắt, em la hét. Hàng ngày, cháu thui thủi trong nhà. Tôi cùng mẹ nó thay phiên nhau động viên. Khi tinh thần nó ổn định, nó kể lại sự thật để đề nghị các cơ quan chức năng giải cứu các nạn nhân đang bị giam giữ” - anh Nghiệp tâm sự.

Theo lời của Tâm, cụm từ “đi Nam Vang là nỗi kinh hoàng” đối với các nạn nhân. Sau khi bị bắt, các đối tượng trên gọi điện cho người thân ngã giá. Nếu không được sự đồng ý; bọn chúng có sẳn đường dây buôn bán nội tạng qua Trung Quốc; gia đình đồng ý bỏ tiền chuộc, bọn chúng phân loại nhốt một phòng riêng.

Chốc chốc, bọn chúng mở cửa để kiểm tra, thăm dò. Ánh nắng buổi chiều hắt vào phòng. Qua khe cửa, Tâm nhận thấy, em bị nhốt trong căn nhà hoang giữa đồng không mông quạnh. Bên ngoài, một số đối tượng nói với nhau bằng thứ tiếng Campuchia nhưng cũng rành tiếng Việt. Sau đó, một tên tay lăm lăm khẩu súng quay vào đánh vào người 2 thanh niên: “Hai thằng mày chuẩn bị đi Nam Vang”. Cả hai khóc: “Anh cho em xin vài ngày nữa đi”. Tên kia vẫn lạnh lùng: “Tụi tao nợ mày phải nuôi cơm à”. Trong cơn hoảng loạn, 2 thanh niên nhanh chân chạy ra khỏi cửa.

“… Đùng… Đoàng…”

Hai thanh niên nằm sóng soài trên vũng máu. Tâm như ngất đi khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Hai tay em run rẩy. Một tên đưa cho Tâm cái khăn: “Mày lau máu cho sạch. Nhìn gì mà nhìn. Cha mẹ mày không đồng ý với điều kiện của bọn tao sẽ có kết cục như hai thằng kia…”. Ba đối tượng khiêng xác hai nạn nhân lên xe.

Tâm run rẩy đưa tay vào túi quần định lấy điện thoại di động nhưng vô vọng. Cái bóp vài trăm ngàn đồng cùng điện thoại di động đã bị mất...

(Còn tiếp)

Bình luận (1)

Ghê quá!

Superwomen - Thứ Sáu, 05/06/2015, 21:02 Trả lời | Thích
Lên đầu trang