(CATP) Gần hai tuần trở về quê hương, Lê Thành Tâm (24 tuổi, tạm trú phường 6, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) đã ổn định tâm lý. Ký ức ba ngày bị giam hãm nơi đất khách trở thành nỗi ám ảnh đối với Tâm. Riêng với người thân của Tâm, hành trình vượt biên giới để chuộc con cũng ly kỳ không kém.
VỤ MẤT TÍCH BÍ ẨN
Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, chị Nguyệt Ba (ngụ phường 4, TP.Mỹ Tho) tâm sự: “Tội nghiệp gia đình nó lắm. Cha lao động tự do, mẹ bán hủ tiếu lề đường, giờ mang nợ đến hơn 100 triệu đồng. Thấy hoàn cảnh của nó tôi cũng thương lắm, nhưng xóm lao động này ai cũng nghèo, chỉ biết động viên nhau”.
Nhắc đến Tâm, chị Ba không giấu được xúc động: “So với mấy đứa bạn cùng trang lứa, nó hiền lành, có hiếu. Hàng ngày, Tâm giúp mẹ bán hủ tiếu, rảnh là tìm việc làm. Mấy tháng trước, tôi nghe nó khoe đã xin việc phụ bán cà phê, nhưng được vài ngày nó buồn nói lương thấp không đủ sống”.
Theo lời chị Nguyệt Ba, chúng tôi tìm đến tiệm hủ tiếu nơi Tâm đang giúp mẹ bán. Mấy năm nay, hoàn cảnh gia đình Tâm hết sức khó khăn. Cha là anh Lê Tấn Nghiệp (51 tuổi), ai thuê gì làm nấy. Lúc chạy xe ôm khi thì làm hồ.
Nơi Tâm và mẹ sống bằng nghề bán hủ tíu - Ảnh: Thiện Thảo
Mẹ Tâm là chị Nguyễn Thị Em, bán hủ tiếu lề đường cho dân lao động. Hiện anh Nghiệp và chị Em sống ly thân. Tốt nghiệp cấp 3, Tâm sang ở với mẹ phụ giúp quán hủ tiếu.
Anh Nghiệp tâm sự: “Dù thiếu thốn nhưng tôi quyết nuôi con ăn học. Năm tốt nghiệp cấp 3, tôi lo cho con thi đại học nhưng bị rớt. Tôi động viên Tâm đi TPHCM, nó không chịu, đòi ở nhà phụ giúp gia đình. Thấy nó siêng năng phụ bưng bê hủ tiếu, tôi cũng mừng. Tôi nghĩ phải dành chút vốn cho nó học lấy cái nghề”.
Khi nghe hỏi đến con, chị Em nghẹn ngào: “Thấy tụi bạn xe này xe nọ, nhìn con tôi ứa nước mắt. Thấy nó hiểu hoàn cảnh gia đình mà không đua đòi, tôi cũng mừng nhưng nghèo gặp cái eo”.
Sáng 9-5, như mọi hôm, Tâm phụ giúp mẹ bán quán hủ tiếu. Đến 10 giờ, chị Em thấy Tâm mang balô ra khỏi nhà. Cứ tưởng Tâm về thăm anh Nghiệp, nên chị Em không hỏi đến. Chiều cùng ngày, chị Em bấn loạn khi nhận được điện thoại từ số máy lạ 00855.71448794: “Mau đem 5.000 USD sang Campuchia chuộc con. Nếu không sẽ nhận xác nó về”.
NHỮNG CUỘC NGÃ GIÁ
Hung tin trên lan truyền khắp xóm nghèo. Mọi người đến chia sẻ, động viên chị Em. Lúc 17 giờ 56 cùng ngày, anh Nghiệp bấm số máy 00855.71448795: “Anh là ai mà ra giá chuộc con tôi?”.
“Mày không cần biết tao là ai. Muốn con mày trở về Việt Nam thì mau kiếm đủ số tiền trên đem qua đây. Bằng không, vợ chồng mày vĩnh viễn không gặp được con”.
“Anh cho tôi nói chuyện với con tôi” - anh Nghiệp van nài.
Bên kia đầu dây, anh Nghiệp nghe rõ tiếng hăm dọa, chửi thề: “Mày nói chuyện với cha mày nè...”.
Giọng Tâm yếu ớt: “Cha ơi... cứu con...”, rồi chúng cúp máy.
Anh Nghiệp thẫn thờ, lo âu. Giọng nói trên đúng là của Tâm. Anh Nghiệp quyết định bằng mọi cách cứu con, ngặt nỗi số tiền 5.000 USD (tương đương 110 triệu đồng) quá lớn.
Tâm bị định giá tiền chuộc 100 triệu đồng - Ảnh: Thiện Thảo
Bà con lối xóm toàn dân lao động nghèo làm gì có tiền mà giúp. Thông cảm hoàn cảnh của anh, có người cho vài trăm ngàn đồng để làm lộ phí. Anh Nghiệp đành quyết định đi vay, đi mượn đủ theo yêu cầu của chúng.
Đêm thứ bảy (ngày 9-5) trở thành nỗi ám ảnh trong đời anh. Suốt đêm, anh Nghiệp lang thang ở TP.Mỹ Tho để vay mượn số tiền theo yêu cầu của bọn chúng, để đưa Tâm trở lại quê hương.
Sáng hôm sau, lúc 8 giờ 59 phút, anh nhận được điện thoại từ số máy trên: “Tao cho mày điều kiện cuối cùng. Chậm nhất 2 giờ chiều nay mày phải đem tiền và sang đây cho bọn tạo để nhận lại con”.
Anh Nghiệp van nài: “Mấy anh thông cảm, hôm nay chủ nhật, tôi có đi vay, đi hỏi cũng không tìm ra được số tiền trên. Hiện tôi chỉ có 50 triệu đồng”. Bên kia đầu dây vẫn là giọng lạnh lùng vô cảm: “Một đồng tao cũng không giảm”.
Cứ thế, bọn chúng liên tục gọi điện nhắc nhở anh Nghiệp phải tìm đủ số tiền đã đưa ra... Đến 14 giờ cùng ngày, anh Nghiệp nhận được điện thoại từ số máy trên: “Tao kêu mày đem tiền qua nhận lại con, mày sang chưa”.
Anh Nghiệp khẩn khoản: “Mấy anh thông cảm cho tôi một ngày nữa đi. Hôm nay tôi chạy khắp nơi nhưng không đủ”.
“Vậy mày nghe con mày đau đớn nè”. Anh Nghiệp như rã rời, tay buông điện thoại vì không đành lòng nghe tiếng đánh đấm, tiếng khóc lóc của Tâm. Anh không dám nghĩ đến hậu quả mà con mình đang phải đối mặt nếu không có đủ tiền...
(Còn tiếp)